Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 08:36 GMT+7

Anh hùng, liệt sĩ Trần Thị Tính: “Anh hùng đâu cứ phải mày râu”

Biên phòng - Khi viết về anh hùng, liệt sĩ Trần Thị Tính (tức Thơ), chiến sĩ An ninh vũ trang tỉnh Khánh Hòa, trong tâm trí tôi cứ vang lên những câu thơ trong bài “Tấm ảnh” của nhà thơ Tố Hữu: “O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế! To gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu!”.

Phụ nữ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam tham gia đánh máy tài liệu phục vụ phương án đánh chiếm Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu

Trong chặng đường 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của BĐBP, có sự đóng góp, hy sinh lớn lao của những nữ điệp báo, nữ chiến sĩ An ninh vũ trang cùng rất nhiều nữ chiến sĩ khác đã dành cả thanh xuân và cuộc đời để tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, vun đắp cho chồi Độc lập vươn cành, trái Tự do chín mọng. Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng quân hàm xanh tự hào có hai nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là liệt sĩ, anh hùng Trần Thị Tính và anh hùng Nguyễn Thị Hồng Châu.

“Sống anh hùng, chết hiên ngang”, câu nói đó thực đúng với những tháng ngày chiến đấu dũng cảm, mưu trí, tận tụy của người nữ chiến sĩ bé nhỏ của miền quê Diên An, Khánh Xương, tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa). Theo lời miêu tả của Đại tá Nguyễn Văn Chức, nguyên Cục trưởng Cục Trinh sát BĐBP, nguyên Trưởng ban An ninh vũ trang Nam Trung Bộ thì đồng chí Trần Thị Tính là một cô gái có vóc người tầm thước, gương mặt bầu bĩnh và đặc biệt nhanh nhẹn. “Cuộc đời cách mạng của người nữ chiến sĩ An ninh vũ trang ấy chỉ vẻn vẹn có 4 năm, song sự hi sinh của chị Trần Thị Tính là tấm gương sáng ngời về những chiến sĩ An ninh vũ trang kiên trung của Nam Trung Bộ, gieo mầm khát vọng cống hiến cho bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đi sau bước tiếp trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” - Đại tá Chức nhấn mạnh.

Quê hương Diên An của đồng chí Trần Thị Tính là một trọng điểm "bình định" của địch, chúng tung vào đây một bộ máy cai trị gồm cảnh sát, ác ôn, lính ngụy... với số lượng khá đông, hòng bóp chết mầm mống cách mạng. Năm 1967, khi mới 15 tuổi, chị Tính đã tình nguyện tham gia rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, áp phích, treo cờ, ném bản cáo trạng vào nhà những tên đầu sỏ. Thấy cô thôn nữ đó gan dạ, lại tháo vát, tổ chức đã đưa chị vào đội trinh sát vũ trang sống công khai, hợp pháp với địch.

Nhiệm vụ của chị Trần Thị Tính là cùng các cán bộ An ninh vũ trang của tỉnh Phú Khánh đi vào vùng sâu trụ bám xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch, phục hồi phong trào ở các xã, tổ chức diệt ác, tuyên truyền, vận động nhân dân biến ấp chiến lược thành làng chiến đấu. Đồng thời, luồn bám chắc bên trong để xây dựng và củng cố thực lực cách mạng, phục vụ các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương trụ lại ở đồng bằng, áp dụng chiến thuật “cuốn chiếu”, “hoa nở trong lòng dân” để diệt ác, phá kìm...

Mùa Xuân năm 1968, dù mới chỉ tham gia cách mạng chưa đầy nửa năm, nhưng cô thôn nữ ấy đã vững vàng quay trở lại quê hương hoạt động, làm nhiệm vụ trinh sát vũ trang ở thị trấn Vĩnh Trang. Lúc đầu hoạt động ở vùng ven khó khăn, vất vả và dễ bị địch phát hiện, truy lùng nên đồng chí Tính đã xây dựng được một cơ sở theo cách mạng, đồng ý tạo điều kiện cho chị và tổ công tác được ở sâu trong lòng địch. Chị cũng đã thiết lập được đường dây liên lạc bí mật chuyển tin tức và tài liệu ra cho Ban chỉ huy An ninh vũ trang tỉnh, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo mở các trận đánh tiến công thắng lợi, khiến lòng dân thêm tin tưởng, hướng về cách mạng, phong trào kháng chiến thống nhất non sông phát triển mạnh mẽ.

Từ đầu năm 1969 đến Thu Đông năm 1971, tổ công tác của chị Trần Thị Tính đã cùng với các đội công tác và bộ đội địa phương diệt ác, trừ gian, tước vũ khí, giải tán phòng vệ dân sự, rải truyền đơn kêu gọi binh sĩ về với Mặt trận, móc nối xây dựng cơ sở, đào hầm bí mật để cán bộ cách mạng bám trụ lãnh đạo phong trào. Bước vào Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, nhận lệnh của cấp trên, các chiến sĩ An ninh vũ trang Phú Khánh đã phối hợp với các lực lượng và đội công tác cử lực lượng trụ bám đồng bằng, phát động phong trào quần chúng nổi dậy tấn công bọn tề ngụy ở các thôn, xã nhằm giành dân, giành quyền làm chủ, làm cho bọn tề ngụy ác ôn và phòng vệ dân sự ở một số nơi phải lẩn trốn, tan rã.

Những ngày tháng đó, chị Trần Thị Tính như con thoi từ thành thị tới nông thôn để đưa đón cán bộ, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng, cùng đồng đội và du kích địa phương bí mật triển khai đào hầm, hào để giấu quân và tham gia gài mìn diệt địch. Nhiều năm liền, chị đạt danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng, Chiến sĩ Thi đua cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác. Tới tháng 6/1972, đội công tác của chị Trần Thị Tính được giao nhiệm vụ đón đoàn cán bộ hợp pháp về Nha Trang, cả đội đều xác định đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, bởi số cán bộ này là những hạt nhân quý của cách mạng Phú Khánh, cần phải bảo vệ an toàn tuyệt đối.

Đêm ngày 18/6/1972, ngay sau khi nhận đoàn cán bộ từ đội bảo vệ tuyến trên, chị Trần Thị Tính dẫn đầu đội hình vượt đường số 1, nhanh chóng lựa theo những hàng cây im lìm trong đêm đen dọc những con đường nhỏ về làng. Nhưng rồi chó của nhà dân thấy tiếng động lạ sủa vang, các đội lính bảo an của các ấp chiến lược lập tức vận động chiến đến khu vực đội công tác đang trú ẩn. Chị ra hiệu cho đoàn cán bộ nằm sát xuống đất để tránh bị địch phát hiện, nhưng súng của bọn chúng đã nã liên hồi vào khoảng không đen sẫm để thị uy. Chị rút súng bắn trả và cố gắng lại gần đội hình địch để xác định quân số của chúng.

Khi lại gần, căng mắt nhìn qua màn đêm, chị nhận ra đó là một trung đội cảnh sát dã chiến ngụy, có lực lượng đông gấp bội. Sau một hồi vừa chiến đấu, vừa bảo toàn lực lượng, tổ của chị Tính không đủ khả năng bẻ gãy sự tấn công của chúng, chị quyết định cho tổ đánh chặn địch để anh em trong tổ đưa đoàn cán bộ rút lui an toàn. Chiến đấu trong điều kiện địch dựa vào làng, còn ta ở giữa cánh đồng trống rất bất lợi, chị đã thu hút hỏa lực của địch về phía mình và dựa vào ánh pháo sáng để bình tĩnh xác định mục tiêu, tiêu diệt từng tên. Chị bị thương nát cả hai chân, kẻ địch hò hét, định bắt sống chị.

Chị suy nghĩ: "Nếu bị sa vào tay địch thì coi như không hoàn thành nhiệm vụ". Chị tháo chốt hai quả lựu đạn, chờ địch vào gần ném liên tiếp vào đội hình của chúng, tiêu diệt một số tên. Địch lố nhố trước mặt, khẩu AK trong tay chị nổ giòn khiến địch số bị thương vong, số còn lại hoảng sợ rút lui. Hết đạn, để súng không lọt vào tay địch, chị tháo tung khẩu AK, vứt mỗi nơi một bộ phận và đứng thẳng hứng chịu làn đạn xối xả của kẻ thù.

Người liệt nữ ấy đã chiến đấu ngoan cường và hi sinh, dù chưa từng một ngày được đeo màu quân hàm xanh đầy tự hào của lực lượng trung kiên, cũng không có một tấm ảnh nào lưu lại cho hậu thế. Ngày 6/6/1976, liệt sĩ Trần Thị Tính đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân. Cuộc đời bi tráng của người nữ anh hùng ấy đã để lại niềm khâm phục và tiếc thương vô hạn cho nhân dân và đồng đội, trở thành đóa hoa bất tử tô thắm trang sử vẻ vang của BĐBP.

Đặng Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO