Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 03:37 GMT+7

Bản án cho nhóm người nâng khống công suất máy tàu cá để trục lợi tiền chính sách

Biên phòng - Sau thời gian điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố (TP) Đà Nẵng đã truy tố 3 ngư dân cùng 2 cán bộ đăng kiểm, 2 lãnh đạo doanh nghiệp vì đã có hành vi móc nối để nâng khống công suất máy tàu cá nhằm trục lợi chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Bản án là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những kẻ nghĩ rằng, có thể lợi dụng chính sách của Đảng, Nhà nước để thu lợi bất chính cũng như thiếu trách nghiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

Từ trái qua phải: Lê Văn Lá, Nguyễn Chín và Huỳnh Văn Liều. Ảnh: Trúc Hà

Ngày 16/5/2024, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng kết thúc phiên xét xử sơ thẩm nhóm 7 người gồm ngư dân, cán bộ và doanh nghiệp nâng khống công suất tàu cá để chiếm đoạt tiền Nhà nước. Trong số các bị cáo, Nguyễn Chín, Huỳnh Văn Liều (cùng 56 tuổi), Lê Văn Lá (71 tuổi) là ngư dân, cùng trú tại quận Sơn Trà bị Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Ngô Hai (60 tuổi, ngụ ở quận Sơn Trà), Lê Văn Láng (50 tuổi, ở quận Hải Châu) là cán bộ Phòng Đăng kiểm tàu cá, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng; Bùi Đình Hưng (64 tuổi, ở quận Ngũ Hành Sơn) là kỹ sư máy tàu, Phó Giám đốc Công ty CP kỹ thuật biển S.Tech và Ngô Quang Ánh (42 tuổi, ở quận Cẩm Lệ) là Giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn thiết kế tàu thủy Tân Tiến Phong. Các bị cáo này bị Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

Theo cáo trạng, Nguyễn Chín (chủ tàu ĐNa90800TS) và Lê Văn Lá (chủ tàu cá ĐNa91093TS) nắm rõ chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền tại Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa"; Quyết định số 38/2013/QĐ-TTg ngày 26/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg) quy định mức hỗ trợ nhiên liệu để phục vụ cho các chuyến khai thác hải sản của ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và DK1 (gọi chung là các vùng biển xa), mức hỗ trợ căn cứ vào giá trị công suất trên máy chính của tàu, hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi và về của tàu hoạt động trên các vùng biển xa.

Tháng 2/2022, Nguyễn Chín tìm cách nâng khống công suất máy tàu cá ĐNa90800TS của mình từ 300CV (đang hưởng 55 triệu đồng/chuyến biển và 4 lần 1 năm) lên 450CV (sẽ nhận được 75 triệu đồng/chuyến và 4 lần 1 năm) và Lê Văn Lá cũng tự nâng khống công suất tàu cá ĐNa91093TS từ 280CV (đang hưởng 55 triệu đồng/chuyến biển và 4 lần 1 năm) lên 400CV (để hưởng 75 triệu đồng mỗi chuyến biển và 4 lần 1 năm).

Để thực hiện việc này, Nguyễn Chín và Lê Văn Lá đã nhờ Huỳnh Văn Liều làm bộ hồ sơ hợp thức về nguồn gốc máy thủy, các thủ tục nộp Chi cục Thủy sản TP. Cả hai nhờ Huỳnh Văn Liều thực hiện các thủ đoạn gian dối, nghĩ ra số máy tàu chưa đăng ký quản lý tại Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng và mua hồ sơ khống để xác nhận nguồn gốc hợp thức hóa, đục sửa số máy cũ thành mới, gắn mác giả, sơn lại máy. Nguyễn Chín đã đưa cho Huỳnh Văn Liều 25 triệu đồng; Lê Văn Lá đưa cho Huỳnh Văn Liều 45 triệu đồng.

Ngô Hai và Lê Văn Láng được phân công thẩm định hồ sơ thiết kế, đánh giá tình trạng, công suất máy thủ trước khi lắp đặt, giám sát thi công cải hoán, thử nghiệm tàu và đề xuất cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu của Nguyễn Chín. Nhưng thực tế, cả hai thống nhất Lê Văn Láng không tham gia toàn bộ quá trình và sẽ ký hợp thức toàn bộ hồ sơ do Ngô Hai lập mà không cần quan tâm phương thức do Ngô Hai thực hiện. Ngày 26/3/2022, Ngô Hai đi kiểm tra máy thủy, phát hiện máy thủy mới với công suất 450CV, số máy 10123 đã được lắp đặt sẵn, tàu đang ở dưới nước, hoạt động bình thường, có đi biển ngắn ngày.

Biết sự việc này là sai, thay vì từ chối kiểm tra, báo cáo lãnh đạo Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng xử lý, xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ máy, nhưng do quen biết và được Huỳnh Văn Liều nhờ giúp, đồng thời muốn tạo điều kiện cho tàu được hoạt động, hoàn thành việc đăng kiểm, thu phí đăng kiểm cho Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, Ngô Hai chấp nhận việc máy tàu mới đã lắp sẵn trên tàu, lập khống toàn bộ các hồ sơ, biên bản liên quan đến các bước tiếp theo của quy trình. Từ việc làm này đã dẫn đến hàng loạt các sai phạm tiếp theo trong việc cấp giấy chứng nhận nâng cấp công suất máy cho tàu cá.

Lê Quang Ánh và Bùi Đình Hưng khi được Huỳnh Văn Liều nhờ, nói đăng kiểm viên nhờ ký để hoàn thiện thủ tục, đồng thời thấy đăng kiểm viên đã ký, nên, mặc dù công ty không tiến hành thi công cải hoán máy thủy cho tàu cá, vì cả nể Chi cục Thủy sản và đăng kiểm viên, Hưng và Ánh đã đồng ý ký tên trên các biên bản có liên quan đến quá trình thi công cải hoán, thử nghiệm tàu; lập khống hợp đồng thi công cải hoán, ký biên bản xác nhận hoàn thành cải hoán; chỉ đạo kế toán xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng với nội dung thi công cải hoán tàu cá. Lê Quang Ánh và Bùi Đình Hưng không biết việc các chủ tàu giữ nguyên máy thủy cũ, chỉ đục lại số để nâng khống công suất nhằm chiếm đoạt tiền hỗ trợ và bản thân không thu lợi gì.

Các giấy tờ về 2 tàu cá của Nguyễn Chín và Lê Văn Lá đã được Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá. Năm 2022, Nguyễn Nguyễn Chín, Lê Văn Lá khai thác vùng biển xa, lập hồ sơ đề nghị UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ tiền nhiên liệu 4 chuyến biển với tổng cộng 300 triệu đồng. Như vậy, 2 ngư dân này đã chiếm đoạt tiền từ việc nâng khống công suất máy, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 160 triệu đồng (80 triệu đồng/bị cáo). Sau khi trừ các chi phí đã bỏ ra, Huỳnh Văn Liều tiếp tay cho chủ tàu Chín, Lá lừa đảo, được hưởng gần 107 triệu đồng.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Chín 1 năm 3 tháng tù; Huỳnh Văn Liều 3 năm tù; Lê Văn Lá 1 năm 3 tháng tù (cho hưởng án treo); Ngô Hai 1 năm 3 tháng tù; Lê Văn Láng 1 năm tù; Bùi Đình Hưng và Ngô Quang Ánh cùng 1 năm tù (cho hưởng án treo). Trong vụ án, ông Trịnh Quang Vinh (Chi cục phó Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng), Phạm Ngọc Anh (Trưởng phòng Đăng kiểm, Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng) là người đã ký các giấy tờ 2 tàu cá trên, tuy để xảy ra sai phạm nhưng không thông đồng với các bị cáo. Vì vậy, cơ quan điều tra không xem xét hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng xử lý cán bộ theo thẩm quyền.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO