Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 04:40 GMT+7

"Châm ngòi" lòng say mê

Biên phòng - Nói đến Biên phòng là nói đến biên giới, biển đảo, đồng bào các dân tộc, miền núi, văn hóa, phong tục tập quán... Đây là một trong những đề tài được sáng tác nhiều nhất trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Có lẽ nghệ thuật tạo hình có thế mạnh là màu sắc, chính vì vậy, khi tìm địa điểm sáng tác, các họa sĩ thường tìm đến địa bàn biên phòng. Và trong các cuộc thi và triển lãm tranh, các tác phẩm về đề tài này đều được giải cao như : "Hơ áo chiến sĩ" của Văn Giáo, "Đêm biên giới" của Giang Khích, "Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng" của Vũ Ngọc Khôi...  

21aa1-1.jpg
Các họa sỹ tham gia triển lãm "Biên giới, biển đảo, quê hương" tổ chức vào tháng 8-2012, nhận bằng chứng nhận.
Những họa sĩ của lực lượng BĐBP trước đây như họa sĩ Phan Chi, Giang Khích, Vũ Ngọc Khôi, Quang Thâm, Văn Chính, Trần Vợi, Trần Văn Lưu... với vốn sống, thực tế công tác, bằng các thể loại tạo hình: Tranh sơn dầu, tranh cổ động, điêu khắc, phù điêu... đã tạo ra hình ảnh anh chiến sĩ Biên phòng gắn bó với đồng bào các dân tộc, với biên cương Tổ quốc. Các tác phẩm nổi tiếng "Biên giới phía Tây" (Sơn dầu của Giang Khích), "Biển của ta, đảo của ta" (Tranh cổ động của Trần Văn Lưu), "Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng" (Điêu khắc của Vũ Ngọc Khôi)... đã đi vào đời sống nghệ thuật và nhận được nhiều ý kiến khen ngợi của giới chuyên môn. Đặc biệt, hình ảnh chiến sĩ Biên phòng đội mũ bông, cưỡi ngựa, cột mốc đã trở thành biểu tượng của lực lượng BĐBP (Phù điêu của Giang Khích).

Trong năm 2013, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự tổ chức 63 đoàn với hàng trăm họa sĩ đi thực tế đến với sáng tác các miền biên cương Tổ quốc... Sau những đợt đi sáng tác, đã có nhiều tác phẩm ở các thể loại phản ánh về cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, chiến sĩ Biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc. Các tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, có sức lan tỏa lớn được Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam và người xem đánh giá có chất lượng trong các cuộc triển lãm. Tâm sự về phong trào sáng tác nghệ thuật tạo hình thời gian qua của BĐBP, Thượng tá Lê Đức Thành, Chủ nhiệm Nhà văn hóa BĐBP cho biết: Nhà văn hóa BĐBP đã có các thiết chế văn hóa thực hiện trong toàn lực lượng, trong đó có sáng kiến phiên bản 55 tượng đài "Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng" (Tượng đài do họa sĩ Vũ Ngọc Khôi sáng tác năm 1980) xây dựng tại 55 đầu mối Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh và đơn vị, tượng trưng cho 55 năm Ngày truyền thống BĐBP. Đó là một tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật và tính tư tưởng, đã được họa sĩ Vũ Ngọc Khôi khắc họa một cách sinh động. Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm tới các lực lượng trong quân đội, song chỉ có BĐBP mới có tượng đài về Bác với chiến sĩ Biên phòng. Đó là một vinh dự lớn đối với BĐBP mà nghệ thuật tạo hình đã thể hiện. Nhân dịp khánh thành tượng đài này, các đơn vị BĐBP đã giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ và tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ với BĐBP".
21ba1-1.jpg
"Được mùa cá biển" - Tranh sơn dầu của Thế Tuân.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Lê Đức Thành, để hình tượng người chiến sĩ Biên phòng đọng lại cho các thế hệ mai sau, không chỉ là khơi dựng lại một tác phẩm mà phải xây dựng một đội ngũ quản lý và làm công tác nghệ thuật tương xứng với truyền thống của lực lượng. Đó là chăm lo đào tạo đội ngũ họa sĩ trẻ, tạo ra những phong trào sáng tác và biết "châm ngòi" để lòng say mê, nhiệt tình của họ cháy mãi... Về vấn đề này, Trung tá, họa sĩ Xuân Chung, công tác tại Bảo tàng Biên phòng chia sẻ: Để mỗi cuộc vận động sáng tác có kết quả tốt, khi tổ chức đi sáng tác mỹ thuật về đề tài biên phòng nên lựa chọn các họa sĩ có tâm huyết, tạo điều kiện để họ có cảm xúc sáng tác. Sau mỗi đợt sáng tác phải tổ chức nghiệm thu, quản lý các tác phẩm, tổ chức trưng bày báo cáo tác phẩm... Những tác phẩm giá trị có thể mua để lưu lại cho lực lượng. Khi tác phẩm được tham gia triển lãm mà đoạt giải, nên có chính sách động viên, vì tác phẩm đó dù ở cuộc triển lãm nào cũng có một giá trị nhất định trong công tác tuyên truyền hình ảnh về đề tài biên phòng tới công chúng... Cũng theo họa sĩ Xuân Chung, hiện nay, trong toàn lực lượng BĐBP chỉ có 3 họa sĩ đang công tác tại Báo Biên phòng, Nhà văn hóa, Bảo tàng Biên phòng, trong đó, chuyên trách làm công tác phong trào và sáng tác chỉ có 2 người. Quả là một đội ngũ thật ít ỏi để thực hiện cho một ý tưởng và mảng đề tài lớn. Đó là một khó khăn cho những người làm công tác sáng tác nghệ thuật tạo hình lực lượng BĐBP trong thời gian tới.

Năm mới 2014, năm con Ngựa là năm mang đậm nét hình tượng người chiến sĩ Biên phòng, hy vọng những người làm công tác tạo hình trong BĐBP như con ngựa bay trên đỉnh núi, trở thành những hạt nhân khuấy động phong trào sáng tác về đề tài biên phòng; đồng thời tham mưu cho Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh BĐBP mở các cuộc thi, sáng tác nghệ thuật tạo hình để có được những tác phẩm giá trị về lực lượng BĐBP trong sự nghiệp quản lý, xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia...
Trọng Phương

Bình luận

ZALO