Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 12:02 GMT+7

"Ngày Pháp luật" vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh

Biên phòng - Để tổ chức "Ngày Pháp luật" năm 2014 hiệu quả, thiết thực, từ ngày 25-8-2014, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện "Ngày Pháp luật" năm 2014 với chủ đề: "Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Lực lượng BĐBP là một kênh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, được tổ chức đồng bộ, thống nhất ở tất cả các đơn vị, nhằm nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội cho mọi quân nhân. Đồng thời, cũng là kênh chủ đạo trong việc tuyên truyền sâu rộng, đưa mục đích, ý nghĩa của "Ngày Pháp luật" đến gần với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo. Phóng viên báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, Phó Tư lệnh BĐBP về vấn đề này.

3ip5_10-1.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền. Ảnh: Hoàng Anh
PV: Có thể khẳng định "Ngày Pháp luật" là một hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) rất hiệu quả. Đồng chí có đánh giá gì về kết quả triển khai thực hiện "Ngày Pháp luật" trong BĐBP?

Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Hướng dẫn số 3535/HĐPH ngày 4-10-2010 của Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ về việc triển khai thực hiện "Ngày Pháp luật", ngày 20-1-2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Chỉ thị số 04/CT-BQP về việc triển khai "Ngày pháp luật" trong Quân đội. Theo đó, từ năm 2011, toàn quân thực hiện và thống nhất tên gọi của mô hình PBGDPL này trong Quân đội là "Ngày Pháp luật". Để triển khai mô hình trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tạo tiền đề, cơ sở pháp lí quan trọng cho việc thực hiện "Ngày Pháp luật" trong các cơ quan, đơn vị BĐBP.

Cụ thể, hằng tháng, các đơn vị quy định một ngày, một thời gian nhất định trong ngày hoặc lồng ghép vào các nội dung, chương trình hoạt động của từng  đơn vị một cách hợp lí. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều được học tập, nghiên cứu các văn bản pháp luật. Qua hai năm thực hiện cho thấy, thực tiễn tổ chức "Ngày Pháp luật" ở các đơn vị BĐBP được triển khai đa dạng, tập trung vào hoạt động phổ biến, giới thiệu, quán triệt, nghiên cứu các nội dung pháp luật mới, cần thiết, liên quan đến lĩnh vực công tác nghiệp vụ, chuyên môn, cũng như đời sống của bà con nơi biên giới, hải đảo.

Việc tổ chức định kỳ "Ngày Pháp luật" trong tháng với lượng thời gian cần thiết (không nhất thiết phải cả ngày) nhằm làm cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên địa bàn tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật một cách đầy đủ, thiết thực. Các đơn vị BĐBP đã làm tốt việc giúp dân thực hiện hiệu quả các mô hình như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư", "Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông"... Điều này đặc biệt có ý nghĩa, bởi trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó, pháp luật được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh, thì yêu cầu bắt buộc là mọi công dân, mà trước hết là đội ngũ cán bộ, chiến sĩ phải hiểu biết và tuân thủ tốt pháp luật.

PV: Với đặc thù địa bàn các đơn vị BĐBP là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, công tác triển khai "Ngày Pháp luật" gặp phải những khó khăn gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền: Có thể khẳng định "Ngày Pháp luật" là một hình thức tuyên truyền, PBGDPL rất hiệu quả, bởi pháp luật quy định cho "Ngày Pháp luật" được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau. Thời gian qua, các đơn vị BĐBP đã chủ động tổ chức đa dạng các hình thức, nhằm đưa "Ngày Pháp luật" đến với bà con trên địa bàn một cách hiệu quả. Tuy nhiên, thực tiễn quản lý Nhà nước và thực hiện công tác PBGDPL thời gian qua còn gặp khó khăn, bất cập, chưa xây dựng được một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao để điều chỉnh toàn diện công tác này.

Bên cạnh đó, với đặc thù địa bàn BĐBP là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trình độ dân trí của đồng bào chưa cao, nên việc quan tâm đến pháp luật là không nhiều, những quan hệ xã hội vẫn được đồng bào hành xử theo tập quán và luật lệ riêng, như vấn đề tranh chấp đất đai, nạn tảo hôn, khai thác thủy, hải sản... trong nội bộ nhân dân có lúc vẫn còn diễn ra phức tạp. Đây là một khó khăn không nhỏ trong quá trình đưa pháp luật đến với bà con. Việc tổ chức bà con tập trung học tập và quán triệt pháp luật một cách máy móc, khô cứng là không thể. Hay như việc tổ chức các hình thức giao lưu, tọa đàm để bà con học hỏi, tìm hiểu về pháp luật ở đa phần địa bàn biên phòng là hết sức khó khăn. Thêm một khó khăn nữa, nhận thức của đồng bào biên giới, hải đảo không đồng đều, thường theo một nếp mòn, thói quen cũ, nên muốn bà con sống và tuân thủ tốt pháp luật là chuyện không thể giải quyết một sớm một chiều.

rqku_10b-1.JPG
BĐBP Thanh Hóa tuyên truyền pháp luật cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Lê Hoàng
 
PV: Theo đồng chí, cần có những phương pháp, hình thức đổi mới gì nhằm đưa các khẩu hiệu của "Ngày Pháp luật" trong thời gian tới đi vào thực tế, có tác dụng tuyên truyền sâu rộng, thiết thực đến với người dân, nhất là bà con nơi biên giới, hải đảo?

Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền: Như chúng ta đã biết, sau hơn hai năm thi hành hiệu quả, mô hình "Ngày Pháp luật" đã chính thức được luật hóa trong Luật PBGDPL năm 2013, cụ thể lấy ngày 9-11 hằng năm làm "Ngày Pháp luật" nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. "Ngày Pháp luật" nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Khẩu hiệu tuyên truyền "Ngày Pháp luật" năm 2014 là "Toàn quân tích cực học tập và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Vì vậy, từng cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nói chung và lực lượng BĐBP nói riêng, cần nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của "Ngày Pháp luật".

Tiếp đến, phải quán triệt, nghiên cứu, trao đổi, nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật. Có như vậy mới có thể tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến quần chúng trên địa bàn. Như đã nói ở trên, với đặc thù biên phòng là địa bàn biên giới, trình độ dân trí của bà con còn thấp, tồn tại nhiều thói quen cũ, tập tục lạc hậu... là một cán bộ tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về pháp luật, đòi hỏi phải có nhiều biện pháp, đa dạng về hình thức, tránh những buổi học tập khô cứng, gò ép bà con... Hiểu được địa bàn, nhân dân trên địa bàn, áp dụng những hình thức mềm dẻo như tọa đàm, sinh hoạt, giao lưu văn nghệ hoặc giúp dân sản xuất để trực tiếp tuyên truyền...  qua đó, bà con tích cực tham gia, hưởng ứng và nâng cao nhận thức về pháp luật. Thông qua những buổi giao lưu, trò chuyện, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con, để hướng dẫn bà con giải quyết mọi quan hệ, khó khăn theo pháp luật.

Không chỉ là những tháng, ngày cao điểm, theo tôi, công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân, nhất là nhân dân biên giới, hải đảo, phải là nhiệm vụ chính trị, là công tác thường xuyên, liên tục, mọi lúc mọi nơi. Là người lính quân hàm xanh phải hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm giúp nhân dân về mọi mặt. Song, việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật là  điều kiện tiên quyết để nhân dân ổn định cuộc sống, an tâm lao động sản xuất. Phải đưa những khẩu hiệu của "Ngày Pháp luật" đến với bà con bằng nhiều cách, nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
L.Tuấn (Thực hiện)

Bình luận

ZALO