Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 06:59 GMT+7

Ám ảnh "con ma ngón" ở vùng cao Điện Biên Đông

Biên phòng - Chỉ trong vòng 8 tháng trở lại đây, đã có hàng chục người dân ở huyện miền núi Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) tự kết liễu đời mình bằng cách ăn lá ngón tự tử. Ngoài một số ít trường hợp được cấp cứu kịp thời nên mạng sống không bị đe dọa, còn lại rất nhiều người phải bỏ mạng vì "con ma ngón". Điều đáng lưu tâm là đa phần những người "chán sống" ở vùng cao này kết thúc cuộc đời mình chỉ bằng những lý do hết sức đơn giản, nhỏ nhặt, không đáng để chết.

btz1_10a
Cho đến nay, anh Vừ A Chơ vẫn chưa hết dằn vặt, khổ sở trước cái chết của vợ. Ảnh: Phạm Mạnh Hưng

Những cái chết đau lòng

"Mấy tháng trước, thằng con đầu của anh họ mình vừa thoát khỏi "con ma ngón" đấy. Khổ quá! Nó ăn cả nắm lá ngón được vài phút, hai hàm răng đã cứng lại. May mà vợ nó phát hiện, hô hoán nên cấp cứu kịp thời. Lúc mình chạy đến, thấy nó nằm bệt dưới đất, mắt trợn lên, người co giật, mới tìm mọi cách để nó nôn nước lá ngón ra. Chỉ cho nó uống nước đun sôi để nguội thôi, cứ uống vào rồi nôn ra, qua được hơn một ngày thì đỡ..." - ông Vừ A So, nhà ở gần UBND xã Noong U, người đầu tiên chúng tôi gặp khi lên huyện Điện Biên Đông để tìm hiểu về nạn tự tử bằng lá ngón ở đây kể.

"Làm sao mà con của anh họ ông phải tìm đến cái chết?" - Chúng tôi hỏi. Ông So trả lời rành rọt: "Con ma ngón tìm nó đấy chứ! Nó vốn là đứa hiền lành. Trong một lần rủ mấy người bạn quen biết ở bản bên đến nhà uống rượu say, vợ nó nói chồng là người không tốt. Nghe vợ nói vậy trước mặt mọi người, nó xấu hổ nên khi bạn bè đã về hết, liền vào rừng hái lá ngón mang về để chết".

Ở xã vùng cao Noong U không chỉ có trường hợp người nhà ông Vừ A So tìm đến cái chết vì những lý do theo kiểu lãng xẹt như đã kể trên. Theo ông, cách đây gần 5 tháng, vợ anh Vừ A Chơ ở bản Tìa Ló B cũng đã tìm đến lá ngón để giã từ cuộc sống, để lại hai con nhỏ dại, nheo nhóc. "Mà có chuyện gì to tát đâu. Nghe dân làng kể lại thì trước khi chuyện buồn xảy ra, vợ chồng thằng Chơ có mâu thuẫn lặt vặt dẫn đến tranh cãi. Vậy mà như ma đưa lối, vợ nó vào rừng hái lá ngón về tự tử và ra đi không để lại lời trăng trối..." - ông So tỏ nỗi xót xa.

Mang theo những con số và sự kiện buồn về nạn tự tử bằng lá ngón ở Noong U đến gặp ông Cứ A Chá, Phó Chủ tịch UBND xã, được ông cho biết, vấn nạn tự tử bằng lá ngón thường xảy ra trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó, nhiều nhất là người Mông. Do đời sống kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế cộng với tâm lý rẻ rúng mạng sống của chính mình nên khi gặp chuyện buồn bực hay suy nghĩ tiêu cực, không ít người muốn "giải thoát" bằng cách hái lá ngón về ăn để tìm đến cái chết. Những năm qua, chính quyền cùng với công an xã, trưởng bản, Đoàn thanh niên và già làng, người có uy tín trong các dòng họ vận động nhân dân bài trừ tệ nạn này và kịp thời giải quyết những mâu thuẫn trong các gia đình, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số nạn nhân sử dụng lá ngón để tự tử, nhưng kết quả chưa được như ý muốn. Lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng này là những người muốn tìm đến cái chết thường không theo "quy luật" và những điều rất nhỏ nhặt cũng khiến người ta có thể tự tử.

Theo số liệu tổng hợp của các cơ quan chức năng huyện Điện Biên Đông, Noong U là xã có nhiều người dân tộc thiểu số tự tử nhất nhì trong huyện. Từ những mâu thuẫn rất đơn giản như vợ chồng giận nhau, quan hệ tình cảm bị ngăn cản, mẹ con bất đồng quan điểm, anh em không có tiếng nói chung, bị la rầy dẫn đến mặc cảm, xấu hổ đã dẫn đến hàng chục người tự tử bằng lá ngón mỗi năm trên địa bàn xã. Tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, cũng đã có 11 trường hợp tự tử bằng lá ngón, làm chết 3 người, số còn lại may mắn được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

174y_10b
Cây lá ngón mọc rất nhiều ở vùng cao Điện Biên Đông. Ảnh: Phạm Mạnh Hưng

Cần có "giải pháp tổng lực"

Cũng xuất phát từ những chuyện vặt vãnh, cách đây không lâu, tại xã Suối Lư đã xảy ra một vụ tự tử gây chấn động dư luận mà nạn nhân là em Lầu Thị D., học sinh lớp 11, trường Dân tộc nội trú huyện Điện Biên Đông. Vào một buổi tối định mệnh cuối tuần, sau khi nói với bố về việc chiếc điện thoại di động của mình bị hỏng và được bố căn dặn cần phải cẩn thận hơn khi sử dụng, D. hờn dỗi một lúc rồi vào phòng trong đóng chặt cửa. Cứ nghĩ con mình đi ngủ sớm, nào ngờ hôm sau, cha mẹ D. chết lặng khi phát hiện em đã bỏ nhà ra đi từ lúc nào không rõ. Tức tốc đi tìm, gia đình phát hiện D. đã ăn lá ngón tự tử chết ở cánh rừng gần nhà.

Không chỉ gây ra cái chết cho chính mình và để lại sự đau buồn cho người thân, vấn nạn tự tử bằng lá ngón còn gây ra nỗi ám ảnh, tâm lý bất ổn cho người sống. Như trường hợp của Vừ A Chơ ở bản Tìa Ló B, dù vợ đã về thế giới bên kia được một thời gian khá dài, nhưng anh vẫn chưa hết dằn vặt, khổ sở trước cái chết của người vợ và thực tế cuộc sống thiếu thốn, nheo nhóc cùng tâm lý tự ti trước chúng bạn của những đứa con thơ mất mẹ.

Điều đáng lo ngại là những trường hợp tự tử bằng lá ngón, gây ra thảm cảnh cho gia đình như trường hợp của em D. và anh Chơ ngày càng nhiều. Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng địa phương, từ năm 2011 trở lại đây, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã phát hiện 185 vụ tự tử bằng lá ngón, trong đó, từ đầu năm 2016 đến nay, đã xảy ra 73 trường hợp, làm chết 29 người. Ngoài Noong U, các địa phương trong huyện cũng xảy ra nhiều vụ tự tử như xã Phì Nhừ (10 vụ, 4 người chết), xã Sa Dung (9 vụ, 7 người chết), xã Tìa Dình (8 vụ, 4 người chết)...

Nhiều nạn nhân, dù có đến 4-5 mặt con nhưng vẫn sẵn sàng ăn lá ngón tự tử vì những lý do không đâu vào đâu, để lại đàn con nheo nhóc sống trong cảnh mồ côi, thất học.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhằm hạn chế tình trạng tự tử bằng lá ngón xảy ra trên địa bàn, thời gian qua, các ban, ngành chức năng huyện Điện Biên Đông đã có nhiều biện pháp rất quyết liệt để vận động, tuyên truyền, ngăn chặn với mục tiêu ưu tiên số một là thay đổi được nhận thức của người dân. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn chưa có chuyển biến tích cực bởi một bộ phận người dân còn coi thường mạng sống, chỉ một sự cố nhỏ về tâm lý cũng tìm đến cái chết.

Để hạn chế, tiến tới chấm dứt hoàn toàn vấn nạn tự tử bằng lá ngón ở Điện Biên Đông, có nhiều ý kiến cho rằng phá nhổ hết loại cây nguy hiểm này, nhưng vấn đề mấu chốt được nhiều người đồng thuận là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn nhận thức rõ về tác hại của cây lá ngón và biết tự kiềm chế bản thân khi có bức xúc trong gia đình, không còn ý định nung nấu tự tử bằng loại cây "thần chết" này. Đối với những người có dấu hiệu trầm cảm, yếu thế hoặc hoang tưởng có nguy cơ tự tử cao, gia đình và cộng đồng cần sớm phát hiện kịp thời để ngăn cản những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Tóm lại, chỉ khi "con ma ngón" bị tấn công một cách tổng lực thì vấn nạn tự tự trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên Đông mới được kiềm chế, bớt gây ra những tác hại khôn lường cho mỗi gia đình cũng như cộng đồng xã hội.

Phan Mạnh Hưng

Bình luận

ZALO