Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/01/2025 04:41 GMT+7

Olympic Pyeongchang 2018:

"Cơ hội ý nghĩa" để hiện thực hóa tư tưởng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Biên phòng - Thế vận hội Mùa Đông Olympic Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc đã kết thúc vào ngày 25-2 ghi dấu hai tuần tranh tài với nhiều sự kiện thể thao và ngoại giao đáng nhớ. Quyết định của Triều Tiên tham gia Thế vận hội Mùa Đông và việc Hàn Quốc trải thảm đỏ đón đoàn đại diện cấp cao của Triều Tiên được cộng đồng quốc tế coi là những bước đi tích cực, cho thấy dấu hiệu ấm nồng trong quan hệ liên Triều.

1b5j8e2yra-72847_ad6c2d58-91bd-c7f3-ac64-403131526cb1@yahoo.com_anh_1
Hàng ghế ngồi từ trái qua phải: Tổng thống Moon Jae-in và Phu nhân, Ivanka Trump - con gái của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự lễ bế mạc Thế vận hội cùng với Trưởng đoàn Triều Tiên Kim Yong Chol (đứng thứ ba từ bên trái sang). Ảnh: AP

Những bước đi tích cực

Tại Thế vận hội lần này, Triều Tiên đã cử một đoàn với khoảng 280 thành viên tham dự, bao gồm các vận động viên, hoạt náo viên, đội văn nghệ, nhà báo cùng các quan chức cấp cao. Sự có mặt của bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và là một quan chức cấp cao của đảng, tham giá đoàn đại biểu cấp cao dự Olympic có ý nghĩa to lớn bởi đây là lần đầu tiên một thành viên trong gia đình nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Hàn Quốc.

Cũng lần đầu tiên trong 2 năm qua, một loạt các cuộc đàm phán liên Triều đã diễn ra trong bầu không khí xây dựng và cởi mở. Tuyến đường dây liên lạc nóng giữa hai bên cũng được khôi phục lại. Hai bên đã gạt bỏ những bất đồng để cùng nhau sánh bước trong lễ khai mạc Thế vận hội dưới cùng một ngọn cờ. “Thế vận hội hòa bình”, như cách Seoul gọi Olympic Pyeongchang 2018 đã thành công tốt đẹp, không xảy ra sự cố quan trọng nào và cũng không phải hốt hoảng lo sợ vì một hành động khiêu khích nào đó của Bình Nhưỡng.

Để tổ chức thành công Thế vận hội, cả Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ đã trải qua cuộc cân não cùng với sự kiềm chế tránh xung đột trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao quan trọng này. Đối với Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã làm tốt vai trò của một chủ nhà hiếu khách khi cùng lúc đón tiếp đại diện cấp cao của Triều Tiên và Mỹ tham dự lễ bế mạc ở Seoul.

Đây là quyết định vô cùng khó khăn đối với nhà lãnh đạo xứ sở Kim chi khi đứng giữa hai luồng ý kiến ủng hộ và phản đối sự có mặt ở Seoul của Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động, Trưởng đoàn cấp cao Triều Tiên, ông Kim Yong-chul - người bị Mỹ đưa vào danh sách cấm vận tài chính. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu là cải thiện quan hệ liên Triều và mở đường cho đối thoại hòa bình đã giúp ông Moon Jae-in hoàn thành tốt vai trò chủ nhà của mình.

Đáp lại thiện chí của Seoul, trong chuyến thăm Hàn Quốc, phái đoàn cấp cao Triều Tiên đã mời nhà lãnh đạo Hàn Quốc tới thăm nước này. Một lời đề nghị đầy thiện chí mà bất cứ vị Tổng thống Hàn Quốc nào cũng khó từ chối. Đối với ông Moon Jae-in, đây là cơ hội hiếm có và không thể bỏ lỡ để hòa giải với Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Moon Jae-in đã trả lời rất khôn khéo rằng “Chúng ta hãy khiến điều đó xảy ra bằng cách hoàn thành những điều kiện cần thiết trong tương lai”.

Bên cạnh đó, Trưởng đoàn Triều Tiên Kim Yong-chol cho rằng, cần phải sớm được tiến hành để cải thiện mối quan hệ Hàn - Triều và tìm ra giải pháp cơ bản cho các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên. Đồng thời mối quan hệ Triều - Mỹ phải phát triển cùng với quan hệ Hàn - Triều. “Triều Tiên sẵn sàng có các cuộc đàm phán với Mỹ”, ông Kim Yong-chol khẳng định. Nhà Trắng ngay sau đó đã có phản hồi đối với thiện chí đàm phán của Triều Tiên, trong đó nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng sẽ có tương lai sán lạn nếu lựa chọn phi hạt nhân hóa.

Giới phân tích nhận định, Thế vận hội Olympic PyeongChang 2018 đã tạo một "cơ hội ý nghĩa" để hiện thực hóa tư tưởng hòa bình và thống nhất của Thế vận hội, cũng như cơ hội cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và khôi phục quan hệ Nam - Bắc.

Vẫn còn hoài nghi

Tuy nhiên, giới quan sát vẫn hoài nghi kỳ vọng nối lại quan hệ giữa hai bên và đã có nhiều câu hỏi đặt ra về việc tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ như thế nào một khi Thế vận hội Mùa Đông kết thúc?

d51uze9qjg-72847_971856d1-43b6-8a0f-f16c-7a2b573be269@yahoo.com_anh_2
Cổ động viên Triều Tiên tới Seoul cổ vũ cho đội tuyển nước này. Ảnh: Yonhap

Hiện tại, mới chỉ có thể nhìn thấy bầu không khí hòa dịu trong mối quan hệ Triều-Hàn trong khi mâu thuẫn giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa được giải quyết. Trong năm 2017, thế giới đã chứng kiến hàng loạt căng thẳng leo thang giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đe dọa “tấn công phủ đầu Mỹ” bằng vũ khí hạt nhân, còn Tổng thống Donald Trump thì cảnh báo, bất cứ hành động khiêu khích nào từ Triều Tiên cũng sẽ bị đáp trả bằng “lửa và sự giận dữ” mà thế giới chưa từng được chứng kiến. Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic, hai bên đã giữ thái độ hết sức kiềm chế, tuy nhiên, theo các nhà quan sát, đây chỉ là “khoảng lặng trước cơn bão” và bất đồng giữa Mỹ Triều chỉ chờ dịp sẽ bùng phát trở lại. 

Do vậy, điều chính phủ Seoul cần làm bây giờ là chờ đợi Triều Tiên thực hiện các bước đi tích cực tiếp theo để thể hiện thiện chí hòa giải. Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh, sự xích lại gần nhau giữa 2 miền Triều Tiên thời gian gần đây có thể mở cánh cửa cho cuộc đàm phán Mỹ - Triều, cũng như các cuộc đàm phán đa phương nhằm chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Do vậy, trong thời gian tới, một mặt, Hàn Quốc cần giữ vững xung lực cho sự hòa giải liên Triều, mặt khác phải tăng cường hợp tác với Mỹ để đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc cần phải đóng vai trò tích cực hơn nữa để xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên, đưa hai bên đến bàn đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận đột phá về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Ngọc Oanh

Bình luận

ZALO