Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 05:02 GMT+7

ASEAN đẩy mạnh công nghiệp, chuyển đổi số

Biên phòng - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang trên đà đẩy mạnh hội nhập với những cam kết và hành động mạnh mẽ về công nghiệp hóa, chuyển đổi kỹ thuật số. Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn thống kê ước tính, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN được dự đoán sẽ lọt vào top 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2025 và được dự báo sẽ tăng trưởng 6% mỗi năm, đạt mức cao tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Dây chuyền sản xuất đáp ứng các đơn hàng từ các tập đoàn nước ngoài của một doanh nghiệp Việt Nam tại cụm công nghiệp Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TTXVN

Khai thác hiệu quả tiềm năng từ chuyển đổi số

ASEAN có hơn 400 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, dân số am hiểu công nghệ đang phát triển và lĩnh vực thương mại điện tử tạo ra hơn 130 USD tỷ USD vào năm 2022. Các nước thành viên ASEAN hiện cũng là mảnh đất khởi nguồn của hơn 30 công ty khởi nghiệp trị giá ít nhất 1 tỷ USD. ASEAN cũng đang là mục tiêu trở thành một trong những nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất trong khu vực.

Theo giới chuyên gia, từ đại dịch Covid-19, các quốc gia thành viên ASEAN đã tăng tốc mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số. Báo cáo thường niên về kinh tế số SEA 2022 của Google, Temasek và Bain cho thấy, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN đang trên đà đạt từ khoảng 600 đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030 với những dự báo dài hạn được duy trì.

Trên thực tế, tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số trong khu vực sẽ giúp ASEAN đẩy nhanh quá trình hội nhập khu vực. Bà Lili Yan Ing - Tổng thư ký Hiệp hội Kinh tế quốc tế (IEA) và Cố vấn trưởng khu vực Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho biết, ASEAN có thể hướng tới một tương lai thịnh vượng và kiên cường hơn bằng cách tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN và thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số hướng tới chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện và Cộng đồng kinh tế kỹ thuật số ASEAN 2045.

Bà Lili Yan Ing cho rằng, sự trỗi dậy của quá trình đổi mới kỹ thuật số có thể được nhìn thấy qua sự tăng tốc của thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số và sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới đang làm thay đổi toàn bộ hệ thống kinh tế.

“ASEAN hoàn toàn có thể phát huy hết tiềm năng của nền kinh tế số, tạo ra những cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển trong khu vực”, bà Lili Yan Ing nêu rõ.

Dù đạt được nhiều tiến bộ ấn tượng, giới chuyên gia cũng thẳng thắn cho biết, ASEAN đối diện với những thách thức khó khăn, như: Khoảng cách, sự phân chia về trình độ kỹ thuật số của các nước thành viên; những tồn tại, hạn chế cần sớm được giải quyết về đầu tư nội khối, hội nhập quốc tế...

Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, để xử lý các thách thức hiện hữu và nâng cao sức mạnh, ASEAN cần phát huy tiềm năng từ các doanh nghiệp khu vực. Theo đó, ASEAN có thể tận dụng sự tăng trưởng của các công ty công nghệ trong khu vực. Nghiên cứu từ các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở tại Singapore cho biết, doanh nghiệp khu vực có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng và nhà cung cấp dịch vụ truy cập kỹ thuật số mà còn có nguồn lực để cung cấp đào tạo kỹ năng, từ đó tạo điều kiện cho những người mới tham gia vào lực lượng lao động kỹ thuật số, điển hình như GoTo, Grab, SEA...

Trên thực tế, những doanh nghiệp mạnh của khu vực đã và đang khởi xướng nhiều sáng kiến nâng cao kỹ năng kỹ thuật số cho các mục đích cuối cùng là tăng số lượng công dân sẵn sàng cho kỹ thuật số và thúc đẩy nhiều người tham gia vào các nền tảng kỹ thuật số. Những kỹ năng này bao gồm tiếp thị kỹ thuật số, thiết kế đồ họa kỹ thuật số, các kỹ năng quản lý dữ liệu và phân tích kinh doanh.

“Điểm sáng” trong làn sóng chuyển hướng sản xuất công nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và giới chuyên gia kinh tế quốc tế cùng chia sẻ nhận định, Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn trong làn sóng chuyển hướng sản xuất công nghiệp đến các quốc gia khu vực ASEAN. “Mạch chảy” mới trong công nghiệp thế giới cũng đang trở thành cơ hội phát triển của Việt Nam, nhất là chuỗi cung ứng bền vững đáp ứng xu hướng kinh tế xanh.

Dây chuyền sản xuất máy tính bảng tại Đà Nẵng cho ra sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa lên tới 60%. Ảnh: TTXVN

Nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới như Roxcom, Lego... đang liên tiếp ký kết hàng loạt dự án lớn tại Việt Nam. Cùng với đó, các tập đoàn toàn cầu lớn đã có mặt ở Việt Nam như Samsung, LG... cũng đang mở rộng đầu tư, phản ánh rõ nét xu hướng Việt Nam đón nhận làn sóng chuyển hướng sản xuất công nghiệp đến các quốc gia khu vực ASEAN.

Trong bối cảnh nhiều cơ hội luôn đi kèm với nhiều thách thức. Giới chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với thách thức không nhỏ, dễ thấy như: Phát triển năng lượng xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao... để phục vụ sản xuất công nghiệp theo tiêu chuẩn toàn cầu mới. Điều này nếu không sớm được khắc phục có thể sẽ tạo ra những hạn chế nhất định trong việc các nhà đầu tư, thương hiệu đa quốc gia tiếp cận thị trường Việt Nam.

Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cùng chung quan điểm, cộng đồng sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao năng lượng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực... Một số ngành công nghiệp sản xuất đầy triển vọng tại Việt Nam như công nghiệp hỗ trợ, điện tử... có cơ hội tiến sâu, phát triển bền vững và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Những yếu tố này sẽ giúp tận dụng tốt cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất công nghiệp tại Việt Nam của những tập đoàn quốc tế.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, kết quả phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay cho thấy, có sự thúc đẩy bởi nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhất là trợ lực từ dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và đầu tư vào công nghệ.

Mặt khác, thời gian gần đây, nhiều thương hiệu công nghệ hàng đầu trên thế giới đã tích cực quảng bá trên thị trường Việt Nam. Các nhà cung cấp toàn cầu đã, đang và sẽ tiếp tục chủ động tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam. Hơn hết, thực tế này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao sản xuất công nghiệp Việt Nam và coi đây là điểm đến thu hút trong khu vực ASEAN.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO