Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 12:07 GMT+7

Anh hùng, liệt sĩ Phan Ngọc Nhân: Sáng mãi tên anh trên quê hương Điện Bàn

Biên phòng - Theo lời kể đầy tự hào của Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP về quê hương Điện Bàn, Quảng Nam của mình cùng những người chiến sĩ An ninh nhân dân vũ trang quả cảm, tôi đã về thăm miền quê cách mạng này. Vùng đất Điện Bàn trong hai cuộc kháng chiến là địa bàn chiến lược, có vai trò “cửa khẩu” cung cấp, tiếp nhận lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho chiến trường, đảm bảo nhu cầu cho cán bộ, bộ đội trong và ngoài thị xã, các cơ quan của tỉnh, Liên khu 5, Đặc khu Quảng Đà hoạt động trong suốt những năm bom đạn. Vì thế, Điện Bàn thường xuyên bị kẻ thù tấn công, phá hoại, có lúc cả xã là một vùng đất trắng: “trắng nhà, trắng cây cỏ, trắng dân”, nhưng cán bộ, đảng viên, du kích xã vẫn bám dân, bám đất đánh giặc, cùng nhau thực hiện lời cam kết “sống anh dũng bám làng, chết kiên cường, bất khuất” và khẩu hiệu 3 bám: “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địa bàn”.

Ngôi trường mang tên anh hùng, liệt sĩ Phan Ngọc Nhân. Ảnh: Phương Linh

Và chỉ riêng xã Điện Nam trước đây, nay là ba xã Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung và Điện Nam Đông, đã có đến 7 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 7 tướng lĩnh, 184 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 2.229 liệt sĩ, 1.800 gia đình có thân nhân hy sinh, cùng hàng nghìn thương binh, gia đình có công với cách mạng... Và trong đội ngũ những anh hùng, liệt sĩ ấy, ngời sáng tấm gương Phan Ngọc Nhân, nguyên là Đội trưởng Đội Trinh sát vũ trang, Ban An ninh Quảng Đà. Trên quê hương mình, tên của Anh hùng, liệt sĩ Phan Ngọc Nhân được đặt cho một ngôi trường tiểu học. Nơi anh hi sinh tại thị xã Hội An, cũng có một con đường mới rộng thênh thang mang tên anh. Đó là sự tri ân của thế hệ sau dành cho người có công với dân với nước, với sự nghiệp cách mạng của quân dân Quảng Nam.

Ngược dòng lịch sử, quay về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, khi đất nước chia hai miền Nam - Bắc, đồng chí Phan Ngọc Nhân vừa tròn 18 tuổi. Xuất thân trong một gia đình cách mạng, cha mẹ cùng anh chị em hi sinh khi anh còn rất nhỏ, nên Nhân đã sớm trở thành một chiến sĩ quả cảm, ưu tú của phong trào cách mạng tại quê hương mình. Từng bị bắt 7 lần và bị Mỹ, ngụy tra tấn dã man, xong, anh quyết không hé răng, bảo đảm an toàn tuyệt đối bí mật của tổ chức. Tới năm 1962, Phan Ngọc Nhân chuyển công tác từ bộ đội địa phương sang đơn vị bảo vệ. Với bản lĩnh và sự chân thành của mình, anh đã tích cực vận động quần chúng, xây dựng được 15 cơ sở phục vụ cho đơn vị chiến đấu ngay trong lòng địch.

Đầu năm 1965, khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, Quảng Đà trở thành địa bàn chiến lược trọng điểm đánh phá của chúng, Phan Ngọc Nhân được cấp trên điều động trở thành chiến sĩ trinh sát vũ trang thuộc Ban An ninh Quảng Đà, phụ trách chi huy Đội trinh sát vũ trang thọc sâu vào thành phố, thị xã, đánh vào các cơ quan đầu não của địch để hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, diệt ác, phá kìm. Ngay khi vừa nhận nhiệm vụ, Đội trưởng Phan Ngọc Nhân cùng các đội viên của mình đã được giao nhiệm vụ diệt tên Lư, Đồn trưởng Đồn Gành, Hội An. Đây là một trong số tên ác ôn khét tiếng đã sát hại rất nhiều cán bộ cách mạng. Hắn rất xảo quyệt, luôn cảnh giác, đề phòng nên đi đâu hắn cũng mang theo người bảo vệ và trong người có khẩu súng ngắn. Biết được điều này, Phan Ngọc Nhân trực tiếp khảo sát địa bàn, xây dựng cơ sở, nắm quy luật đi lại, ăn ở của tên Lư.

Đêm 20/5/1965, anh bí mật giấu mình trong đống rác gần giếng Bông (Hội An), mặc kệ cho kiến lửa cắn đau thấu óc, vẫn kiên trì chịu đựng. Hai phía có thêm hai chiến sĩ khác phục kích để bảo vệ Phan Ngọc Nhân. Chờ từ giữa đêm đến khi mặt trời đứng bóng, tên Lư và đám lính của chúng mới xuất hiện, khệnh khạng bước vào quán ăn. Nhận được tín hiệu, Phan Ngọc Nhân vùng dậy từ đống rác, miệng quát to: “Diệt ác ôn, không diệt lính” và chĩa thẳng mũi súng về phía chúng. 6 tên lính vội lăn xuống đất, viên đạn găm thẳng vào ngực tên Lư, khiến hắn chết ngay tại chỗ. Ngay lúc những tên còn lại đang run sợ nấp dưới bàn ghế, anh đã lao đến cạnh tên Lư để dán bản án tử hình của mặt trận lên xác hắn. Cả tổ rút lui an toàn.

Những em thơ trên quê hương Điện Bàn tự hào được học tập dưới mái trường mang tên người anh hùng Phan Ngọc Nhân. Ảnh: Phương Linh

Đó chỉ là một trong số gần 100 trận mà Đội trưởng Phan Ngọc Nhân đã tham gia chiến đấu, góp phần tiêu diệt 200 tên địch là bọn cảnh sát ác ôn, tình báo CIA, phượng hoàng, cùng nhiều ngụy quyền gian xảo khác. Trong đó, anh trực tiếp chỉ huy 23 trận và để hoàn thành nhiệm vụ của các trận đánh, nhiều lần, anh đã khôn khéo cải trang, khi thì làm lính ngụy, lúc đóng vai cảnh sát, lúc làm dân thường, có lúc đóng vai thợ mộc, luồn sâu vào hang ổ địch, tiêu diệt chúng một cách nhanh gọn và vô cùng dũng cảm. Tại Trại sáng tác văn học về đề tài Vì bình yên cuộc sống và hình tượng người chiến sĩ công an do Bộ Công an tổ chức, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đã rưng rưng kể cho chúng tôi nghe về trận đánh cuối cùng của đồng chí Phan Ngọc Nhân.

Đó là trận đánh vào cơ quan Dân ý vụ, cơ quan USOM của giặc tại Hội An vào ngày 23/2/1969. Qua nắm tình hình, ta đã biết lực lượng bảo vệ của địch gồm 4 trung đội biệt kích ngụy, 4 tiểu đội biệt kích Mỹ, trong khi Đội trinh sát vũ trang của ta chỉ có 8 đồng chí. Song, không vì thế mà Đội trưởng Phan Ngọc Nhân nao núng, thoái thác nhiệm vụ. Anh động viên các anh em nêu cao tinh thần quyết tử, kiểm tra lại toàn bộ những thứ cần thiết phục vụ cho trận đánh, rồi lặng lẽ hành quân đến nơi tập kết. Đúng 1 giờ đêm 23/2/1969, Phan Ngọc Nhân hạ lệnh nổ súng. Anh trực tiếp chỉ huy tổ mũi nhọn đánh vào trụ sở bọn dân ý vụ, diệt gọn 50 tên, chiếm lĩnh hoàn toàn các căn buồng của cơ quan dân ý vụ chứa chấp bọn CIA, phượng hoàng, tình báo... Một số tên bị tiêu diệt, số khác chui xuống 2 hầm, phát hiện địch, Phan Ngọc Nhân hạ lệnh vừa gọi hàng, vừa cho nổ súng đánh sập hầm, diệt gần 120 tên, bắt sống 40 tên khác.

Sau khi cùng đồng đội dùng thủ pháo, lựu đạn, B40 tiêu diệt hàng chục tên giặc, Đội Trinh sát của Phan Ngọc Nhân bị giặc phản kích, chặn đường rút lui. Chúng huy động đến 9 xe bọc thép, 1 trung đội lính Nam Triều Tiên, 1 đại đội ngụy tấn công vào đội trinh sát. Phan Ngọc Nhân cùng các trinh sát chống trả quyết liệt. Cầm cự hơn 4 giờ đồng hồ thì đạn dược gần hết, Phan Ngọc Nhân ra lệnh cho toàn đội rút lui, một mình anh trụ lại cản địch. Tuy đã bị thương, nhưng anh vẫn gắng sức dùng một lúc 2 khẩu súng và lựu đạn thu được của giặc, đánh trả lại chúng. Cho đến lúc hết đạn, anh đập gãy súng và anh dũng hy sinh. Nhân dân trong vùng vô cùng thương tiếc đã đưa thi hài Phan Ngọc Nhân vượt qua sự ngăn chặn của địch về an táng một cách chu đáo. Trong trận đánh này, Nhân đã cùng đồng đội tiêu diệt 229 tên địch gồm cảnh sát, tình báo và quân cảnh.

Sau trận đánh, anh được truy tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất và được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 6/6/1976.

Đặng Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO