Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 09:04 GMT+7

Bài học cảnh tỉnh cho những người muốn “việc nhẹ, lương cao”

Biên phòng - Nhẹ dạ, cả tin vào “chiếc bánh vẽ”, cô gái người Giẻ Triêng tên Y Lan (xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) những tưởng không còn cơ hội gặp lại người thân nơi quê nhà, cho đến khi được BĐBP Kon Tum giải cứu. Đã 1 năm trôi qua, nhưng câu chuyện của Y Lan vẫn luôn là bài học cảnh tỉnh cho những người tin vào câu chuyện “việc nhẹ, lương cao” .

Chú thích ảnh: Cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Xú tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về các thủ đoạn mua bán người của các đối tượng tội phạm. Ảnh: Trúc Hà

Chuyện bắt đầu từ tháng 7/2022, Đồn Biên phòng Đắk Xú, BĐBP Kon Tum nhận được đơn trình báo của ông Blong Bếch về việc con gái út là Y Lan bị lừa bán sang Campuchia. Trước đó, tháng 4/2022, Y Lan vào Bình Dương làm công nhân đánh bóng sản phẩm ở xưởng mộc. Một lần tình cờ lang thang trên mạng, Y Lan được một thanh niên rủ sang Campuchia làm việc cho công ty với mức lương 20 triệu đồng mỗi tháng. “Chiếc bánh vẽ” quá ngon lành khiến Y Lan nhanh chóng nghe theo và được đưa qua biên giới trong đêm.

Thế nhưng, công việc không dễ dàng như lời giới thiệu ban đầu. Do không rủ được ai vào chơi bạc qua các ứng dụng, Y Lan bị mắng chửi, nhốt trong phòng và bị bỏ đói. Khi Y Lan nói muốn nghỉ việc để về Việt Nam thì người quản lý lạnh lùng nói: “Thằng đó bán mày cho chúng tao với giá 1.800 USD rồi. Muốn về thì bảo gia đình mày chuyển tiền chuộc sang đây”.

Theo Đại tá Trần Minh Lợi, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Kon Tum, việc truy tìm tung tích của nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn, bởi Y Lan liên tục bị bán qua các công ty khác nhau do không hoàn thành “chỉ tiêu”. May mắn là Y Lan vẫn được sử dụng điện thoại nên có thể chụp ảnh khu vực xung quanh.

Từ những bức hình Y Lan gửi về, Đại tá Trần Minh Lợi chỉ đạo kết nối với Phòng, Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (BĐBP Kiên Giang), Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (BĐBP Tây Ninh) phối hợp với lực lượng quản lý biên giới của bạn để xác định vị trí của Y Lan.

Sau nhiều nỗ lực, lực lượng chức năng đã xác định được chỗ ở của Y Lan (lúc này, Y Lan đã bị bán qua công ty thứ 7) tại một tòa nhà trên đường 702, Bãi Si Hai, tỉnh Si Ha Núc, Campuchia, cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh khoảng 470km về phía Nam. Chiều 20/8/2022, Y Lan đã được đưa về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Sau khi trở về, Y Lan đã làm đơn tố giác gửi tới Đồn Biên phòng Đăk Xú. Ngày 15/10/2022, Đồn Biên phòng Đăk Xú ra quyết định khởi tố vụ án theo đơn tố giác tội phạm, bàn giao cho Công an tỉnh Kon Tum để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Qua trao đổi với Công an tỉnh Kon Tum, được biết, đến thời điểm hiện tại, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum đã bắt giữ 3 đối tượng (trong đó, có 2 đối tượng ở Bình Dương, 1 đối tượng ở Hải Phòng) để phục vụ công tác điều tra, làm rõ hành vi lừa bán Y Lan sang Campuchia. Điều đáng nói, một trong 3 đối tượng bị bắt giữ từng là “nạn nhân” của việc “sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao”, được gia đình chuộc với giá 70 triệu đồng.

Chúng tôi tìm đến nhà Y Lan vào buổi chiều giữa tháng 8. Thấy cán bộ Biên phòng đến, những người họ hàng của Y Lan cũng tới. Qua trò chuyện, chúng tôi hiểu rằng, dù chuyện đã xảy ra gần 1 năm, nhưng với gia đình Y Lan thì những nỗi buồn đau vẫn còn đó. Để con gái có thể trở về, bố mẹ Y lan đã phải bán mảnh rẫy duy nhất, cũng là thu nhập chính của gia đình. Không còn đất sản xuất, hiện nay, cả nhà Y Lan phải đi làm thuê. Bà Y Hiên (mẹ ruột của Y Lan) tiếng phổ thông không thông thạo nên khi hỏi, trả lời phải có người phiên dịch. Thế nhưng, qua ánh mắt và biểu cảm, ai cũng có thể nhận thấy nỗi buồn của người mẹ có con bị lừa bán và gia đình sẽ không có cơ hội gặp lại nếu không có sự giúp đỡ của những người lính Biên phòng.

Bà Y Linh (dì ruột của Y Lan) buồn rầu nói: “Lớp trẻ bây giờ nhiều đứa lười lao động, cứ thích việc nhẹ, lương cao. Gia đình tôi đã giáo dục Y Lan nhưng không biết kết quả đến đâu vì nó và chúng bạn vẫn còn suy nghĩ kiếm tiền không khó. Chỉ thương anh chị tôi, lo lắng cho con nhưng con lại không chịu nghe lời, nên mới để xảy ra cơ sự vừa rồi”.

Theo chia sẻ của cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Xú, xã Đăk Xú được đánh giá là địa phương tiềm ẩn nguy cơ về mất an ninh, trật tự. Vì tiếp giáp với thị trấn Plei Kần, bị “cám dỗ” bởi sự sôi động của phố thị, nên nhiều bạn trẻ nghỉ học sớm. Một số người đi vào các tỉnh phía Nam làm công nhân tại các nhà máy, xưởng sản xuất. Hiện nay, xã có hơn 100 lao động ngoại tỉnh có đăng ký với địa phương, nhưng thực tế, còn rất nhiều người đi tự phát. Trình độ dân trí thấp, nhưng lại mong muốn công việc nhẹ nhàng, có thu nhập tốt khiến những người này dễ bị các đối tượng lừa bán, như trường hợp của Y Lan.

Thực tế, trường hợp Y Lan không phải là duy nhất bị lừa bán sang Campuchia bởi chiếc bánh vẽ “việc nhẹ, lương cao” ở khu vực biên giới các tỉnh Tây Nguyên. Trước đó, tháng 6/2022, 5 thanh niên xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) bị lừa bán sang Campuchia cũng bởi chiêu thức này. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, thủ đoạn lừa bán người vào các sòng bài, công ty lừa đảo đánh bài qua mạng ở Campuchia cũng ngày càng tinh vi, phức tạp.

Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt chú trọng về các thủ đoạn mua bán người, đồng thời, tăng cường bám nắm địa bàn để kịp thời phát hiện, tránh những vụ việc tương tự xảy ra.

* Tên nạn nhân và người thân đã được thay đổi.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO