Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 10:40 GMT+7

An cư trên đỉnh Trường Sơn

Biên phòng - Với phương châm “nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ”, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp, trong những năm qua, các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đã làm nên cuộc “cách mạng lớn” về quy hoạch sắp xếp dân cư.

Nhờ chủ trương quy hoạch sắp xếp dân cư, nhiều ngôi làng ở miền núi tỉnh Quảng Nam đã được xây dựng, mang đến cuộc sống ổn định cho nhân dân. Ảnh: Tiêu Dao

Những nóc làng bình yên

Trước năm 1975, các tộc người ở miền núi tỉnh Quảng Nam như Cơ Tu, Giẻ Triêng, Bh’nong, Xê Đăng, Cor... đều du canh, du cư. Sau năm 1975, nhận thấy việc du canh, du cư theo nếp cũ và phá rừng khiến đời sống người dân khó được nâng cao nên Nhà nước đã ra nhiều chương trình lồng ghép trong bảo vệ rừng và định canh, định cư.

Những năm qua, các ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực triển khai công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư vùng. Khu vực miền núi Quảng Nam gồm các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn có địa hình hầu hết là đồi núi, độ dốc lớn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra đã tác động rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ có chỗ ở, mà còn phát triển kinh tế ổn định, từ các chính sách hỗ trợ như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều dự án đầu tư, qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng đất khó.

Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam về quy định sắp xếp, ổn định dân cư miền núi trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 968 tỷ đồng. Hơn 7.820 hộ dân được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm sắp xếp, ổn định đời sống của bà con.

Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế, chính sách sắp xếp ổn định dân cư theo Nghị quyết số 12 và số 31 của HĐND tỉnh Quảng Nam, từ năm 2017-2020, chính quyền 9 huyện miền núi đã tổ chức sắp xếp, di dời chỗ ở cho 6.905 hộ dân, trong đó có 2.914 hộ dân ở những vùng thiên tai cần phải di dời. Tổng số hộ cần phải di dời trong giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh (Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025) đã được UBND 9 huyện miền núi phê duyệt là 5.280 hộ, trong đó, di dời tập trung 2.958 hộ và di dời xen ghép 2.322 hộ. Dự tính, tổng kinh phí xây dựng quy hoạch chi tiết 57 điểm tái định cư này là 11,4 tỷ đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ người dân di chuyển nhà cửa là hơn 349 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Nam cũng chi gần 274 tỷ đồng xây dựng 44 khu tái định cư với tổng diện tích 62,7ha để bố trí chỗ ở cho 2.034 hộ dân di dời theo diện tập trung. Cùng với mục tiêu đầu tư các khu - điểm phục vụ công tác sắp xếp ổn định dân cư, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 37 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 425 về việc thực hiện chương trình này. Năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam bố trí ngân sách 40 tỷ đồng cho một số địa phương miền núi để tiếp tục xây dựng các khu tái định cư cho người dân vùng nguy cơ xảy ra sạt lở, đường sá, cầu cống... Hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực triển khai và dự kiến cuối năm 2023 sẽ nghiệm thu các công trình này.

Trong giấc mơ an cư

Vấn đề khó khăn nhất trong công tác định canh, định cư, sắp xếp dân cư là nguồn kinh phí. Do vậy, chính quyền các cấp đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư các hạng mục cần thiết trước và theo lộ trình nhất định từ giải phòng mặt bằng đến nước sinh hoạt, trường học, đường giao thông, điện, hệ thống thoát nước... nhằm tránh việc đầu tư dàn trải, ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng công trình.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam luôn chăm lo gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống. Ảnh: Tiêu Dao

Vào ở trong khu tái định cư mới, ông Hồ Văn Sơn (thôn 4, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) cho biết, khi về khu tái định cư mới, nhà ở được Nhà nước hỗ trợ xây dựng, người dân rất yên tâm. Khu định cư mới có đường, điện đầy đủ, bà con rất phấn khởi.

Nhằm ổn định cuộc sống của người dân miền núi tại nơi ở mới, chính quyền các cấp đã khai thác tiềm năng và thế mạnh ở những vùng đất này để người dân mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được triển khai, điển hình như mô hình vườn - ao - chuồng của gia đình ông Hồ Văn Lai (ở thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My) có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Hay như ở huyện Bắc Trà My, gia đình bà Nguyễn Thị Lan (ở thôn Long Sơn, xã Trà Sơn) thuộc diện hộ nghèo. Nhận được nguồn hỗ trợ kịp thời, bà Lan đã trồng 290 gốc bưởi, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng và thoát nghèo bền vững, vươn lên làm ăn khá giả...

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ từ nhân dân, huyện Tây Giang được đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác định canh, định cư, sắp xếp ổn định dân cư so với các địa phương khác của tỉnh; hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, hệ thống cấp nước... tại các điểm bố trí dân cư được đầu tư khá đồng bộ, điển hình như các thôn: Pơ Ríng, A Ró, xã Lăng; R Bhượp, A Tring, A Grồng, xã A Tiêng; K’noonh, A Rầng, xã A Xan...

Theo ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang: “Để người dân có được cuộc sống ổn định lâu dài, xóa đói, giảm nghèo bền vững thì nhất thiết phải sắp xếp lại dân cư theo hướng tập trung, bố trí nơi ở ổn định gắn với bố trí đất canh tác, đây là yếu tố quan trọng để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, tự vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, khi sinh sống tập trung theo cộng đồng thì điều kiện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước sẽ được đảm bảo, việc đầu tư cơ sở hạ tầng và công tác quản lý dân cư được thuận lợi rất nhiều”.

Tiêu Dao

Bình luận

ZALO