Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 11:42 GMT+7

APEC khơi nguồn hy vọng toàn cầu

Biên phòng - Vị thế quan trọng của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tiếp tục được nâng tầm trong bối cảnh thế giới đầy biến động, phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Hơn hết, APEC đang khơi nguồn hy vọng với những hành động mạnh mẽ, cụ thể để nhân loại hướng tới tương lai thịnh vượng, bền vững hơn.

Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến APEC 2021 do New Zealand chủ trì. Ảnh: Cổng thông tin APEC 2021 New Zealand

Khơi nguồn hy vọng

Với những trọng trách mang đầy niềm hy vọng, Thượng đỉnh trực tuyến APEC 2021 dưới sự chủ trì của New Zealand diễn ra vào tuần trước đã nhấn mạnh nỗ lực ứng phó với đại dịch toàn cầu Covid-19 và đưa ra các cam kết phát triển bền vững, mang tính bao trùm hơn khi toàn cầu đối mặt với hàng loạt thách thức.

Các nhà lãnh đạo APEC chung khẳng định rằng, thương mại toàn cầu và đầu tư là động lực quan trọng bậc nhất để giải quyết các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra. Xa hơn thế, đây cũng là nguồn lực trọng yếu để thực hiện các nỗ lực thúc đẩy năng lực phục hồi nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn.

Để tìm “thuốc giải” hữu hiệu cho đại dịch, các thành viên APEC đưa ra cam kết tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu trong vấn đề chia sẻ vaccine Covid-19 trên nguyên tắc bình đẳng, mở rộng sản xuất và cung cấp vaccine, bao gồm việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Song hành với đó là tạo các điều kiện thuận lợi và giảm giá thành trong mua bán vaccine và sản phẩm y tế thiết yếu liên quan.

APEC cũng khẳng định sự đảm bảo Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) sẽ hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu, phát triển, đầu tư, sản xuất và phân phối thêm vaccine Covid-19. Đồng thời tìm kiếm phản ứng đa phương hiệu quả để quốc tế cùng đối phó với đại dịch Covid-19 trong thời gian tới, trước mắt là Hội nghị Bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 12, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19 sau gần 2 năm hoành hành khắp thế giới, Tuyên bố chung của Thượng đỉnh APEC 2021 cho biết, việc các quốc gia mở cửa trở lại phải đảm bảo không làm suy yếu các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Các quốc gia ủng hộ việc nâng tầm vai trò APEC trong việc thúc đẩy trao đổi thông tin, hợp tác tích cực các biện pháp phối hợp liên quan đến di chuyển của người dân qua biên giới. Thượng đỉnh APEC 2021 cùng cam kết sẽ nỗ lực cao nhất để đạt được một kết quả thực chất vào năm sau.

Giới quan sát cho rằng, kết quả của Thượng đỉnh APEC 2021 với hàng loạt cam kết, nhất là việc đưa ra những lộ trình khá bài bản sẽ khơi nguồn nhiều kỳ vọng cho thế giới có thêm động lực đương đầu hiệu quả với Covid-19 trong thời gian tới đây. Trong đó, APEC nêu rõ, dù phản ứng tức thời với các thách thức y tế là cần thiết, song, trong cuộc khủng hoảng hiện hữu, các thành viên APEC đang hợp tác trong các phản ứng chính sách nhằm đối phó với các thách thức nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là những thách thức tác động mạnh mẽ trong những năm tới.

Tuyên bố chung của Thượng đỉnh APEC 2021 nhấn mạnh, khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra chưa thể sớm kết thúc nên cần quyết tâm sử dụng mọi công cụ kinh tế vĩ mô sẵn có để giải quyết những hậu quả bất lợi do đại dịch gây ra, đồng thời phải duy trì sự phục hồi kinh tế, duy trì tính bền vững tài chính trong dài hạn. APEC khẳng định, sự phục hồi kinh tế sẽ được xây dựng dựa trên môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, có tính bao trùm và bền vững. Song hành với đó, cải cách cơ cấu cũng được xem là công cụ quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế, đặc biệt là cải cách cơ cấu các ngành dịch vụ, nhằm tăng cường động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Áp dụng và chuyển đổi kỹ thuật số khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ được tăng tốc mạnh mẽ nhằm duy trì tiềm năng tăng trưởng. Các nền kinh tế APEC cũng cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực theo cách định hướng thị trường; ủng hộ nỗ lực ký kết, phê chuẩn, nâng cấp các hiệp định thương mại vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Nâng tầm vị thế

Các nhà lãnh đạo APEC cùng khẳng định phải có hành động khẩn cấp và cụ thể để chuyển sang nền kinh tế toàn cầu có khả năng thích ứng với thách thức của biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh. Các nền kinh tế APEC cam kết hợp tác để đảm bảo các chính sách kinh tế và môi trường tương hỗ lẫn nhau. Đồng thời nhấn mạnh cần tăng cường kết nối kỹ thuật số, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, đa dạng sinh thái kỹ thuật số,... trong các nỗ lực nhằm hướng tới sự phục hồi toàn diện, linh hoạt và bền vững. Bên cạnh đó, APEC cũng hoan nghênh Lộ trình an ninh lương thực hướng tới năm 2030; kết quả của Hội nghị Bộ trưởng APEC 2021, các hội nghị liên quan về thương mại, cải cách cơ cấu, an ninh lương thực, y tế, phụ nữ và nền kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tài chính;...

Theo giới chuyên gia, những cam kết về phát triển bền vững không chỉ khơi nguồn những hy vọng cho toàn cầu mà còn nâng tầm vị thế của APEC. Bởi lẽ, thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 5,11 triệu người trên toàn thế giới, tạo ra mối nguy hại ngay trước mắt cho toàn bộ nhân loại. Trong khi đó, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn vẫn gay gắt, gây tác động mạnh mẽ tới các nước vừa và nhỏ. Những thách thức hiện hữu đang cho thấy triển vọng phục hồi kinh tế thế giới rất khó khăn.

Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AP

Trên thực tế, các thách thức an ninh phi truyền thông đang cho thấy cộng đồng quốc tế khó có thể ứng phó một mình mà cần đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, đề cao chủ nghĩa đa phương. Trong bối cảnh đó, vai trò của APEC là rất quan trọng để giải quyết các thách thức, mà kết quả của Thượng đỉnh APEC 2021 đạt được nhiều thành công đã mang tới nhiều kỳ vọng cho toàn cầu.

Với rất nhiều kết quả tích cực đạt được trong nhiều lĩnh vực, nhất là y tế, thương mại quốc tế, Thượng đỉnh APEC 2021 được truyền thông quốc tế ca ngợi là một hội nghị thành công. APEC không phải một tổ chức siêu quốc gia hay hội nghị đàm phán song phương, song, APEC rất thành công dựa trên tư cách là diễn đàn đa phương bình đẳng, nơi các nền kinh tế không phân biệt lớn, nhỏ đều có tiếng nói bình đẳng. Hơn hết, việc Thượng đỉnh APEC 2021 đưa ra Tuyên bố chung cho thấy, sự đồng thuận rất lớn từ tất cả các thành viên. Thượng đỉnh APEC 2021 minh chứng rõ nét về vị thế của APEC trong bối cảnh mới của thế giới. Dư luận quốc tế đang đặt kỳ vọng rất lớn vào nỗ lực hiện thực hóa các cam kết và lộ trình mà APEC đưa ra nhằm đưa thế giới vươn lên sau khoảng thời gian dài sóng gió vừa qua.n

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO