Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 05:43 GMT+7

Bạn tri kỷ của cây đàn m’bin

Biên phòng - Với đồng bào Giẻ Triêng, đàn m’bin là vật dụng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Còn với ông A Quá (thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), đàn m’bin như người bạn tri kỷ, sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống thường ngày.

Ông A Quá dành cả đời để giữ gìn thanh âm đàn m'bin. Ảnh: Thanh Tùng

Không khó để tìm đến nhà ông A Quá, chỉ cần đến thôn Đăk Răng hỏi thăm người dân nơi đây, không ai là không biết. Cũng phải thôi, ông A Quá đã sinh sống ở đây lâu năm, hơn nữa, còn nổi tiếng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Giẻ Triêng nên rất được dân làng kính trọng. Ở tuổi 83, người đàn ông ấy không thể nhớ chính xác mình đã chế tác ra bao nhiêu chiếc đàn m’bin, nhưng cách làm đàn, chơi đàn m’bin, ông vẫn nhớ rõ.

Biết chúng tôi đến chơi vì muốn tìm hiểu loại đàn này, ông niềm nở bắt tay, rồi vội vàng vào nhà lấy những cây đàn m’bin do ông tự tay làm, phần để giới thiệu, phần để ôn lại những kỷ niệm, câu chuyện của ông cùng những chiếc đàn m’bin. Ông kể, từ lúc lọt lòng, đàn m’bin đã gắn bó với đời sống của ông. Những giai điệu phát ra từ chiếc đàn m’bin của cha ông đã ru ông nhiều giấc ngủ ngon và theo ông cùng năm tháng. Ngày ấy, cũng như chiếc gùi, đàn m’bin là vật dụng quan trọng trong đời sống của đồng bào Giẻ Triêng. Đàn m’bin mang giá trị tinh thần lớn với dân làng ở những buổi lễ hội, hay những đêm sáng trăng cả gia đình sum họp.

Ông A Quá kể: "Ngày tôi còn bé, đời sống còn thiếu thốn nhiều thứ, chưa có điện, chưa có đài. Tối đến, những hôm trời không mưa, nhiều gia đình cùng quây quần bên đống lửa, bên ghè rượu. Khi men rượu thấm dần cũng là lúc cha tôi cùng đàn ông trong làng trổ tài đàn hát. Chỉ có lúc này, tôi mới được sờ vào chiếc đàn, được tường tận xem cha tôi chơi đàn".

Ngày còn bé, ông A Quá đã thích làm và chơi đàn m’bin. Nhưng vì đôi tay hậu đậu, chưa đủ khéo léo, nên cha ông không cho sờ vào chiếc đàn. Khi xem cha mình cùng mọi người biểu diễn, sự uyển chuyển của từng ngón tay kèm theo âm thanh phát ra từ chiếc đàn đã cuốn hút và thôi thúc ông. Và khi có thể một mình lên rẫy, mang theo chiếc rựa, chiếc cuốc đi làm, thì cũng là lúc ông bắt đầu tập tành làm đàn.

Theo lời cha ông dạy, để làm đàn dễ dàng phải chọn gỗ sữa. Loại gỗ này xốp nhưng bền, phù hợp để đục đẽo thủ công, chế tác nhạc cụ. Thoạt đầu, ông A Quá nghĩ, chỉ cần kiếm khúc gỗ nhỏ để tự làm một chiếc đàn có kích thước phù hợp với bản thân. Sau khi đưa khúc gỗ về nhà, ông A Quá mải mê gọt dũa, đục đẽo dựa trên hình thù chiếc đàn mà cha ông hay dùng. Sau một hồi dày công đục đẽo, ông A Quá “vỡ mộng” vì chiếc đàn không được như mong muốn, kích thước không cân đối.

Nhìn thấy chiếc đàn đầu tay của ông A Quá, cha ông cười rồi tận tình hướng dẫn con mình cách làm. Trông chiếc đàn có vẻ đơn giản, nhưng để hoàn thiện được, buộc người thợ phải “thổi hồn” vào từng bộ phận của đàn m’bin. Sau khi chọn gỗ, người làm đàn phải chia gỗ theo tỷ lệ thành 3 phần cân đối gồm thân đàn, cầu đàn và đầu đàn rồi tiến hành đục đẽo.

Nhớ lời cha dặn, ông A Quá lại vào tận rừng sâu tìm cây gỗ sữa, chặt ra thành từng đoạn để mang vác ra khỏi rừng cho dễ. Về đến nhà, ông A Quá lập tức ướm chiếc đàn của cha mình vào khúc gỗ, rồi tỉ mỉ dùng mũi dao khắc lên thân gỗ làm dấu kích thước từng bộ phận chiếc đàn m’bin. Mượn dụng cụ của cha, ông tiến hành đục đẽo. Với đôi tay cần mẫn, cùng sự quyết tâm, chiếc đàn m’bin đầu tiên đã được ông A Quá hoàn thiện. Dù chi tiết không sắc sảo như cây đàn của cha, nhưng đó là thành quả của sự cố gắng, là động lực để ông tiếp tục chế tác những cây đàn về sau.

Trong việc chế tác đàn, đầu đàn m’bin thường tốn nhiều công sức của người thợ. Với dân tộc Giẻ Triêng, đầu đàn m’bin thể hiện kinh nghiệm, sự khéo léo của người thợ. Thông thường, những người làm đàn m’bin lâu năm sẽ điêu khắc hình người bán thân nơi đầu đàn, còn những người thợ non kinh nghiệm sẽ chọn những hình đơn giản như hình chữ L, móc câu, hồ lô để dễ đục đẽo.

Có chiếc đàn m’bin đầu tiên trong tay, ông A Quá bắt đầu học đánh đàn. Ông lẩm bẩm những câu hát mà cha thường thể hiện, ngón tay uyển chuyển gảy từng sợi dây đàn. Và cứ thế, chẳng bao lâu, ông A Quá đã thành thạo những ca khúc mà cha ông hay hát, trong đó, quen thuộc nhất là bài hát “O đa rieu đưng” – Em đừng dại.

Chính ca khúc này đã theo ông đến tuổi thanh niên, cùng đám bạn đàn hát quanh đống lửa hồng dưới mái nhà rông của làng. Nhiều cô gái cũng đến đây tụ tập, họ vừa chơi đùa, vừa để ý xem chàng thanh niên nào đàn giỏi, hát hay để “bắt” làm chồng.

Gỗ sữa được chọn để làm đàn m'bin. Ảnh: Thanh Tùng

Một đêm nọ, sau khi cùng những chàng thanh niên trong làng đàn hát, ông A Quá cùng mọi người ngủ lại nhà rông để chờ những cô gái đến ngỏ lời yêu. Tối khuya, khi cả đám trai làng đã say giấc, những cô gái trong làng dùng đèn đuốc, vào nhà rông để soi tìm người đàn ông mà mình để ý. Ông A Quá bất ngờ được một người con gái cầm tay gọi dậy, 2 người rời đi khỏi nhà rông tâm sự chuyện lứa đôi. Sau đêm ấy, tình yêu ngày càng mãnh liệt, 2 người quyết định đến với nhau và lập gia đình.

Cưới vợ, ông A Quá mang theo chiếc đàn m’bin của mình về nhà vợ. Ông tiếp tục nâng cao tay nghề, chế tác ra nhiều chiếc đàn để mang tặng, mang biếu và để biểu diễn cho bà con xem. Đến sau này, khi công nghệ thông tin phát triển, đời sống con người ngày càng nâng cao, tiếng đàn m’bin dần bị lãng quên. Nhưng với ông A Quá, mỗi khi làng có hội thì không thể thiếu tiếng đàn m’bin.

Thấy ông A Quá biết làm và chơi đàn m’bin, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, kết nối với nhiều đơn vị để ông có thể biểu diễn, quảng bá đàn m’bin đến với mọi người.

Ông A Quá tâm sự: Được đi diễn, tôi vui lắm. Tôi sắm nhiều bộ trang phục truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng, cùng tóc giả, trang sức để có thể tự tin biểu diễn trước đám đông. Đồng thời, tôi luôn chuẩn bị gỗ, dụng cụ để có thể làm đàn m’bin cho mọi người xem.

Ông Bloong Hâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục cho biết: "Ông A Quá là một trong số ít người biết chế tác nhạc cụ trên địa bàn xã. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động, tuyên truyền để thế hệ trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điều kiện cho những người đang duy trì, phát triển nghề truyền thống được hoạt động, truyền dạy, quảng bá đến nhiều người".

Tùng Lâm

Bình luận

ZALO