Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 03:57 GMT+7

Bà con Rơ Măm thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Biên phòng - Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, thời gian qua, bà con ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen trong sinh hoạt và sản xuất, qua đó, giúp đời sống người dân ngày một cải thiện và nâng cao.

Đi đầu trong phát triển kinh tế, anh A Thái có thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm từ 3,7ha điều và 4ha mì. Ảnh: Tùng Lâm

Từ sáng sớm, ông A Băn (49 tuổi) đã dẫn con bò của mình lên rẫy để vừa làm, vừa chăn dắt. Ông A Băn tâm sự: "Trước đây, tôi cũng như nhiều bà con có thói quen nuôi thả rông và xem trâu, bò, dê là vật dụng để cúng, phục vụ các buổi lễ, hội của làng. Nhưng từ khi được Nhà nước hỗ trợ bò vào năm 2022, tôi đã đầu tư xây chuồng trại để nuôi nhốt, đồng thời, thay đổi suy nghĩ phải chăm sóc gia súc để chúng sinh sản, phát triển kinh tế".

Anh A Thái, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Le cho biết: "Ông A Băn là một trong 30 hộ nghèo được nhận hỗ trợ một con bò cái sinh sản từ việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trước khi được nhận hỗ trợ, chính quyền xã đã phối hợp với làng vận động bà con làm chuồng trại kiên cố, cách xa nhà để nuôi nhốt và lấy phân bón cho cây trồng. Đồng thời, chúng tôi cũng tuyên truyền bà con hãy chăm sóc thật tốt đàn gia súc, gia cầm của gia đình để chúng sinh sản, xem chúng là hàng hóa để mua bán, phát triển kinh tế, bỏ suy nghĩ gia súc là vật tế cúng, phục vụ lễ hội của làng".

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế, đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của bà con làng Le có hơn 1.800 con. Trong đó, có 59 con trâu, 360 con bò, 98 con dê, 320 con heo và hơn 900 con gia cầm. Từ năm 2022 đến nay, dân làng đã bán 2 con trâu và 16 con bò để tạo thu nhập và tái đầu tư. Làng có một mô hình phụ nữ DTTS chăn nuôi bò sinh sản, có tổng 24 con bò, với 12 chị em tham gia, hiện bò đang phát triển tốt.

Đời sống ổn định, người dân Rơ Măm chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Tùng Lâm

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn A Thái chia sẻ: "Ngoài việc thay đổi nhận thức và thói quen trong chăn nuôi, bà con Rơ Măm còn thay đổi trong cách trồng trọt, chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cao su, nâng tổng diện tích cao su tiểu điền lên 141ha. Cùng với đó, xã còn vận động bà con Rơ Măm thất nghiệp, chưa có việc làm ổn định tham gia làm công nhân cho các công ty cao su trên địa bàn, không nên trông chờ, ỷ lại vào Đảng và Nhà nước. Đến nay, có 36 người làm cho Công ty 78 và 16 người làm cho Công ty Duy Tân, thu nhập bình quân của công nhân làm cho các công ty khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trong làng đạt 25,5 triệu đồng/năm".

Một trong những thay đổi rõ rệt nhất của bà con Rơ Măm đó chính là bảo vệ rừng. Trước đây, đời sống bà con phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, lấy gỗ làm nhà, phá rừng làm rẫy. Nhờ tăng cường tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng, giờ đây, bà con đã nâng cao nhận thức, bảo vệ rừng như bảo vệ chính cuộc sống của dân làng. Từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương đã tổ chức 5 đợt tuyên truyền pháp luật về lâm nghiệp, với khoảng 460 lượt người tham gia. Trong làng có 74 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, với 1.142,8ha, số tiền 400.000 đồng/ha/năm, giúp bà con cải thiện đời sống.

Đời sống vật chất ngày càng phát triển giúp nhận thức của bà con Rơ Măm về việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình được nâng cao. Ngày trước, do cuộc sống thiếu thốn, nhiều bà con trong làng đã nhẹ dạ bán đi bộ cồng chiêng của gia đình cho người dân ở địa phương khác. Giờ đây, đời sống no đủ, dân làng Le cùng chung sức giữ gìn những bộ cồng chiêng của làng. Hiện nay, trong làng có 3 bộ cồng chiêng tập thể, 34 bộ cồng chiêng cá nhân và có khoảng 80 người biết đánh cồng chiêng.

Ông Ngô Công Phương, Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai cho biết: "Ngoài việc làm chuyển biến nhận thức, thay đổi cách làm của bà con Rơ Măm trong phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con làng Le giữ gìn vệ sinh đường làng, chuồng trại, ăn chín, uống sôi để hạn chế mắc bệnh; xóa bỏ những hủ tục, phong tục không còn phù hợp để tránh lãng phí thời gian, tài sản. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng bà con làng Le, tận dụng tối đa những nguồn lực được hỗ trợ, phát huy những kết quả đạt được để đời sống bà con ngày càng được nâng cao".

Tùng Lâm

Bình luận

ZALO