Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:33 GMT+7

“Bài ca” trên đỉnh Dào San

Biên phòng - Như những “con thuyền theo lái”, trở thành vợ lính Biên phòng, các chị từ đồng bằng theo chồng lên vùng cao biên giới - xã Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) - để xây dựng tổ ấm. Tình yêu đôi lứa, tình yêu với đồng bào các dân tộc, với mảnh đất địa đầu Tổ quốc đã giúp họ vượt qua gian khó để ngày hôm nay “tiền tuyến” trở thành “quê hương”…

yz3u_10a
Trung tá Tạ Quang Thái khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Trúc Hà

27 năm trước, chàng trai Nguyễn Duy Chương (quê ở Quốc Oai, Hà Nội) nhập ngũ vào BĐBP Lai Châu. Biên giới Dào San khi ấy khắp nơi chỉ thấy núi, mây và hoa dã quỳ vàng rực khi mùa xuân đến. Những cánh thư gửi về từ biên cương chứa chan tâm sự của người lính Biên phòng xa quê đã khiến cô hàng xóm Vũ Thị Quyên cảm động, thương mến rồi nhận lời làm vợ anh.

Cưới nhau xong, anh bàn với vợ việc đưa tổ ấm lên Dào San, dẫu có vất vả nhưng vợ chồng được ở gần nhau, đặng an cư lạc nghiệp. Chị Quyên thấy anh phân tích có lý nên thu xếp việc nhà, khăn gói lên Dào San. Khi ấy, biên giới mới yên tiếng súng, thế nên khi biết chị muốn theo chồng lên biên giới, không chỉ bố mẹ đẻ mà ngay cả bố mẹ chồng cũng một mực phản đối.

Nhắc lại chuyện cũ, chị Quyên bảo: “Lúc ấy, mình quyết tâm đi, chỉ áy náy là không ở gần để phụng dưỡng cha mẹ chồng, báo đáp công ơn cha mẹ đẻ. Bởi biên giới xa xôi, cách trở, rồi sinh con đẻ cái, có khi vài năm mới về nhà được một lần”. Vốn tháo vát nên khi lên Dào San, chị quyết định mở cửa hàng tạp hóa nhỏ. Cửa hàng của vợ bộ đội Chương thường đông khách, bởi ai cũng “tò mò” về người phụ nữ “can đảm” bỏ đồng bằng theo chồng lên biên giới.

Sau khi có chút vốn, thấy nhu cầu của đồng bào, chị mở cửa hàng xay xát. Chị cũng tranh thủ nuôi thêm lợn, gà để mong sớm mua được mảnh đất, xây được nhà. Rồi lần lượt hai cậu con trai Nguyễn Kỳ Anh, Nguyễn Việt Anh chào đời trên mảnh đất biên cương này. “Tất cả “tài sản” của vợ chồng đều được sinh ra ở Dào San” - Chị Quyên cười, nói.  

Hiện, Nguyễn Kỳ Anh đang là học viên năm thứ 2 của Học viện Biên phòng. Kỳ Anh vẫn tự hào với bạn bè cùng lớp về việc mình là con của lính Biên phòng và được sinh ra ở biên giới.  Lớn lên cùng trẻ em đồng bào các dân tộc, Kỳ Anh còn có chút “vốn liếng” tiếng Mông, Dao, Hà Nhì - thứ sẽ vô cùng hữu ích sau này khi ra trường, công tác ở biên giới. Cậu bé Nguyễn Việt Anh mỗi lần thấy anh trai và bố mặc quân phục, trên vai mang quân hàm xanh, cùng nói chuyện về biên giới thì chỉ ước mình lớn thật nhanh. Biết được mong muốn của con trai út, anh Chương, chị Quyên rất vui bởi cha con cùng bước chung một con đường.

Ở Đồn Biên phòng Dào San, không chỉ có Thiếu tá Nguyễn Duy Chương đưa vợ lên biên giới. Nhắc đến vợ chồng y sĩ, Trung tá Tạ Quang Thái và cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng (Trường Trung học cơ sở Dào San), người già rất thương, còn lớp trẻ thì rất ngưỡng mộ. Năm 1986, anh nhập ngũ vào BĐBP Lai Châu.

Sau 3 năm theo học tại Trường Trung cấp Quân y (Sơn Tây, Hà Nội)  anh trở thành y sĩ đa khoa và được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Dào San. Khi ấy, đường vào đồn vẫn phải đi bộ, đồi núi quanh co, leo dốc đầu gối chạm cằm. Vì đường sá khó khăn lại xa xôi, hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm nhiều nên việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vẫn “trông cậy cả vào đồn Biên phòng”.

Công việc cứ cuốn đi, lại nghĩ đến quãng đường gần trăm ki-lô-mét đường núi đèo nên một năm, y sĩ Tạ Quang Thái chỉ dám về thăm nhà một lần. Đến khi đã trở thành vợ, sinh đứa con đầu tiên, chị Hồng mới khăn gói lên thăm chồng. Đó là năm 2000, đường vào đồn một nửa đã đi được xe ô tô, quãng đường còn lại, anh chị vừa đi bộ vừa trò chuyện. Đường xa ngắn lại một nửa, dốc đèo chỉ còn nhỉnh hơn một chút so với đường bằng.

Một năm sau, chị dắt theo con gái 7 tuổi từ Vĩnh Phúc lên Dào San. Khó có thể diễn tả hết được những khó khăn ban đầu mà chị Hồng gặp phải. Mặc dù là cán bộ tăng cường xã, nhưng anh Thái vẫn sinh hoạt tại đơn vị, thế nên hằng đêm chỉ có chị và con gái trong căn nhà nhỏ. Ở ngay trung tâm xã nhưng nhà này cách nhà kia cả trăm mét, không điện, chỉ leo lét ánh đèn dầu, cứ chập tối, mẹ con chị đóng kín cửa không dám ra ngoài. Cũng may, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Dào San rất thông cảm cho hoàn cảnh của chị, nên thời gian chị mới lên, đơn vị đã tạo điều kiện cho anh ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ được nghỉ tại nhà để giúp đỡ vợ con.

5ad07022471e3c4477002147
Gia đình Thiếu tá Nguyễn Duy Chương. Ảnh: CTV

Để giúp chị dễ dàng hơn trong việc hòa nhập với cuộc sống nơi đây, có thời gian rảnh, anh Thái lại “lên lớp” giúp chị những câu giao tiếp tiếng bản địa. Từ đó, chị Hồng bớt ngại ngần, chủ động hơn trong tiếp xúc, trò chuyện với dân bản và học sinh. Năm 2003, chị Hồng mang thai lần thứ hai. Anh Thái cũng định nghe lời khuyên của mọi người đưa chị về quê sinh cho an toàn, thế nhưng chưa kịp thực hiện thì chị chuyển dạ sớm.

Và cô bé Tạ Thị Minh Châu đã cất tiếng khóc chào đời giữa núi rừng biên cương trùng điệp. Căn nhà nhỏ của anh chị lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. Đã khoác áo lính 30 năm có lẻ, Trung tá Tạ Quang Thái rất tự hào về con gái đầu Tạ Thị Tâm Huyền. Năm 2015, Huyền tốt nghiệp Học viện Quản lý giáo dục và hiện giờ là Trung úy, trợ giảng của Trường Trung cấp Kỹ thuật thông tin (Sơn Tây, Hà Nội), chỉ khác bố là bộ đội ở biên giới, con thì đóng quân ở Thủ đô.

Sáng nào cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng cũng dậy sớm, lo ăn sáng cho hai mẹ con rồi cùng rời nhà. Đường đến trường phải đi qua cổng Đồn Biên phòng Dào San, đó cũng là đoạn đường mà cô bé Tạ Thị Minh Châu thích nhất, bởi gần như hôm nào cũng vậy, bố em - Trung tá Tạ Quang Thái đều đứng trên đỉnh dốc, vẫy tay chào hai mẹ con. Nhìn bố đứng đó, Minh Châu cố nói thật to: “Con chào bố”, còn cô giáo Hồng mỉm cười đầy hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của gia đình Trung tá Tạ Quang Thái và cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng nhiều khi chỉ đơn giản như vậy!

Trúc Hà

Bình luận

ZALO