Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 02:04 GMT+7

Anh hùng Trần Văn Năm: Người trinh sát quả cảm bảo vệ Trung ương Cục

Biên phòng - Năm 2023, tập truyện ký “Năm Gấu” của nhà văn Lê Duy Nghĩa đã xuất sắc đạt giải A thể loại truyện ký, hồi ký của Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ Công an nhân dân” do Bộ Công an phát động. Nguyên mẫu của tập truyện đó chính là Đại tá Trần Văn Năm (biệt danh Năm Gấu), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Long An. Dù đã được gặp người cựu chiến binh có nụ cười hồn hậu, vóc người tầm thước và giọng nói sang sảng ấy từ năm 2013 tại Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam, nhưng khi đọc cuốn sách, tôi thực sự bất ngờ và cảm phục trước những chiến công, sự hi sinh của anh hùng Năm Gấu.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm nhận hoa từ đồng chí Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, tại buổi gặp mặt truyền thống Đoàn 180. Ảnh: Tuệ Lâm

Buổi chiều mát lành ở xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, anh hùng Trần Văn Năm cười khà khà, mắt lấp lánh sáng kể tôi nghe về cái tên của mình: “Hồi đó, tôi là trinh sát nên leo trèo rất giỏi, cây rừng cao hơn 20m, trong đêm, tôi vẫn có thể leo đến ngọn. Sau khi lập công, tôi được gặp nhà báo để viết bài tuyên dương. Chị nhìn thấy tôi leo cây thoăn thoắt nên khi viết bài, chị kêu tôi là Năm Gấu. Từ đó, đồng đội cũng kêu cái tên đó tới bây giờ. Năm 2011, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tôi, mà đọc tên Trần Văn Năm, nhiều người không nhớ, phải nói Năm Gấu thì mọi người mới nhớ”.

Thành tích của người trinh sát đó được chị nhà báo thống kê trong bài viết đăng trên báo Công an nhân dân như sau: “Trong 11 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Năm Gấu trực tiếp tham gia 45 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt bọn biệt kích, thủy quân lục chiến, bộ binh của Mỹ - ngụy ở khu vực Trảng Hàng Gòn, Trảng Sến, Trảng Tranh, Tà Nốt, Tà Âm..., trực tiếp bắn cháy 2 xe tăng, tiêu diệt nhiều tên địch, nhiều lần được nhận các danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Quyết thắng. Với ý chí sắt đá và lòng trung thành tuyệt đối, đồng chí Năm Gấu đã sát cánh cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm với tinh thần “chỉ biết còn Đảng thì còn mình”, góp phần đánh bại hàng trăm trận càn lớn nhỏ và mọi âm mưu, thủ đoạn của Mỹ - ngụy”.

Theo dòng ký ức, chúng tôi trở lại những năm tháng chiến đấu đầy tự hào của Trung đội trinh sát B5 anh hùng thuộc Đoàn 180, có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, canh gác, bảo vệ lãnh đạo Xứ ủy Nam bộ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao và cơ quan Trung ương Cục miền Nam. Và Năm Gấu, chàng thanh niên 18 tuổi sinh ra và lớn lên ở xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) đã nhập ngũ vào lực lượng An ninh vũ trang, thoăn thoắt bước chân qua các địa danh Lò Gò, Xa Mát, Cà Tum, Trảng Bảy Bàu... Những năm tháng ác liệt nhất, Trung đội trinh sát B5 đã trở thành “lá chắn thép”, góp phần bảo vệ an toàn cho Trung ương Cục cùng các đồng chí lãnh đạo qua các giai đoạn - từ chống “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” cho đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1967, trong chiến dịch mùa khô lần thứ 2 đánh vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh, địch huy động 300 trực thăng, 160 máy bay chiến đấu, 259 khẩu pháo cùng 1200 xe tăng yểm trợ cho 11 lữ đoàn càn quét khu vực căn cứ trong gần hai tháng. Hai tiểu đoàn An ninh vũ trang đã tổ chức một cuộc “đại di chuyển” đưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục ra khỏi vùng chiến sự một cách an toàn, đồng thời, nhanh chóng triển khai đào hầm hào, công sự... để phản kích lại hỏa lực địch. Trong cuộc chiến đấu 53 ngày đêm ấy, quân dân Tây Ninh đã tiêu diệt hàng nghìn lính Mỹ, phá hủy phần lớn cơ giới và máy bay của chúng.

Trong những trận đánh đó, đồng chí Năm Gấu nhớ nhất trận chiến đấu chống càn Giôn-xơn Xi-ty tại trảng Hàng Gòn (nay là xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Với nhiệm vụ tiêu diệt bộ binh, hỗ trợ đồng đội đánh xe tăng và máy bay, Năm Gấu đã lợi dụng địa hình, lặng lẽ tiến lại gần và bất ngờ nổ súng. 5 tên bị tiêu diệt gọn sau loạt đạn đanh thép đã khiến đội hình của địch rối loạn, tạo điều kiện để quân ta rút lui an toàn. Năm Gấu đã cùng tiểu đội tiêu diệt 4 xe tăng và bắn rơi 1 máy bay trực thăng. Nhắc dến Năm Gấu, Đại tá Nguyễn Viết Mạnh, nguyên Chỉ huy trưởng Đoàn Đặc nhiệm N52, Cục Trinh sát BĐBP cho biết, mình là chiến sĩ được anh Năm Gấu tuyển về đơn vị trinh sát B5, được ông chỉ dạy từng điều nhỏ nhặt nhất.

Vóc người tầm thước, song đồng chí Năm Gấu có một sức khỏe khó ai sánh kịp và sự gan dạ, can trường khiến đồng đội nể phục. Một chiến công vang dội của ông cùng tiểu đội là tập kích đội biệt kích Mỹ đóng tại Trảng Tranh để bảo vệ căn cứ Thiện Ngôn. Đồng chí Năm Gấu trực tiếp chỉ huy tiểu đội tập kích bất ngờ, diệt được gần 70 tên địch. Khi rút lui, ông cùng một đồng đội bọc hậu, tiếp tục áp sát cài 2 trái mìn, tiêu diệt gần toàn bộ đại đội địch. Sau trận đánh, Năm Gấu càng nổi danh ở căn cứ và được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp 1. Kháng chiến thành công, ông tiếp tục gắn bó với miền biên giới Tây Ninh, đảm nhận nhiệm vụ Phó trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Xa Mát, xây đồn lập trạm, dựng thành lũy biên phòng trong lòng dân.

Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, người trinh sát dạn dày kinh nghiệm đã cùng đồng đội chiến đấu quyết liệt, dốc sức, dốc lòng bảo vệ nhân dân cho dù hiểm nguy cận kề. Má Năm Hài, 75 tuổi, ở Tân Biên kể: “Ngày đó, bà con trong vùng gặp nguy liền chạy vào đồn nhờ chú Năm giúp đỡ. Nghe đến đội quân của Năm Gấu, Pol Pot có đến 5 phần khiếp sợ”. Tiếp đó, đồng chí Năm Gấu lại lên đường làm nhiệm vụ quốc tế với vai trò Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 thuộc Mặt trận 479 chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Trong 9 năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, ông trực tiếp chỉ huy và tham gia chiến đấu 15 trận lớn, diệt 135 tên địch, bắn cháy 2 xe tăng M48, thu hơn 100 súng các loại và vinh dự được Nhà nước Campuchia trao tặng Huân chương Ăng-co.

Trở về từ chiến trường, đồng chí Năm Gấu lần lượt đảm nhận các cương vị Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh, rồi Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Long An. Kinh nghiệm của những ngày vào sinh ra tử đã giúp Đại tá Trần Văn Năm có nhiều đóng góp trong việc xây dựng lực lượng, tăng cường gắn bó quân dân vùng biên giới. Ông nhiều lần cùng Bộ Chỉ huy BĐBP hai tỉnh có các hoạt động đối ngoại khôn khéo, quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Việt Nam - Campuchia.

Trong những tháng ngày chiến đấu sôi nổi, hiểm nguy nhưng đầy tự hào của những chiến sĩ An ninh vũ trang năm ấy, đã có biết bao người ngã xuống trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng đội. Là người may mắn được trở về sau chiến tranh, Đại tá Năm Gấu tích cực tham gia các hoạt động quy tập hài cốt liệt sĩ tại Trung ương Cục. Suốt nhiều năm, ông lặn lội khắp các cánh rừng biên giới để đưa gần 500 cán bộ, chiến sĩ nằm lại trên đất bạn về an táng tại Nghĩa trang Quốc gia đồi 82, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Hoàn thành nhiệm vụ của một người chiến sĩ Biên phòng, Đại tá, anh hùng Trần Văn Năm trở về quê hương vui cảnh điền viên của một lão nông hiền lành, chân chỉ. Ông tích cực tham gia công tác đoàn thể tại địa phương và tiếp tục hành trình tìm kiếm đồng đội cho đến khi sức khỏe không cho phép.

Đặng Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO