Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 09:36 GMT+7

Bảo tàng điêu khắc Chăm và hành trình 100 năm kể chuyện

Biên phòng - Đã tròn 100 năm kể từ khi Bảo tàng Chăm Tourane (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm) tại Đà Nẵng mở cửa đón những người khách đầu tiên vào tham quan (1919-2019), cho đến nay, nơi đây vẫn luôn là điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách khi đến Đà Nẵng. Chỉ với không gian khiêm tốn nằm bên bờ sông Hàn, nhưng Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn chứa đựng những bí ẩn kỳ diệu của nền văn hóa Chăm Pa làm say lòng người.

5rdn_23
Các cổ vật của nền văn hóa Chăm Pa được trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: Trúc Hà

Ngược dòng thời gian

Sự ra đời của Bảo tàng Điêu khắc Chăm bắt đầu từ ý tưởng làm một bảo tàng địa phương để trưng bày, bảo quản các tác phẩm điêu khắc Chăm pa do ông Chales Lemire (1839-1912) công sứ Pháp ở Quy Nhơn, Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Hội An từ năm 1881-1893 khởi xướng. Trong thời gian sống ở Việt Nam, ông quan tâm và dành thời gian để tìm hiểu về nghệ thuật Chăm Pa. Ông lo ngại trước việc các đền tháp, tượng, phù điêu của văn hóa Chăm Pa bị hủy hoại và bắt đầu sưu tầm các hiện vật điêu khắc đá bị bỏ mặc ở các di tích.

Năm 1892, ông Lemire vận chuyển 50 pho tượng về khuôn viên Tourane, vốn là gò đất cao nằm giáp với ngôi chùa cạnh sông Hàn (cũng là địa điểm ngày nay). Và 1 năm sau, ông đề xuất với chính quyền được xây dựng bảo tàng. Tuy nhiên, vì lý do kinh phí, đề xuất của ông không được chính quyền phê duyệt và bộ sưu tập mà Lemire đã mang về vẫn dầm mưa dãi nắng ở khu vườn Tuorane.

Năm 1900, Ông Henri Pamentier (1871-1949) là nhà nghiên cứu của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp được giao nhiệm vụ khảo sát, thống kê các di tích Chăm tại Trung Kỳ. Từ đây, ông có cơ hội tiếp cận với vườn tượng của Lemire và 2 người tiếp tục kiên trì theo đuổi đề án xây dựng một bảo tàng để lưu giữ những dấu tích của nền văn hóa Chăm Pa. Năm 1912, ông Lemire qua đời, chỉ còn Pamentier với biết bao khó khăn, trở ngại, nhưng ông vẫn không từ bỏ.

Đến năm 1914, đề án được phê duyệt và Pamentier được bổ nhiệm làm Giám đốc dự án. Việc xây dựng được bắt đầu năm 1915 và hoàn thành vào tháng 5-1916. Pamentier dành 3 năm để trưng bày các các hiện vật. Đến tháng 4-1919 thì bảo tàng mở cửa đón khách với tên gọi Bảo tàng Chàm Tourane. Tháng 3-1936, bảo tàng được đổi tên thành Musée Henri Pamentier để ghi nhận những nỗ lực của ông trong việc xây dựng kho tàng nghệ thuật khảo cổ Chăm Pa.

Và 100 năm kể chuyện

100 năm tồn tại, Bảo tàng Chăm tại Tourane được cải tạo, nâng cấp nhiều lần và đến nay có tên gọi là “Bảo tàng Điêu khắc Chăm”. Hàng năm, bảo tàng đón hàng chục ngàn khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan cũng như các nhà khoa học trên thế giới tới nghiên cứu. Gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có 288 hiện vật đang trưng bày bên trong bảo tàng, được phân chia thành các phòng trưng bày: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum. 187 hiện vật trưng bày ngoài sân vườn và hơn 1.200 hiện vật hiện đang lưu giữ trong kho.

Đặc biệt, năm 2011, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã tiến hành đăng ký các hiện vật đề nghị là Bảo vật Quốc gia. Hội đồng thẩm định Bảo vật Quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xét chọn 3 hiện vật: Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Bồ tát Tara là Bảo vật Quốc gia trong đợt đầu tiên.

Du khách tới bảo tàng có thể thấy, cảm nhận Trà Kiệu - kinh đô của vương quốc Chăm Pa ở thời sơ kỳ. Hay khi bước vào phòng Mỹ Sơn (từng là một trung tâm tín ngưỡng quan trọng của Vương quốc Chăm Pa), qua các ô khác của đài thờ miêu tả cảnh một tu sĩ nằm tĩnh tâm, lần chuỗi hạt dưới một bóng cây, cảnh biểu diễn âm nhạc với người thổi sáo và người vỗ trống, cảnh tu sĩ đang giảng đạo cho tín đồ, cảnh đạo sĩ đang luyện thuốc và chữa bệnh. Ở phòng Tháp Mẫm, người xem được chiêm ngưỡng các cổ vật được khai quật năm 1934 và 1935 tại gò đồi Tháp Mẫm - Bình Định, như rồng, voi-sư tử, chim thần Garuda, tượng và phù điêu các nam thần, nữ thần, vũ nữ... tiêu biểu cho phong cách Tháp Mẫm... Cứ như vậy, người xem sẽ lạc vào sứ sở thần tiên, đầy kỳ diệu của người Chăm hàng ngàn năm trước.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO