Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 07:03 GMT+7

An Giang: Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tại các xã đặc biệt khó khăn

Biên phòng - Theo báo cáo số 395/BC-SNNPTNT ngày 27/11/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, năm 2023, Sở đã chủ động triển khai thực hiện Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân trong Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.

Trồng tràm là cơ sở để bảo vệ và tái tạo các giá trị, chức năng của hệ sinh thái đất ngập nước trong đầm rừng ở An Giang. Ảnh: Báo An Giang

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện khối lượng hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tại các xã đặc biệt khó khăn trên diện tích 2.968,57 ha; số vốn thực hiện trên 1,335 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là trên 1,214 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 121,437 triệu đồng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, việc hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tại các xã đặc biệt khó khăn bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 đã góp phần quan trọng ổn định an ninh chính trị - xã hội; đảm bảo có sự tham gia rộng rãi hơn của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, để lâm nghiệp có cơ hội đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ lựa chọn các loài cây giống có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để đưa vào trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đồi núi. Mục đích là nhằm hỗ trợ cho người trồng rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ổn định kinh tế gia đình, an tâm bám rừng.

Đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp thông qua việc cải thiện một cách hợp lý cơ cấu cây trồng. Phát triển các loài cây trồng có tác dụng tốt về phủ xanh, bảo vệ môi trường và có hiệu quả cao về kinh tế, xã hội. Xây dựng lâm nghiệp phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số như mục tiêu của Dự án 3 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 hướng tới.

Hoàng Thu

Bình luận

ZALO