Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 06:59 GMT+7

Bàn về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội do lạc hậu”

Biên phòng - Hiện nay, trong xã hội, có một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, nhiều trường hợp có hành vi trái pháp luật nhưng họ chưa ý thức rõ về việc này. Với nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS), trong đó đặc biệt là tình tiết được quy định tại điểm m, khoản 1, Điều 51, BLHS: “Phạm tội do lạc hậu”.

Cán bộ BĐBP tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số về phòng, chống tảo hôn. Ảnh: CTV

Các tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại Điều 51, BLHS nhằm mục đích hướng dẫn cho các tòa án khi xem xét, cân nhắc mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cũng như cân nhắc đặc điểm nhân thân người phạm tội, tránh sự tùy tiện và thiếu thống nhất trong khi vận dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS vào việc xét xử các vụ án cụ thể. Trong phạm vi một khung hình phạt nhất định, những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS là cơ sở cho việc cá thể hóa hình phạt một cách chính xác; thể hiện tính nghiêm minh, nhân đạo của Nhà nước ta. Việc vận dụng đúng đắn các tình tiết này đảm bảo cho việc thống nhất cách vận dụng chính sách hình sự của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Khi một tình tiết giảm nhẹ đã quy định cụ thể trong khoản 1, Điều 51, BLHS mà tình tiết đó lại chưa được giải thích hướng dẫn áp dụng cụ thể thì các tòa án có quyền xem xét và đánh giá các tình tiết đó để giảm nhẹ cho bị cáo theo hướng có lợi cho bị cáo, đây là quyền hạn của Hội đồng xét xử (HĐXX) mà luật đã quy định. Trường hợp này, chúng ta không nên hạn chế quyền suy đoán có lợi cho bị cáo của HĐXX để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho họ. Chẳng hạn hiện nay, tình tiết “Phạm tội do lạc hậu” quy định tại điểm m, khoản 1, Điều 51, BLHS chưa có văn bản hướng dẫn nào của cơ quan có thẩm quyền nêu cụ thể hành vi phạm tội thế nào thì được coi là lạc hậu, đối tượng nào thì được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS..., mà tùy thuộc vào sự xem xét đánh giá của HĐXX đánh giá tùy theo từng tội phạm.

Dưới góc độ pháp lý, “Phạm tội do lạc hậu” có thể được hiểu là trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội không (thiếu) hiểu biết về pháp luật, mọi xử sự trong xã hội đều theo thói quen phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, họ nhận thức rất kém về tính trái pháp luật của hành vi đó. Nguyên nhân đưa lại sự “lạc hậu” của người phạm tội đó là do đời sống xã hội, không được học tập, không có điều kiện thực tế để nhận biết các đúng sai trong cuộc sống...

Thực tiễn xét xử cho thấy, còn có những quan điểm, cách hiểu khác nhau nên khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS này còn mang tính chất tùy nghi, thiếu thuyết phục. Điển hình, trong vụ án dưới đây: Ngày 3/7/2022, Siu K chở Rơ Châm Y, Ksor U đến rủ Rơ Lan H (cả 4 bị cáo đều là người dân tộc Gia Rai; cùng trú tại làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai và đều có trình độ văn hóa 1/12) để đi lấy lại xe máy bị bắt giữ ngày hôm qua thì H đồng ý. Khi thấy K, Y, U chuẩn bị hung khí nguy hiểm là các con dao tông, dao bầu sắc nhọn đi về Đồn Biên phòng Ia Pnôn thì H nghĩ là đi đánh nhau để lấy xe, nhưng H vẫn đồng ý cùng đi. Khi K thấy các quân nhân N, C đang dừng xe mô tô ven đường để nghe điện thoại, K nói: “Hai thằng này có đánh không”, U nói: “Đánh luôn”, rồi các bị cáo dừng và xuống xe, K và U đi thẳng tới chỗ các quân nhân N và C, Y cầm dao đi về phía đầu xe, H lúc này đứng ở cuối xe tạo thế bao vây. Khi quân nhân N đi đến, Y cầm dao đứng chặn phía trước xe quân nhân N, U và K tấn công quân nhân N, H không có bất kỳ lời nói hay hành động gì để can ngăn mà đồng tình với các hành vi của những bị can khác. Sau đó, Y và K lấy xe máy của quân nhân N và C, H biết rõ mục đích lấy xe máy của các quân nhân này là để tạo áp lực ép đồn Biên phòng trả lại số xe và số gỗ đã bắt hôm trước. H biết và đồng ý với mục đích này vì khi bị Đồn Biên phòng Ia Pnôn bắt giữ xe, bản thân H cũng rất bức xúc. Sau đó, H điều khiển xe máy của K chở U trốn khỏi hiện trường.

Quá trình truy tố và xét xử tại phiên tòa, Viện kiểm sát đã đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm m, khoản 1, Điều 51, BLHS trên cơ sở xác định các bị cáo đều sống tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ), các bị cáo về mặt nhận thức còn nhiều hạn chế, ý thức pháp luật kém.

Tuy nhiên, Tòa án nhận định, các bị cáo U, K, H, Y nhận thức được và bắt buộc phải biết việc xâm phạm đến sức khỏe, quyền sở hữu tài sản của người khác là trái đạo đức xã hội và pháp luật của Nhà nước, nên không có cơ sở áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội do lạc hậu”.

Việc Tòa án không áp dụng điểm m, khoản 1, Điều 51, BLHS đã ảnh hưởng không nhỏ tới hình phạt của các bị cáo. Tuy nhiên, do hiện nay, không có văn bản hướng dẫn cụ thể về tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội do lạc hậu” nên quyền kháng nghị của Viện kiểm sát đã không có cơ sở để thực hiện. Vì vậy, thiết nghĩ, trong thời gian tới, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội do lạc hậu” quy định tại điểm m, khoản 1, Điều 51, BLHS để các cơ quan tố tụng nhận thức rõ và áp dụng thống nhất trong thực tiễn.

Thượng úy Nguyễn Văn Tài (Viện Kiểm sát quân sự khu vực 2 BĐBP)

Bình luận

ZALO