Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 12:45 GMT+7

Anh hùng Đào Xuân Phương: Người anh hùng của nhân dân hai nước Việt - Lào

Biên phòng - Sinh ra và lớn lên trên tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị, những cống hiến của Thiếu tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Đào Xuân Phương (tức Đào Xuân Hướng), nguyên Đồn trưởng Đồn Cù Bai (nay là Đồn Biên phòng Hướng Lập) được ghi nhận là có ý nghĩa tích cực trong việc góp phần mở đường Hồ Chí Minh ở vùng ngã ba: Miền Bắc, Miền Nam và Lào - chính là thung lũng Cù Bai, thuộc địa bàn xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa ngày nay.

Anh hùng Đào Xuân Phương hạnh phúc bên gia đình. Ảnh: Gia đình cung cấp

Suốt 18 năm công tác liên tục (1955–1973) trên cả ba chiến trường, người chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) ấy đã luôn bền bỉ, tích cực công tác, lập nhiều thành tích xuất sắc, cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn Cù Bai bảo vệ vững chắc một vùng biên giới Tổ quốc. Ngày 3/9/1973, đồng chí Đào Xuân Phương được tuyên dương danh hiệu AHLLVTND, cũng là ngày các bản nhỏ của Hướng Hóa (Việt Nam) và Pha Lan (Lào) mở hội mừng công người anh hùng của hai dân tộc Việt Nam - Lào.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Cù Bai được ví là “tọa độ lửa” bởi kẻ thù thường xuyên oanh tạc hòng chiếm đóng khu vực này, ngăn chặn, kiểm soát đường chi viện của miền Bắc cho chiến trường Miền Nam. Tình thế cấp bách đó đã khiến Khu ủy Vĩnh Linh nhiều lần họp bàn và xác định, muốn bảo vệ khu vực giới tuyến, phải chủ động tấn công địch từ xa, phải đánh mạnh kẻ địch từ bên ngoài để bảo vệ chặt bên trong và đặc biệt là cần phải thông tuyến Cù Bai. Ban Chỉ huy CANDVT Vĩnh Linh đã tình nguyện đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đánh thọc sâu vào vùng địch ở bờ Nam sông Bến Hải từ Xuân Hòa tới Vĩnh Ô (Vĩnh Linh) và bờ Nam sông Sê Băng Hiêng từ Hướng Lập tới huyện Pha Lan (nay là huyện Át Chăm Phon, tỉnh Sa Va Na Khet - Lào).

Câu chuyện về Cù Bai những năm đầu xây đồn, lập bản cùng người chiến sĩ Đào Xuân Phương khiến cho tôi biết bao cảm xúc tự hào. Sau bao ngày tìm dân từ hang núi, rừng sâu về đất mới, như cái cây còn chưa ấm bụi, sâu rễ thì đám lính ngụy phía Nam dòng Sê Băng Hiên ngày ngày bắc loa kích động “Hướng Lập là đất Ngô Tổng thống, yêu cầu bộ đội miền Bắc phải rút đi”. Không lâu sau lại đến quân đội phái hữu Lào kéo sang ra yêu sách: “Hướng Lập là đất của Thủ tướng Phumi - Bun Ùm, bộ đội Việt Nam phải lùi về”... Đồng chí Đào Xuân Phương đã cùng đồng đội kiên quyết đấu tranh bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ giới tuyến, đẩy lùi Mỹ- ngụy sâu xuống phía Nam, đồng thời hỗ trợ liên quân cách mạng Lào - Việt tiêu diệt năm đồn địch, quét sạch hệ thống đồn bốt của bọn ngụy Lào thân Mỹ dọc biên giới, giải phóng trên 6 nghìn dân, vận động được 50 tên phỉ đem về 45 khẩu súng cho cách mạng.

Sự quả cảm của những chiến sĩ Đồn Cù Bai đã giúp mở ra vùng giải phóng rộng lớn cho cách mạng Lào ở phía Đông tỉnh Savannakhet, khởi đầu cho việc mở tuyến đường chiến lược Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn. Thượng tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập rất tự hào khi nhắc đến tiền bối của mình: “Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị rất biết ơn các thế hệ cha anh đã bảo vệ xây dựng một vùng biên no ấm, hữu nghị như ngày hôm nay. Đồn Cù Bai trong những năm kháng chiến đã trở thành pháo đài cách mạng “bất khả xâm phạm” trên tiền đồn miền Tây Vĩnh Linh, hai lần được phong danh hiệu Đơn vị AHLLVTND. Chú Đào Xuân Phương được nhân dân hai bên biên giới kính trọng, là người anh hùng của cả hai nước Việt - Lào. Chú được suy tôn là “cha đẻ của cây lúa nước” trên thung lũng Cù Bai, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh ở Hướng Lập”.

Những trang sử của Đồn Biên phòng Hướng Lập cũng còn ghi những cống hiến của người anh hùng ấy trên vùng biên nước bạn. Từ năm 1961 đến 1967, đồng chí Đào Xuân Phương đã cùng trinh sát, đội công tác cơ sở của đồn xây dựng được mạng lưới cơ sở ngoại biên vững chắc, trực tiếp góp phần giúp đỡ cách mạng Lào ở huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet phát triển... Đặc biệt, vào tháng 6/1967, nhiều trung đoàn của ta hành quân từ miền Bắc vào Nam, đóng quân tại khu rừng Pa Gbăng, huyện Sê Pôn, đồng chí Đào Xuân Phương nắm được thông tin biệt kích địch đã thường xuyên lui tới nên đồng chí đã vội băng rừng đến gặp chỉ huy các đơn vị.

Đồng chí đề nghị các đơn vị phải chuyển ra khỏi rừng trong vòng 24 giờ, nhưng vẫn phải để lại lán trại, một ít pháo, xe, vũ khí đã hư hỏng để ngụy trang. Khi các trung đoàn rút lui sang cánh núi đối diện, thì máy bay địch tập kích tan tác cả khu rừng. Đồng thời, đồng chí đã làm hoa tiêu mở đường, cùng chỉ huy các đơn vị Công binh và Bộ binh khảo sát tuyến, hướng để tiến hành mở thêm nhiều con đường từ Cù Bai sang Pa Gbăng, phòng khi chúng đánh đường này ta đi đường khác, “huyết mạch” Cù Bai không bị cắt đứt dưới mưa bom bão đạn của quân thù.

Năm 1971, sau chiến dịch đường 9 Nam Lào, 21 bản trong xã Pa Gbăng, huyện Sê Pôn bị máy bay Mỹ tàn phá ác liệt. ĐNhân dân địa phương phải giải tán vào trong rừng sâu, ẩn nấp trong các hang đá. Đồng chí Đào Xuân Phương phụ trách một tổ sang giúp Bạn vận động đồng bào ổn định đời sống và phát triển sản xuất. Anh tự học và nói thành thạo tiếng Lào Thưng, Lào Lùm, tiếng Vân Kiều và đã học cả những bài thuốc Nam, tìm những cây thuốc sẵn có trong rừng để chữa bệnh. Tin tưởng các anh, đã có hơn 100 gia đình rời khỏi hang, tìm nơi làm nhà và sản xuất đủ lương thực, đảm bảo đời sống. Vụ mùa năm 1972, những bản nhỏ giáp biên của Lào đã thu hoạch được một vụ lúa ngô tốt chưa từng thấy, có hộ gia đình chỉ năm người lao động mà thu được trên 7 tấn ngô.

Trong quá trình dân vận kết hợp xây dựng cơ sở ngoại tuyến, đồng chí Đào Xuân Phương đã phát hiện và kiên trì dùng thuốc Nam điều trị khỏi bệnh cho một đồng bào người Lào mắc bệnh hiểm nghèo bị dân bản và người thân xa lánh, đưa cách ly ra lán giữa rừng nằm chờ chết. Tiếng đồn “ông lang bộ đội Việt, cao tay hơn con ma rừng” lan đến những bản Lào xa xôi, đồng bào tìm đến anh và đã có hơn 50 người được anh chữa khỏi bệnh, tạo được niềm tin bền vững vào bộ đội Việt Nam. Xã Pa Gbăng từ một xã kém đã trở thành địa phương có phong trào sản xuất và tổ chức chống chiến tranh phá hoại của địch rất tốt, được chính quyền huyện Sê Pôn phổ biến kinh nghiệm cho các nơi học tập.

Cũng trong năm 1912, nhằm mở rộng vùng giải phóng Lào, đồng thời nới rộng hành lang chiến lược của đường Hồ Chí Minh, CANDVT Vĩnh Linh quyết định phối hợp với các đơn vị quân đội Lào đánh Đồn Bản Na. Giữa lúc giao tranh dữ dội, địch chống trả bằng hỏa lực mạnh về phá cửa mở do đồng chí Văn Thầu (sau này là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đảng nhân dân cách mạng Lào tỉnh Savannakhet) chỉ huy, khả năng hi sinh rất cao. Thấy đồng chí Văn Thầu và mũi tiến công phía đó gặp nguy hiểm và nhận thức được trách nhiệm bảo vệ tính mạng cho cán bộ của bạn, đồng chí Đào Xuân Phương đã rời nơi ẩn nấp chạy về phía đồng đội và nằm đè lên che đạn cho đồng chí Thầu vượt qua phút hiểm nghèo... Sự dũng cảm và hành động nghĩa tình, “chia lửa” chiến trường ấy đã để lại trong lòng cán bộ chiến sĩ liên quân Lào - Việt tham gia trận chiến đấu Bản Na như một minh chứng của nghĩa tình đồng đội keo sơn.

Năm 1972, Quảng Trị giải phóng, một vùng rộng lớn phía Nam sông Bến Hải thoát khỏi sự kìm kẹp của Mỹ ngụy. Đồng chí Đào Xuân Phương với những thành tích đáng ghi nhận nơi biên giới miền Tây, ba năm liền là Chiến sĩ Quyết thắng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND vào năm 1973 và được ra miền Bắc bồi dưỡng học nâng cao. Song, người anh hùng bình dị ấy đã xin trở lại chiến đấu bảo vệ quê hương. Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đồng chí Đào Xuân Phương tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Đồn trưởng Đồn Cù Bai và Đồn trưởng Đồn Cửa Tùng... cho tới khi nghỉ hưu vào năm 1983. Năm 2015, người anh hùng bên dòng Sê Băng Hiêng ấy đã ra đi trong nỗi tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng đội và những người dân nơi biên giới miền Tây Quảng Trị.

Đặng Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO