Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 29/08/2024 10:32 GMT+7

Để khai thác hiệu quả và sử dụng hợp lý hệ thống đảo

Biên phòng - Năm 2015 là thời điểm đánh dấu nửa chặng đường cả nước nỗ lực thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 09/2007/NQ-TW tại kỳ họp lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X). Tuy chưa toàn diện, nhưng nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương đã đạt được các thành tựu đáng ghi nhận ở mức khác nhau, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành một "Quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển". Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và các hoạt động phi lý "hậu giàn khoan" của Trung Quốc năm 2014 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã đặt ra yêu cầu mới đối với việc triển khai thực hiện chiến lược biển nói trên. 

Bài 1: Cần hiểu đúng về kinh tế đảo

Để thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trong nửa chặng đường còn lại đòi hỏi phải quyết liệt hơn để tạo ra những "đột phá" trong phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác hiệu quả và sử dụng hợp lý hệ thống đảo của nước ta. Khi đó, cùng với kinh tế biển, kinh tế đảo sẽ thực sự góp phần khẳng định "chủ quyền dân sự" của nước ta trên các vùng biển của Tổ quốc.

Một quốc gia có nhiều đảo

Biển nước ta có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích khoảng 1.700km2, trong đó 3 đảo có diện tích lớn hơn 100km2 (Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang, Cái Bầu - tỉnh Quảng Ninh và Cát Bà - TP Hải Phòng), 23 đảo có diện tích lớn hơn 10km2, 82 đảo có diện tích lớn hơn 1km2 và khoảng trên 1.400 đảo nhỏ chưa có tên.

Đảo là một loại hình hệ sinh thái đặc thù, hợp thành cụm đảo, quần đảo và hệ thống đảo quốc gia. Các đảo của nước ta phân bố tự nhiên thành các tuyến và nhìn từ đất liền ra biển đây là những "phên giậu" bảo vệ lãnh thổ đất liền, ngoài cùng là 'tấm bình phong" Hoàng Sa và Trường Sa.

Cho nên, về mặt chủ quyền có thể ví mỗi hòn đảo như "một cột mốc chủ quyền tự nhiên" của quốc gia, về mặt an ninh quốc phòng mỗi hòn đảo như "một chiến hạm" không thể đánh chìm và về ý nghĩa kinh tế mỗi hòn đảo là "một hòn ngọc xanh" trên nền biển bạc. Các tuyến đảo và quần đảo như vậy không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông, mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với đất nước, đặc biệt đảo Phú Quốc ở phía Nam có thể sẽ trở thành một "Xin-ga-po thứ 2" nếu kênh Kla được đào cắt ngang bán đảo Ma-lay đoạn thuộc Thái Lan.

1wh4_11b-1.JPG
Hoạt động nghề cá sôi động trên biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: N.B
 
Nhiều cụm đảo ở nước ta có thể xây dựng thành các trung tâm kinh tế biển - đảo và dịch vụ hậu cần cho các hoạt động biển xa nói chung và cho các hoạt động khai thác biển cũng như hoạt động du lịch biển đảo nói riêng. Các cụm đảo và khu vực ven biển nước ta kết hợp tạo ra những khu vực có lợi thế địa lý rất quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển Tổ quốc.

Các đảo, cụm đảo có lợi thế địa lý, diện tích lớn, đông dân cư như Phú Quốc, Vân Đồn, Côn Đảo, Cát Bà, Phú Quý, Lý Sơn... có thể xây dựng thành các trung tâm kinh tế đảo toàn diện và hiện đại. Các khu kinh tế đảo như vậy đóng vai trò như những "cực phát triển" trong không gian kinh tế biển và có khả năng ảnh hưởng lan tỏa ra vùng biển xung quanh. Đồng thời là các "đầu mối" tiếp nối quan trọng giữa dải ven biển và các vùng biển phía ngoài. 

Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, quanh các đảo còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển du lịch biển-đảo và nghề cá nói chung, nghề cá giải trí nói riêng. Trên đảo có các làng cá, di tích văn hóa và lịch sử thuần Việt phản ánh "văn hóa vạn chài" hay còn gọi chung là "văn hóa ứng xử biển cả", góp phần tạo ra các giá trị du lịch nghề cá mà đến nay chưa được khai thác và phát triển theo đúng nghĩa của nó. 

Đến năm 2014, nước ta có 14 huyện đảo, bao gồm 2 huyện đảo ngoài khơi là Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng và Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Các huyện đảo cùng với các xã đảo, thôn đảo là các đơn vị hành chính rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng các vùng biển, ven biển và đảo của Tổ quốc.

Khai thác, sử dụng các đảo như thế nào?

Không ít người cho rằng, chúng ta đã khai thác và có kinh nghiệm quản lý biển nhiều hơn so với đảo. Đây là một thực tế đúng, vì vẫn có nhiều người đến nay hiểu "biển đảo" theo một nghĩa chung và đôi khi nghĩ nó như nhau. Nên khi nhìn "biển", "đảo" tách biệt và cụ thể hơn thì gặp lúng túng trong xử lý thông tin, trong xác định phương thức khai thác và cách thức quản lý. Trên thực tế, kinh tế biển và kinh tế đảo có những khác biệt cơ bản nhìn từ 3 thuộc tính chủ yếu của một hệ thống tự nhiên hay hệ nhân sinh - tính trội, tính đa dụng và tính liên kết.

Kinh tế biển đã được nói đến nhiều và đã hình thành những chuyên ngành kinh tế riêng để nghiên cứu khai thác tiềm năng biển, nhưng nghiêm túc mà nói, đảo và khai thác, quản lý đảo theo đúng nghĩa của nó còn nhiều bất cập. Trong số hơn 200 đảo lớn nhỏ con người có thể ra sinh sống và phát triển kinh tế ở nước ta, mới chỉ có 66 đảo có người sinh sống. Gần đây, tại Quyết định số 186/QĐ-TTg ngày 24/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt xây dựng 5 "Đảo Thanh niên" để gắn phát triển kinh tế với bảo vệ vững chắc biển đảo. Trong số đó xây 3 đảo mới: Đảo Trần (Quảng Ninh", đảo Hòn Chuối (Cà Mau), đảo Thổ Châu (Kiên Giang) và tiếp tục đầu tư xây dựng 2 đảo: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và Cồn Cỏ (Quảng Trị).

Như vậy, vẫn còn khoảng 2.800 đảo nhỏ hoang sơ, không đủ điều kiện con người ra sinh sống mà chỉ thích hợp với đời sống của các loài sinh vật hoang dã khác, vẫn chưa được khai thác, sử dụng và quản lý cụ thể. Năm 2010, Chính phủ đã cho triển khai "Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội hệ thống đảo Việt Nam đến năm 2020" theo cách tiếp cận quy hoạch truyền thống, nên số lượng đảo nhỏ hoang sơ nói trên chưa được đề cập xứng tầm. Liên quan đến phát triển "kinh tế đảo", bên cạnh việc khai thác, sử dụng các đảo lớn, các nước rất chú trọng các đảo nhỏ, hoang sơ - tiềm năng rất quý cho phát triển kinh tế đảo và cho bảo vệ chủ quyền của một quốc gia.

Ngay cả các đảo lớn có điều kiện cho con người ra sinh sống mà khi khai thác không ưu tiên và nhấn mạnh vào lợi thế biển và vị thế của đảo trong mối quan hệ với không gian biển và đất liền thì vẫn sẽ là sai lầm trong dài hạn. Dù diện tích đảo lớn, nhưng ở đảo cũng không thể lấy nông nghiệp làm định hướng chính của kinh tế đảo, nên đã đến lúc cùng với "kinh tế biển" cần tiếp tục làm rõ nội hàm "kinh tế đảo" là thế nào. Nếu quan niệm đúng kinh tế đảo thì sẽ có những định hướng phát triển tốt (như các nước khác) và khi đó có lẽ hơn 2.800 hòn đảo nhỏ còn lại mới là những "hòn đảo vàng" trong mắt các nhà đầu tư lớn tầm quốc tế.

Nói như vậy, bởi hiện nay, các đảo đẹp và đắt giá trên thế giới được chọn và công nhận hàng năm đều là những hòn đảo thường không có sự sống của con người. Có nghĩa là kinh tế đảo phải dựa trên các giá trị và gắn với bảo tồn thiên nhiên biển, đảo.

Nói cách khác, trục chính của kinh tế đảo nói chung và đặc biệt đối với các đảo nhỏ trong trường hợp của nước ta là du lịch sinh thái gắn với nghề cá giải trí và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các hoạt động khác được xem là những dịch vụ hỗ trợ cần phát triển nhưng không phải là "mũi nhọn" trong dài hạn. Tùy thuộc lợi thế vùng miền, mỗi cụm đảo và từng đảo riêng biệt, khi quy hoạch, chúng ta phải chú ý khai thác tính đặc thù, lợi thế so sánh của nó để không mắc "hội chứng" trong phát triển.

Rõ ràng, bên cạnh chức năng kinh tế thì đảo có các chức năng quan trọng khác cần phải kết hợp khi lập kế hoạch khai thác, sử dụng. Phát triển kinh tế đảo hiệu quả sẽ giữ được dân, người dân yên tâm sống lâu dài trên đảo và bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tình hình tranh chấp chủ quyền ở khu vực Biển Đông phức tạp, có chiều hướng kéo dài và chứa đựng yếu tố "khó lường".

Trong bối cảnh như vậy, một nước nhỏ như Việt Nam, cần phải coi trọng vấn đề "chủ quyền dân sự" dựa trên nền tảng chiến lược phát triển kinh tế biển, kinh tế đảo đúng đắn và vững chắc với một tầm nhìn dài hạn. Đến nay, vấn đề như vậy còn khá mờ nhạt cả về mặt nhận thức lẫn hành động, dù chúng ta đã làm được không ít việc cụ thể đề giải quyết các tình thế, đáp ứng các mục tiêu ngắn hạn.

Mỗi hòn đảo, mỗi cụm đảo, mỗi quần đảo hay mỗi hệ bờ biển đều là một thực thể tự nhiên hoàn chỉnh và được đặc trưng bởi 3 thuộc tính đã nói trên - tính trội, tính đa dụng và tính liên kết. Tìm ra được tính trội, chúng ta mới xác định đúng yếu thế/lợi thế so sánh của một hệ thống/vùng biển. Biết được tính đa dụng để khi xác định lộ trình trong kế hoạch khai thác sử dụng sẽ dễ dàng tối ưu hóa lợi ích đa ngành, mới tránh được sự "triệt tiêu" tiềm năng của các ngành trong quá trình phát triển.

Coi trọng tính liên kết giữa các hệ thống để phát huy cao nhất khả năng hỗ trợ lẫn nhau giữa các vùng miền, để tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, đánh thức tiềm năng của các mảng không gian nằm giữa và xung quanh các hệ thống đảo và vùng ven biển như nói trên.

Bài 2: Bài học nào cho Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Bình luận

ZALO