Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 09/07/2024 03:25 GMT+7

An ninh vũ trang Quảng Nam - Những năm tháng hào hùng

Biên phòng - Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954), đất nước ta bị chia cắt làm 2 miền, đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp thực hiện âm mưu xâm lược miền Nam Việt Nam, biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới, lập căn cứ quân sự, thực hiện kế hoạch ngăn chặn CNXH lan xuống các nước Đông Nam Á. Trong giai đoạn mới của cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Khu 5, ngày 19/5/1961, tại thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang), tỉnh Quảng Nam, lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập, lúc đầu gọi là Tổ Cảnh vệ, đến cuối năm 1961 phát triển thành Đại đội 32 An ninh vũ trang, tiền thân BĐBP Quảng Nam ngày nay.

p1xe_12a-1.jpg
An ninh vũ trang Quảng Nam phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng thị xã Tam Kỳ, ngày 24-3-1975.

Ngay sau khi được thành lập, các cán bộ An ninh vũ trang Quảng Nam-Đà Nẵng nhanh chóng chuyển hướng tổ chức, hoạt động, thực hiện "3 cùng" với nhân dân, vận động bà con đòi hiệp thương Tổng tuyển cử, chống địch "tố cộng", bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở và giữ gìn lực lượng cánh mạng. Trong gian khổ, khó khăn, vượt qua bao hy sinh, mất mát, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang Quảng Nam-Đà Nẵng đã kết thành một khối thống nhất, trên dưới một lòng, sẵn sàng xả thân để bảo vệ căn cứ cách mạng, bảo vệ lãnh đạo Khu ủy Khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Đà; tổ chức diệt bọn ác ôn, phá ấp chiến lược, cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Nam lập nên bao chiến công hiển hách, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuối năm 1962, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam. Đội An ninh vũ trang Quảng Nam, Đà Nẵng được chia tách và củng cố theo hai đơn vị mới. Với quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam đã nhận được sự chi viện kịp thời và hiệu quả về sức người, sức của từ miền Bắc thân yêu.

Năm 1965, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Khu ủy Khu 5 quyết định thành lập An ninh vũ trang Khu 5, nhằm tổ chức xây dựng cơ sở, phát triển mạng lưới điệp báo, hình thành các đội Trinh sát vũ trang, An ninh vũ trang, Bảo vệ nội bộ...; phối hợp lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương chủ động "tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt", tích cực điều tra khám phá nhiều vụ nội gián, làm thất bại âm mưu thâm độc "tình báo đại chúng", chiến dịch "chiêu hàng, chiêu hồi", bẻ gãy hàng ngàn cuộc càn quét của địch vào vùng căn cứ cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, mở rộng vùng giải phòng; đập tan âm mưu tình báo hóa, quân sự hóa, đảng phái hóa, tôn giáo hoá của kẻ thù.

Từ khi được thành lập đến năm 1973, Đội An ninh vũ trang Quảng Nam đã bảo vệ tốt các đợt mở đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men phục vụ nhiều chiến dịch. Bên cạnh việc hỗ trợ các lực lượng khác, An ninh vũ trang Quảng Nam đã tiêu diệt và bắt sống hàng trăm đối tượng là tình báo, gián điệp, cảnh sát ác ôn, các đối tượng cầm đầu các đảng phái phản động làm tay sai cho địch...

Sau Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam năm 1973, trước âm mưu và hành động phá hoại Hiệp định trắng trợn của Mỹ-ngụy, lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam và các tỉnh thuộc Khu 5 đã tích cực đấu tranh chống địch lấn chiếm vùng giải phóng, chống tình báo, gián điệp, chống kế hoạch chiêu hồi, chiêu hàng và hoạt động cài cắm cơ sở của địch vào nội bộ ta, góp phần tạo thế và lực cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

2nml_12b-1.jpg
Các thế hệ An ninh vũ trang Quảng Nam năm xưa trong một lần gặp mặt.
 
Trải qua chặng đường đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên cường bám đất, bám dân, xây dựng và củng cố lực lượng cách mạng, làm thất bại các âm mưu và hoạt động của bộ máy gián điệp, tình báo tinh nhuệ của kẻ thù, làm tốt công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc, lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam đã có 10 đơn vị và 9 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và được tặng hàng ngàn huân, huy chương cao quý khác. Nhiều tấm gương anh dũng hy sinh, tiêu biểu như: Anh hùng liệt sỹ Lê Thanh Trường, Phan Ngọc Nhân, Hồ Thanh Nhất, Đỗ Văn Quả... đã tô thắm thêm trang sử hào hùng oanh liệt của lực lượng BĐBP, của quê hương Quảng Nam.

Được tôi luyện trong thử thách khốc liệt của chiến tranh, sau ngày giải phóng, nhiều cán bộ An ninh vũ trang Quảng Nam được Đảng, Nhà nước giao những trọng trách cao ở các địa phương hoặc ở những vị trí quan trọng thuộc các ngành khác. Đến nay, hầu hết cán bộ An ninh vũ trang Quảng Nam đã hoàn thành nhiệm vụ và về với cuộc sống đời thường. Một điều dễ nhận thấy là, dù ở đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì, những cán bộ An ninh vũ trang Quảng Nam năm xưa luôn giữ vững bản chất, truyền thống cách mạng, tích cực tham gia công tác địa phương nơi cư trú, là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP noi theo.
Trần Hoàng

Bình luận

ZALO