Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 09/07/2024 06:31 GMT+7

Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2024):

Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ - danh thơm còn mãi

Biên phòng - Mỗi người lính Biên phòng khi đi công tác qua Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP Điện Biên đều dành thời gian vào Khu tưởng niệm Anh hùng, liệt sĩ (AHLS) Trần Văn Thọ thắp nén nhang thơm, tưởng nhớ tới người Anh hùng đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho vùng đất biên cương Tây Bắc Tổ quốc. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng tinh thần lao động, học tập, công tác và cống hiến của anh vẫn nguyên vẹn giá trị đối với người dân biên giới và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng.

Khu tưởng niệm AHLS Trần Văn Thọ được đầu tư xây dựng khang trang ngay cạnh Đồn Biên phòng Leng Su Sìn. Ảnh: Bích Nguyên

Trong số rất nhiều hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Biên phòng, có một kỷ vật của AHLS Trần Văn Thọ được trưng bày ở một vị trí trang trọng. Đó là chiếc áo trấn thủ do ông Pờ Pú Chừ, người dân Hà Nhì ở biên giới trao tặng. Chuyện kể rằng, năm 1957, anh Trần Văn Thọ xây dựng cơ sở ở địa bàn phụ trách thấy gia đình ông Pờ Pú Chừ rất nghèo, lại đông con, quần áo không đủ mặc. Trời rất lạnh mà ông Chừ chỉ có một chiếc áo mặc trên người, anh Thọ thấy vậy đã nhường áo trấn thủ cho ông mặc. Sau này, anh Thọ đã bồi dưỡng, đào tạo ông Chừ thành cơ sở tin cậy đầu tiên và giới thiệu ông vào Đảng Lao động Việt Nam năm 1959.

AHLS Trần Văn Thọ, sinh năm 1935, quê ở xã Nỗ Lực, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khổ, anh Trần Văn Thọ sớm giác ngộ cách mạng. Năm 15 tuổi, anh vào du kích. Anh nhập ngũ năm 1952 và tham gia công tác, chiến đấu tại Đồn 5 Công an vũ trang nhân dân (nay là Đồn Biên phòng Leng Su Sìn). Hoạt động công tác trong điều kiện vô cùng phức tạp, nguy hiểm, nhưng anh Thọ luôn luôn vững vàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chiến đấu mưu trí, dũng cảm lập công xuất sắc. Trong suốt thời gian quân ngũ, anh Thọ đã nỗ lực hết mình "ba bám, bốn cùng" giúp đồng bào sản xuất, xóa đói; cùng đồng bào bảo vệ biên giới, tiễu phỉ...

Cuối năm 1958, đơn vị của anh Thọ được phân công thực hiện công tác vận động quần chúng tại xã Xính Phình, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (nay là xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Xính Phình là một xã nằm ở ngã ba biên giới (A Pa Chải) Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Vùng này rừng núi rất hiểm trở, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi này là hang ổ tụ tập bọn tình báo, gián điệp, đặc vụ của Pháp, Mỹ, Tưởng và bọn phản động ở địa phương.

Hòa bình lập lại, các đối tượng gián điệp vẫn lén lút hoạt động nổi phỉ, chống phá cách mạng, gây rối an ninh trật tự. Trước tình hình đó, với trách nhiệm của người đảng viên, anh Thọ thực hiện triệt để phương châm “ba bám, bốn cùng” gần gũi đồng bào để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo dựng niềm tin của nhân dân vào Bộ đội Cụ Hồ. Qua sự giúp đỡ của nhân dân, anh Thọ đã phối hợp với cán bộ địa phương gọi hàng được 5 tên phỉ. Từ nguồn tin khai thác được của 5 tên phỉ, anh Thọ bắt được 6 tên đặc vụ của quân Tưởng nằm vùng cùng với nhiều vũ khí và tài liệu quan trọng.

Cùng với công tác trấn áp bọn phản động, thổ phỉ, anh Thọ còn giúp củng cố chính quyền địa phương, bồi dưỡng quần chúng ưu tú. Anh trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng và giới thiệu lên đảng ủy cấp trên kết nạp được 13 người vào Đảng, giúp địa phương thành lập được chi bộ đầu tiên ở xã Xính Phình. Anh Thọ cũng dành nhiều công sức vận động, hướng dẫn bà con xóa bỏ tệ nạn mê tín dị đoan, không du canh du cư mà ổn định cuộc sống, tích cực lao động sản xuất để xóa đói, giảm nghèo.

Một lần nghỉ phép, về dưới xuôi, anh Thọ đã bỏ tiền mua thóc giống, lưỡi cày mang lên đơn vị để tặng bà con. Anh trực tiếp hướng dẫn người Hà Nhì khai thác đất hoang, đắp bờ làm ruộng nước và cầm tay chỉ việc dạy cách trồng lúa nước. Ngay mùa vụ đầu tiên, ruộng lúa do anh Thọ trồng cho bông nặng trĩu hạt, năng suất cao hơn rất nhiều so với lúa nương của đồng bào. Bà con ai cũng phấn khởi, bắt đầu tin tưởng và làm theo anh. Người Hà Nhì xuống núi, lập bản định cư, lấy tên là bản Đoàn Kết vào hợp tác xã. Anh Thọ cùng các đồng đội không quản vất vả, giúp bà con dựng nhà, làm ống dẫn nước sinh hoạt, chia sẻ muối ăn, chăn ấm cho bà con. Sau đó, mỗi lần đi công tác về, anh Thọ bao giờ cũng mang quà về cho nhân dân là những bao hạt giống, dụng cụ sản xuất... Nhờ sự tận tâm hướng dẫn của anh Thọ, đời sống của đồng bào Hà Nhì ở vùng ngã ba biên giới ngày càng được nâng lên.

Đến năm 1961, toàn xã Xính Phình đã xây dựng được 5 hợp tác xã đều thuộc loại khá. Riêng Phù Bì là hợp tác xã mà anh Thọ trực tiếp hướng dẫn đã trở thành lá cờ đầu ở vùng cao. Vụ mùa năm 1961, Phù Bì thu hoạch mỗi người bình quân trên một tấn lương thực và được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Chiếc áo trấn thủ mà AHLS Trần Văn Thọ tặng ông Pờ Pú Chừ được trưng bày tại Bảo tàng Biên phòng. Ảnh: Xuân Thanh

Thời đó, hầu hết người dân xã Xính Phình còn mù chữ, 100% nam giới và 60% nữ giới nghiện thuốc phiện. Anh Thọ đã vận động nhân dân đi học chữ, xóa tệ nạn nghiện hút và các tập quán lạc hậu. Đến năm 1960, toàn xã Xính Phình không còn ai nghiện thuốc phiện, bà con nhân dân tin tưởng, giúp đỡ cán bộ Biên phòng bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới.

Đầu tháng 8/1961, trời mưa như trút nước nhiều ngày liền. Nước suối dâng cao cuồn cuộn làm guồng nước bị đổ, nhà kho hợp tác xã trên nương bị hư hỏng nặng. Quá sốt ruột, anh Trần Văn Thọ mặc áo mưa đi sửa lại guồng nước, nhà kho. Khi mọi việc xong xuôi, cũng là lúc anh Thọ bị cơn sốt rét ác tính quật ngã vào ngày 8/8/1961, khi đó, anh mới 26 tuổi. Khi anh mất đi, đồng bào các dân tộc địa phương vô cùng thương tiếc đã dựng bia kỷ niệm để tưởng nhớ.

Ghi nhận công lao đóng góp của anh Trần Văn Thọ, Bộ trưởng Bộ Công an đã truy phong vượt cấp từ Thượng sĩ lên Thiếu úy cho anh. Ngày 1/1/1967, Quốc hội và Chính phủ đã truy tặng liệt sĩ Trần Văn Thọ danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Liệt sĩ Trần Văn Thọ là một trong 5 chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) đầu tiên được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

AHLS Trần Văn Thọ sẽ mãi là tấm gương tiêu biểu về tinh thần sống, chiến đấu, cống hiến hết mình vì bình yên, hạnh phúc, ấm no của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số nơi biên giới để lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP học tập và noi theo.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO