Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 04:22 GMT+7

Báo động vấn nạn lừa đảo qua mạng

Biên phòng - Người Việt Nam bị lừa đảo gần 16 tỷ USD qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Đó là con số rất đáng báo động do Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội chống lừa đảo mới công bố về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023. Vấn nạn này cũng cho thấy người sử dụng mạng ở Việt Nam đang trong “vùng trũng” nhận thức về an toàn thông tin.

Ảnh: minh họa

Theo Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa), lừa đảo qua mạng hiện nay được ví như ngành công nghiệp, không còn xuất phát từ cá nhân hay nhóm nhỏ. Bởi tỉ suất lợi nhuận lên đến 2.500% trong năm qua và dự đoán còn tăng cao trong năm 2024.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, tội phạm lừa đảo trực tuyến ngày càng hoạt động tinh vi,sử dụng các kịch bản, phương pháp tâm lý học và công cụ hiện đại để tiếp cận nạn nhân. Việt Nam trở thành nơi đắc địa để tội phạm khai thác khi nhận thức về an toàn thông tin của người dân còn thấp.

Khảo sát của GASA cho thấy, trong năm 2023, trung bình mỗi người Việt phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo. Số liệu khảo sát cũng cảnh báo, 71% người được hỏi bị lừa qua cuộc gọi điện thoại và tin nhắn/SMS Facebook và Gmail, tiếp theo là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%).

Các chuyên gia đã nhận diện chỉ ra 24 hình thức lừa đảo qua mạng, trong đó có 3 hình thức chủ yếu: lừa đảo trộm danh tính, lừa đảo đầu tư, mua sắm và tuyển dụng vì bọn tội phạm hướng đến người có đồng tiền nhàn rỗi hoặc muốn làm việc nhẹ, lương cao. Điển hình như ngày 21/12/2023, Công an thành phố Hà Nội bắt giữ đối tượng Nguyễn Đức Tùng (30 tuổi, trú tại quận Hà Đông) và 13 đồng bọn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các nền tảng mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo... Chiêu thức của nhóm tội phạm lừa đảo này là mua hàng ngàn tài khoản mạng xã hội ảo rồi đăng quảng cáo cần tuyển cộng tác viên bán vé máy bay trên toàn quốc với mức chiết khấu lên tới 20% tiền vé. Sau khi người mua chuyển tiền, các đối tượng đóng tài khoản, xóa dấu vế. Từ tháng 6/2023 đến khi bị bắt, nhóm này đã lừa đảo nhiều người và chiếm đoạt được khoảng 20 tỷ đồng.

Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo nhưng không ít người trẻ tin và bị hấp dẫn bởi những lời mời gọi việc nhẹ, lương cao. Hậu quả là thời gian qua, không ít người bị lừa sang Campuchia bóc lột sức lao động, bị bạo hành nếu không làm việc theo yêu cầu của bọn chúng...

Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng diễn ra phức tạp, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như tạo các website giả mạo các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng, sàn thương mại... Các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, khó nhận diện, xuất phát một phần từ việc không xác nhận được chủ thể website, tên miền quốc tế đăng ký ở nước ngoài.

Nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo qua mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và triển khai Cổng tra cứu thông tin tên miền để hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp nhận diện, xác thực nguồn thông tin chính thức trên môi trường mạng. Trước khi sử dụng dịch vụ, giao dịch trên Internet, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin website, tên miền bằng cách thực hiện nhắn tin miễn phí tới tổng đài 156 hoặc tra cứu trực tiếp tại Website https://tracuutenmien.vn. Qua đó, người sử dụng dịch vụ Internet có thể nhận diện và phòng ngừa các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, chuyên gia GASA kiến nghị Nhà nước cần tăng chế tài xử phạt, nghiêm trị tội phạm lừa đảo, đồng thời tăng cường công cụ, kỹ thuật và kết hợp với nhiều tổ chức tập đoàn bảo mật lớn trên thế giới để bảo vệ người Việt tránh khỏi các trang web độc hại, giả mạo, lừa đảo, đánh cắp thông tin tài khoản.

Người dân cần thận trọng, tỉnh táo khi nhận được liên hệ từ các nguồn không rõ ràng, tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO