Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:14 GMT+7

Ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam

Biên phòng - Ngày 6-12, thay mặt Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị định số 106/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam. Nghị định này quy định chi tiết về hệ thống tổ chức; chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với BĐBP; phối hợp giữa bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, BĐBP Hà Giang thực hiện chức năng chủ trì, phối hợp với lực lượng dân quân kiểm tra, chốt chặn đường mòn cạnh sông biên giới khu vực mốc 262 nhằm ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Ảnh: Kim Nhượng

Chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù

Nghị định 106 có 4 chương, 29 điều gồm: Quy định chung; hệ thống tổ chức, chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với BĐBP; phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng và điều khoản thi hành.

Chương I, Quy định chung, gồm 2 điều, từ Điều 1 đến Điều 2, quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết về hệ thống tổ chức; chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với BĐBP; phối hợp giữa bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng và Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chương II, từ Điều 3 đến Điều 5 quy định về hệ thống tổ chức, chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với BĐBP. Trong đó, về chính sách ưu đãi, chế độ đặc thù, tại Điều 4 nêu rõ: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc BĐBP thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo có thời gian từ 5 năm trở lên nếu có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo được chính quyền địa phương nơi chuyển đến ưu tiên giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ về chỗ ở, nhà ở cho gia đình, việc làm cho vợ hoặc chồng của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc BĐBP và được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP ngoài được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác trong Quân đội còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc BĐBP đang có thời gian công tác liên tục từ đủ 5 năm trở lên ở khu vực biên giới đất liền, đảo, quần đảo, hằng tháng được hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo.

Trường hợp chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo được quy định tại nhiều văn bản thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chế độ, chính sách đó. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp BĐBP khi làm cán bộ tăng cường xã biên giới nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, hằng tháng được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm và chế độ bồi dưỡng sức khỏe hằng năm tăng thêm theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc phối hợp

Chương III, quy định về phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng, gồm 22 điều, từ Điều 6 đến Điều 27. Trong đó, về nguyên tắc phối hợp, Nghị định cũng quy định cụ thể về phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Theo đó, phạm vi, nguyên tắc phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 10 Luật Biên phòng Việt Nam.

Trong đó, Điều 7, quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng gồm: Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an trao đổi với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương nơi có biên giới quốc gia về tình hình, thông tin liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật; chia sẻ với Bộ Công an về số liệu xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cấp thị thực tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; khi có đề nghị, thông báo cho Bộ Công an các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tình hình vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới và các thông tin khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại; tập huấn nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới. Chủ trì tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở vùng cấm, khu vực quân sự, khu vực biên giới, cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và đối với tàu biển quân sự, tàu bay quân sự nước ngoài lâm nạn trong khu vực biên giới.

Chỉ đạo BĐBP chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng thuộc Công an nhân dân, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho BĐBP thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Phối hợp với chính quyền địa phương nơi có biên giới tuyển chọn công dân thuộc dân tộc thiểu số định cư ở khu vực biên giới, hải đảo, người có tài năng để tạo nguồn phục vụ lâu dài trong BĐBP theo kế hoạch tuyển dụng, tuyển chọn hằng năm.

Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định từ Điều 8 đến Điều 27 Nghị định này. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung phối hợp tại khoản 3, Điều 10 Luật Biên phòng Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương các cấp xác định hình thức, phương pháp để phối hợp thực thi hiệu quả nhiệm vụ biên phòng; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh và phổ biến, giáo dục pháp luật ở khu vực biên giới.

Đồng thời, căn cứ chức năng, yêu cầu nhiệm vụ, BĐBP chủ trì xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương theo quy định của Luật Biên phòng Việt Nam và Nghị định này.

Chương IV, gồm 2 điều, từ Điều 28 đến Điều 29, quy định về Điều khoản thi hành. Trong đó, khoản 1, Điều 28 nêu rõ, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 21-1-2022.

Trần Đức

Bình luận

ZALO