Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 05:26 GMT+7

ASEAN tăng cường kết nối và tự cường

Biên phòng - Đầu tuần này, tại Thủ đô Viêng Chăn của Lào đã diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 - 45 và các Hội nghị cấp cao liên quan với chủ đề “Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN”.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị. Ảnh: ASEAN

Bất chấp khó khăn, ASEAN đạt nhiều bước phát triển quan trọng

Tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith chúc mừng những thành công của ASEAN trong suốt 57 năm qua, đặc biệt là việc xây dựng Cộng đồng ASEAN cùng các đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhấn mạnh rằng, những thành công của ASEAN đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên trong suốt thời gian qua.

Còn theo Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, việc tăng cường kết nối và tự cường để xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh có tầm quan trọng vô cùng to lớn. Đến thời điểm hiện tại, 9 ưu tiên trong Năm Chủ tịch ASEAN 2024 với khẩu hiệu “Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN” đều đạt tiến độ tích cực, bao gồm việc xây dựng các chiến lược của 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN và chiến lược kết nối ASEAN để tổ chức thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045; khẳng định năm 2024, ASEAN đã nhấn mạnh việc xây dựng ASEAN kết nối và vững mạnh hơn, nhằm đối phó với những thách thức và tranh thủ các cơ hội để tiếp tục xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh hơn.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho biết, kể từ khi thành lập ASEAN năm 1967, việc bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển là mục tiêu nhất quán của ASEAN. Trong suốt 57 năm qua, ASEAN đã tăng cường hợp tác nội khối và giữa ASEAN với bên ngoài cũng là vì mục tiêu này.

ASEAN ngày càng trở thành khu vực được các đối tác bên ngoài ghi nhận và quan tâm, các đối tác đối thoại và đối tác bên ngoài khác luôn ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc hợp tác khu vực đang có nhiều diễn biến, bao gồm cả Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Thành viên Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) ngày càng gia tăng và còn nhiều quốc gia muốn nộp đơn xin trở thành thành viên của hiệp ước quan trọng này; số lượng các quốc gia và các cơ quan đối tác của ASEAN ngày càng gia tăng...

Thủ tướng Sonexay Siphandone nhấn mạnh, hiện, khu vực ASEAN và các khu vực khác trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, từ xung đột vũ trang cho đến những khó khăn về kinh tế - tài chính, biến đổi khí hậu và thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia..., trong khi tình hình địa chính trị và địa kinh tế vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, ASEAN cần phải kiên định quyền tự chủ, thắt chặt hợp tác để đối phó với những thách thức một cách kịp thời và hiệu quả, đồng thời tận dụng hiệu quả mọi cơ hội.

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho rằng, hợp tác ASEAN trong năm qua tiếp tục đạt nhiều bước tiến quan trọng, bất chấp khó khăn, thách thức cả ở trong và ngoài khu vực. Các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng 2025 bước vào chặng triển khai cuối, ghi nhận tỷ lệ thực hiện cao trên cả 3 trụ cột, đặc biệt là chính trị - an ninh đạt 99,6%. ASEAN duy trì đà tăng trưởng tích cực, tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn với tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp năm 2023 là 230 tỷ USD, đứng thứ hai sau Mỹ.

Các khuôn khổ như Hiệp định Khung kinh tế số ASEAN, Khung kinh tế biển xanh, Khung kinh tế tuần hoàn... là cơ sở để ASEAN nhanh chóng bắt kịp các xu hướng phát triển mới, tạo động lực cho tăng trưởng chất lượng và bền vững trong tương lai.

Quang cảnh một phiên họp trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: ASEAN

Việt Nam chia sẻ định hướng quan trọng

Dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động, tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh. Về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bố có căng thẳng. Về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột.

Trong cục diện nhiều thử thách đó, ASEAN tiếp tục là “điểm sáng” kinh tế toàn cầu, là cầu nối của đối thoại, hợp tác và là tâm điểm của các tiến trình hội nhập, liên kết ở khu vực. Các khuôn khổ về kinh tế số, kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn... đang từng bước định hình nội hàm hợp tác mới ở khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, hơn lúc nào hết, ASEAN cần lấy tự cường làm nền tảng để vươn tầm, lấy kết nối làm trọng tâm để bứt phá và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực để tiên phong dẫn dắt. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ các định hướng quan trọng cho ASEAN trong thời gian tới.

Một là, tự cường và tự chủ chiến lược là nền tảng để ASEAN vững vàng trước mọi biến động, vượt qua mọi thách thức. Theo đó, ASEAN cần củng cố đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, kiên định các chuẩn mực ứng xử và kiên trì lập trường nguyên tắc của ASEAN trong các vấn đề quốc tế, khu vực. ASEAN cần nâng cao năng lực tự cường, phát huy nguồn lực nội sinh để giữ vững ổn định chiến lược bên trong và phản ứng chiến lược kịp thời trước các rủi ro bên ngoài.

Hai là, thúc đẩy kết nối bên trong kết hợp với kết nối bên ngoài, kết nối công - tư, kết nối đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là kết nối hạ tầng, thể chế và con người là đột phá chiến lược cho ASEAN. Theo đó, ASEAN cần thúc đẩy đầu tư cho các công trình hạ tầng chất lượng cao, nhất là hạ tầng chiến lược “cứng” và “mềm”, khuyến khích sự tham gia hợp tác của bên thứ ba, các đối tác bên ngoài. ASEAN cần thúc đẩy hài hòa hóa thể chế, tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. ASEAN cần thúc đẩy kết nối con người, giao lưu nhân dân, tạo thuận lợi hơn nữa cho đi lại của người dân, doanh nhân và người lao động.

Ba là, đổi mới sáng tạo là sức bật và động lực chính cho ASEAN bắt kịp, tiến cùng và vượt lên với khu vực và thế giới. Theo đó, ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển các khung hợp tác số khu vực, song hành với phát triển các tiêu chí quản trị đối với các công nghệ mới nổi, trong đó có trí tuệ nhân tạo. ASEAN cần phát huy nhân tố con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực và động lực của đổi mới sáng tạo, quan tâm tăng cường hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, ASEAN cần giữ vững vai trò trung tâm, độc lập, cân bằng và ứng xử có nguyên tắc trong triển khai quan hệ đối ngoại, mở rộng và đa dạng hóa quan hệ với các đối tác trên cơ sở bảo đảm hiệu quả, thực chất và cùng có lợi.

Cùng với đó, ASEAN đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới với tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới và tâm thế mới. Với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho hợp tác khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo, Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN năm 2025 và trông đợi các nước sẽ tiếp tục quan tâm và ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công sự kiện này.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO