Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 12:18 GMT+7

Báo động tình trạng chặt phá cây trồng của nông dân

Biên phòng - Tình trạng chặt phá cây trồng (gồm các loại cây ăn quả, cây nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, hoặc rừng đặc dụng) của bà con nông dân sau một thời gian lắng xuống thì gần đây lại tái diễn với tính chất nghiêm trọng và có dấu hiệu tội phạm hình sự. Điều này đặt ra yêu cầu cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là các vườn cây ăn quả có kinh tế cao, rừng đặc dụng, đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Một trong số các cây cà phê của nông dân thôn O Ngó, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai bị chặt phá. Ảnh: Hoàng Anh

Tái diễn tình trạng chặt phá cây trồng

Thời gian gần đây, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên liên tục xảy ra các vụ chặt phá nông sản của người dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra nhiều vụ kẻ gian lén lút phá hoại các vườn cây công nghiệp của người nông dân, gây thiệt hại lớn về tài sản. Điển hình như trường hợp của gia đình ông Chu Huy Luận, trú tại thôn 6, xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar. Mặc dù ông Luận không mâu thuẫn với ai, nhưng vườn điều với hàng trăm gốc đang cho thu hoạch của gia đình bất ngờ bị kẻ gian phá hoại chỉ trong một đêm.

Trước đó, khoảng 9 giờ sáng ngày 12/10/2020, anh Nguyễn Hải Thiện, trú tại xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến thăm rẫy của gia đình ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn thì phát hiện hơn 200 cây trồng gồm: Cà phê, tiêu, quýt, bưởi da xanh của gia đình mình đã bị kẻ xấu chặt phá, nằm ngổn ngang.

Tại tỉnh Kon Tum, cuối tháng 9/2020, vườn chanh dây 1,2ha của gia đình chị Trịnh Thị Hường, trú tại thôn 1, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô cũng bị kẻ gian chặt, phá hoại trong đêm, gây thiệt hại kinh tế khoảng 200 triệu đồng. Ngay sau khi phát hiện sự việc, gia đình chị Hường đã báo cơ quan chức năng để điều tra vụ việc. Tuy nhiên, gần 2 tháng sau khi sự việc xảy ra, gia đình chị Hường vẫn chưa nhận được câu trả lời từ cơ quan chức năng.

Tại tỉnh Gia Lai, vụ hàng trăm héc ta mía bị cháy bất thường vẫn chưa lắng xuống thì đến lượt chanh dây, cà phê bị kẻ gian chặt phá khiến người dân bức xúc vào giữa tháng 3/2023. Cụ thể, đêm 13/3/2023 xảy ra vụ chặt phá vườn cà phê của 9 hộ dân ở thôn O Ngó, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa. Qua kiểm đếm, có hơn 1.000 cây cà phê từ 2-5 năm tuổi đã bị kẻ gian chặt phá. Trước đó, vào tháng 2/2023, gia đình ông Trần Anh Hảo, trú tại làng O Gia, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai cũng bàng hoàng khi phát hiện hơn 420 cây chanh dây đang cho quả bị kẻ xấu chặt đứt gốc. Tổng thiệt hại của vườn cây là 450 triệu đồng. Cùng thời điểm, vườn sầu riêng 3 năm tuổi của bà Nguyễn Thị Kim Phúc, trú cùng làng O Gia, xã Ia Pếch cũng bị kẻ gian cạo vỏ, ken gốc mất 20 cây khiến cây chết dần.

Tình trạng phá hoại cây trồng đã diễn ra nhiều năm qua, không chỉ địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, mà ở nhiều địa phương trong cả nước. Các đối tượng xấu chủ yếu nhắm vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, ca cao, chanh dây, hồ tiêu..., đặc biệt là cây sầu riêng khi giá của loại cây này đang được bán ra khá cao trên thị trường.

Mới đây nhất, sáng ngày 21/5/2024, khi ra thăm vườn, vợ chồng anh Lương Văn Đức, trú tại xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk tá hỏa khi phát hiện 56 cây sầu riêng với khoảng 1.600 quả sầu riêng non bị kẻ xấu đang tâm chặt rụng sạch, ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Theo anh Đức, gia đình anh đã phải vay mượn ngân hàng để đầu tư trồng số sầu riêng trên gần 1ha đất, cây đã hơn 4 năm và đang độ cho thu hoạch. Theo dự tính, vụ sầu riêng năm nay sẽ cho gia đình thu hoạch vài trăm triệu đồng để trang trải cuộc sống và trả lãi các khoản vay. Vậy mà kẻ xấu đã ra tay chặt phá khiến cho toàn bộ mồ hôi, nước mắt của gia đình anh đổ xuống sông, xuống biển.

Cần phải xử lý nghiêm

Tình trạng phá hoại cây trồng không chỉ gây làm thiệt hại nặng nề về tài sản, mà còn gây tâm lý bất an cho người nông dân. Tuy nhiên, để ngăn chặn, truy tìm đối tượng phá hoại rất khó khăn. Bởi hầu hết các vụ việc thường xảy ra vào ban đêm, tại các khu vực thưa dân cư, nhân chứng, chứng cứ lại hạn chế, cho nên việc điều tra, truy bắt thủ phạm như "mò kim đáy biển".

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bo Heng, BĐBP Đắk Lắk tuần tra bảo vệ khu vực biên giới. Ảnh: Hoàng Anh

Bên cạnh đó, tại các vùng nông thôn thường phát sinh những mâu thuẫn cá nhân với hàng xóm, láng giềng; hay việc cạnh tranh không lành mạnh trong làm ăn giữa các gia đình cũng tiềm ẩn nguy cơ phá hoại tài sản là cây trồng, vật nuôi..., tuy có thể khoanh vùng nghi phạm nhưng việc điều tra làm rõ không dễ dàng chút nào. Nhiều vụ xác định được thủ phạm, nhưng đấu tranh để bắt chúng phải cúi đầu nhận tội là điều rất khó khăn, nếu không bắt được quả tang. Nhằm hạn chế tình trạng bị kẻ xấu phá hoại, một số nhà vườn đã thuê nhân công túc trực 24/24 giờ để canh giữ. Mặc dù vậy, nạn phá hoại cây trồng vẫn liên tục diễn ra gây hoang mang, bức xúc cho người nông dân.

Thiếu tá Nguyễn Văn Kiều, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bo Heng, BĐBP Đắk Lắk cho biết: “Tuy trên địa bàn chưa xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, nhưng ngoài một số trường hợp cá biệt, phần lớn các vườn cây ăn trái bị chặt phá thường ở giai đoạn mới trồng, cây còn nhỏ. Nguyên nhân là do các đối tượng xấu muốn phá hoại ngay từ đầu, không để cây phát triển ảnh hưởng đến việc canh tác của họ. Rõ ràng, đây là hiện tượng đáng báo động, nếu cơ quan chức năng không quyết liệt điều tra, xử lý để “răn đe” các đối tượng thì những sự việc tương tự sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian dài”.

Nhằm dẹp yên vấn nạn trên, giúp người dân cởi bỏ được tâm lý lo lắng, lực lượng Công an, BĐBP tại địa bàn các tỉnh miền núi, biên giới cũng đã vào cuộc quyết liệt, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, nhất là ban đêm nhằm kịp thời phát hiện các hành vi phá hoại để ngăn chặn; đồng thời, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tìm ra một số đối tượng chủ mưu phá hoại, trừng trị nghiêm trước pháp luật, lập lại an ninh trật tự, chấm dứt nạn “nông tặc”, gây hoang mang trong nhân dân.

Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục triển khai lực lượng trấn áp các đối tượng để người dân ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất. Bên cạnh đó, tại các vùng trọng điểm trồng các loại cây nông nghiệp có giá trị cao như tiêu, cà phê, chanh leo... thì cấp ủy, chính quyền địa phương cần chỉ đạo lực lượng đứng chân trên địa bàn như BĐBP, dân quân, công an xã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể tăng cường tuần tra, bảo vệ, tuyên truyền, vận động bà con chủ động tố giác tội phạm, đề cao cảnh giác, có biện pháp thích hợp để bảo vệ vườn cây nhà mình.

Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm... Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm: Có tổ chức; gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm.

Hoàng Anh

Bình luận

ZALO