Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:16 GMT+7

ASEAN đoàn kết, vững mạnh vai trò trung tâm

Biên phòng - Trong bức tranh thế giới phủ “màu xám”, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục là “điểm sáng” nổi bật. Nỗ lực thúc đẩy kết nối và tự cường của ASEAN đã từng bước xây dựng một cộng đồng vững vàng trước mọi thách thức.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị ASEAN BIS. Ảnh: ASEAN

Chính trị - an ninh vững vàng

Năm 2024 tiếp tục chứng kiến gam “màu xám” phủ bóng bức tranh chung về tình hình thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Trong bối cảnh nhiều biến động khó lường từ bên ngoài, ASEAN vẫn thể hiện rất tốt tinh thần đoàn kết chặt chẽ, giữ vững được vai trò trung tâm.

Theo đánh giá của giới chuyên gia chính trị châu Á, Lào trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2024 đã có cách tiếp cận đúng đắn, định ra chủ đề năm “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”, cũng như cách thức triển khai dựa trên 9 ưu tiên. Đánh giá từ giới chuyên gia khẳng định rằng, hợp tác ASEAN tiếp tục đạt nhiều bước tiến quan trọng, bất chấp khó khăn, thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài khu vực.

Các nhà quan sát ASEAN nhìn nhận, các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng 2025 đã bước vào chặng đường triển khai cuối và đã ghi nhận tỷ lệ thực hiện cao trên cả 3 trụ cột, đặc biệt là trụ cột Chính trị - An ninh đạt tới 99,6%. Việc xây dựng các Chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 được đẩy mạnh, hợp tác tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, tái cơ cấu chiến lược thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao tự cường y tế, khí hậu, tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em được thúc đẩy. Song hành với những công việc này, hợp tác với các đối tác cũng có nhiều tiến triển mới, tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.

Giới chuyên gia nhận định, việc định ra chương trình làm việc bám sát chủ đề về “kết nối” và “tự cường” được xem là “kim chỉ nam” của ASEAN trong năm 2024. Trên thực tế, các ưu tiên, sáng kiến trong năm nay đã góp phần thực hiện mục tiêu chung xây dựng một Cộng đồng ASEAN kết nối và tự cường hơn. “Kim chỉ nam” của ASEAN cũng là mong muốn của Lào - một quốc gia không giáp biển trở thành trung tâm kết nối của khu vực và quốc tế.

Các quốc gia thành viên ASEAN cùng cho rằng, nội hàm “kết nối” và “tự cường” cần tiếp tục được cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn nữa trong các chiến lược hợp tác cho giai đoạn mới để tiếp tục nâng cao khả năng thích ứng của ASEAN. Đồng thời, ASEAN cần giữ vững cân bằng chiến lược của mình trong triển khai quan hệ đối ngoại, tiếp tục đề nghị các đối tác tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, cùng ASEAN thúc đẩy các giá trị đối thoại, hợp tác và tin cậy, đề cao thượng tôn pháp luật, đánh giá xây dựng và trách nhiệm cho hòa bình, an ninh và ổn định.

Kinh tế bứt phá

Song hành với trụ cột Chính trị - An ninh vững vàng, một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất làm nên thành công của ASEAN là nền kinh tế có những bước tiến bứt phá. Xét riêng bức tranh kinh tế ASEAN hiện nay có nhiều “điểm sáng”. Trước hết là việc duy trì đà tăng trưởng tích cực, tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn với tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) năm 2023 là 230 tỷ USD, đứng thứ hai sau Mỹ.

Cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những cửa ngõ trung chuyển quốc tế. Ảnh: TTXVN

Các dự báo uy tín của quốc tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế ASEAN năm nay là 4,6% và năm 2025 là 4,8%, vượt xa mức trung bình của thế giới. Các nỗ lực của ASEAN chưa dừng lại ở đó, khi tổ chức khu vực thành công nhất thế giới vẫn đang nêu cao quyết tâm đẩy nhanh đàm phán các hiệp định cả nội khối và giữa ASEAN với các đối tác.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị cấp cao liên quan diễn ra vào tuần trước tại Thủ đô Viêng Chăn của Lào, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã truyền tải nhiều thông điệp quan trọng.

Nổi bật trong đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, ASEAN cần củng cố đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò trung tâm. Đây cũng chính là những giá trị đã làm nên thành công và uy tín của ASEAN, đưa ASEAN vượt qua khó khăn, thử thách, trở thành tâm điểm của hòa bình và hợp tác.

“Hơn lúc nào hết, ASEAN cần lấy tự cường làm nền tảng để vươn tầm, lấy kết nối làm trọng tâm để bứt phá và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực để tiên phong dẫn dắt” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trước toàn thể các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN.

Với tâm thế sẵn sàng đóng góp và nỗ lực hết mình, Việt Nam không ngừng suy nghĩ về tương lai của ASEAN, trong đó có tương lai của chính mình. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật 3 định hướng quan trọng trong thời gian tới.

Trước hết là, tự cường và tự chủ chiến lược là nền tảng để ASEAN vững vàng trước mọi biến động, vượt qua mọi thách thức. ASEAN cần củng cố đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, kiên định các chuẩn mức ứng xử và kiên trì lập trường nguyên tắc của ASEAN trong các vấn đề quốc tế, khu vực. ASEAN cần nâng cao năng lực tự cường, phát huy nguồn lực nội sinh để giữ vững ổn định chiến lược bên trong và phản ứng chiến lược kịp thời trước các rủi ro bên ngoài.

Hai là, thúc đẩy kết nối bên trong kết hợp với kết nối bên ngoài, kết nối công-tư, kết nối đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là kết nối hạ tầng, thể chế và con người là đột phá chiến lược cho ASEAN.

Ba là, đổi mới sáng tạo là sức bật và động lực chính cho ASEAN bắt kịp, tiến cùng và vượt lên với khu vực và thế giới. Theo đó, ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển các khung hợp tác số khu vực, song hành với phát triển các tiêu chí quản trị đối với các công nghệ mới nổi, trong đó có trí tuệ nhân tạo.

Liên quan đến vấn đề kinh tế, tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2024 diễn ra tại Lào vào tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính mang theo nhiều tâm huyết khơi thông nguồn mạch kết nối kinh tế ASEAN. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần 5 tiên phong để hình thành đội ngũ doanh nhân giỏi trong ASEAN. Trước hết là, tiên phong trong thúc đẩy tự cường, một ASEAN tự cường không thể thiếu đội ngũ doanh nhân ASEAN tự cường. Thứ hai là, tiên phong kết nối nền kinh tế, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Thứ ba là, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để chống lại biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, dịch bệnh... Thứ tư là, tiên phong đột phá về các hạ tầng chiến lược. Thứ năm là, tiên phong trong hội nhập với nội khối và thế giới.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN đã đánh giá xứng đáng vào sự phát triển của ASEAN, là tâm điểm của tự chủ, tự cường và tăng trưởng. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp hãy đến đầu tư tại Việt Nam.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO