Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:18 GMT+7

An toàn giao thông cho học sinh: Cần sự chung tay của gia đình và nhà trường

Biên phòng - Trên khắp các nẻo đường gần xa, khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở và cảnh báo đối với người tham gia giao thông, hãy luôn chấp hành tốt các quy định để đảm bảo an toàn của chính mình và những người xung quanh. An toàn giao thông là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, nhà trường đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh.

Các nữ sinh ngồi trên xe đạp điện tham gia giao thông nhưng không đội mũ bảo hiểm (ảnh chụp trên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: tuoitre.vn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 563 vụ tai nạn liên quan trực tiếp tới lứa tuổi học sinh. Tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 329 em và khiến 528 em bị thương. Trong đó, xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến học sinh điều khiển phương tiện xe máy khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe. Ngoài ra, cũng có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc khi các em điều khiển xe điện, xe đạp đến trường. Đã có những cái chết không được báo trước trở thành nỗi ám ảnh cho gia đình có con em gặp nạn.

Bên cạnh những vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra với các em học sinh thì việc đáng lên án nhất là trong số đó có những vụ tai nạn do các em học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn đến trường. Rõ ràng, việc giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi theo quy định điều khiển loại phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Bởi các em chưa có đủ kỹ năng, kiến thức cần thiết để điều khiển xe máy an toàn; thậm chí có trường hợp chở người vượt quá số lượng quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn đe dọa sự an toàn của những người cùng tham gia giao thông. Theo lý giải của một số phụ huynh, do gia đình chỉ có một chiếc xe làm phương tiện di chuyển, do bận công việc không thể đưa đón nên đành phải đưa xe cho con tự điều khiển đi học.

Theo quy định hiện nay, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3. Người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên và phải có giấy phép lái xe. Quy định là thế nhưng thời gian qua, việc học sinh điều khiển xe phân khối lớn hơn so với quy định vẫn diễn ra khá phổ biến ở các trường trung học phổ thông. Bên cạnh đó là thực trạng học sinh tham gia giao thông vi phạm các hành vi phổ biến như “kẹp ba”, đi dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm...

Cùng với đó, xe gắn máy đang trở thành phương tiện phổ biến của học sinh, mặc dù Luật Giao thông đường bộ quy định rõ độ tuổi được cấp bằng lái xe nhưng để “lách luật”, nhiều học sinh chống chế bằng cách gửi xe ở ngoài cổng trường. Bởi mỗi khi vào đầu năm học mới, quy định này đã được các nhà trường thông báo, yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm.

Trước thực trạng đó, những năm trở lại đây, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đối với thanh, thiếu niên, học sinh rất được chú trọng. Tuy nhiên, hiện tượng học sinh sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy chưa bảo đảm theo đúng quy định vẫn diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại, số vụ tai nạn giao thông ở độ tuổi thanh, thiếu niên chưa có dấu hiệu thuyên giảm, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Để ngăn ngừa và hạn chế những cái chết thương tâm cho con em mình, vai trò của gia đình, nhà trường rất quan trọng. Đặc biệt, cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành các quy tắc giao thông; tuyệt đối không giao xe máy trên 50cm3 để con điều khiển đến trường khi chưa đủ tuổi theo quy định, chưa có giấy phép lái xe... Song song với đó, nhà trường cần phối hợp với gia đình để có biện pháp quản lý học sinh và ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông, thường xuyên tổ chức tuyên truyền và nhân rộng mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" để học sinh nâng cao hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông.

Ngoài ra, các địa phương cấp huyện, xã, các đoàn thể chính trị, xã hội cần phát huy vai trò để tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình tích cực nhắc nhở con em trong độ tuổi thanh, thiếu niên, nhất là học sinh, sinh viên tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe điện; không điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi theo quy định, chưa có giấy phép lái xe; chú trọng thông báo, trao đổi về việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh giữa địa phương - nhà trường - gia đình để cùng quản lý và giáo dục về an toàn giao thông với học sinh.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mới đây cũng đề nghị lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm đối với các trường hợp học sinh điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và không đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, cần tập trung xử lý hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Tuấn Khang

Bình luận

ZALO