Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:21 GMT+7

Bảo tàng Kon Tum, nơi vinh danh nghệ nhân cồng chiêng

Biên phòng - Bảo tàng Kon Tum hiện trưng bày rất nhiều bộ cồng chiêng độc đáo. Cồng chiêng gắn trên các bức tường được chiếu ánh đèn vàng giữa tấm bảng ghi chép sử thi Đam San: “Hãy đánh những chiêng âm thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất/Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất... Đánh cho khỉ cũng quên bám chặt vào cành”. Ảnh chân dung những nghệ nhân cồng chiêng được treo trên tường để vinh danh công lao đóng góp cho cộng đồng của họ.

Ảnh nghệ nhân A Né tại Bảo tàng Kon Tum. Ảnh: Văn Chương

Câu sử thi Đam San: “Đánh cho khỉ cũng quên bám chặt vào cành...” đã làm cho khách tham quan bảo tàng hồi ức lại một Kon Tum từ trong quá khứ đến hiện tại. Thập niên 40 của thế kỷ trước, từng đoàn voi thồ hàng, chở người đi bên sông Đăkbla, xuống tuyến đường nối với vùng đồng bằng Quảng Ngãi được gọi là “đường muối, gốm sứ và cồng chiêng” để đưa cá chuồn muối, cá khô, muối hạt lên núi rừng, đưa sản vật Tây Nguyên xuống đồng bằng. Tuyến đường này gắn với câu vè: “Ai về nhắn với bạn nguồn/Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Ở vùng đất Tây Nguyên, tiếng cồng chiêng rền vang được đồng bào xem như một sự liên thông với trời đất, giúp mọi người vượt qua bệnh tật, thú dữ, mùa màng tốt tươi.

Bảo tàng Kon Tum kể lại câu chuyện về cồng chiêng bằng hình ảnh. Ngay trên bức tường đối diện cửa ra vào hiện ra tới 24 chiếc chiêng và treo thành đường cong như chiếc sừng trâu. Giữa những chiếc chiêng là ảnh nghệ nhân A Né, sinh năm 1928, người dân tộc Xơ Đăng, quê ở xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Nhiều nhà báo từ hình ảnh này đã tìm đến ngôi nhà của nghệ nhân A Né ở bên cạnh một sườn đồi. Ai tới thăm đều được ông gảy cây đàn ting ning do chính ông làm, sau đó là gõ vài điệu cồng chiêng.

Những người yêu mến vùng đất Kon Tum đều biết đến A Né, vì ông chơi và có thể chế tác được rất nhiều nhạc cụ, từ cồng chiêng cho đến đàn ting ning, t’rưng và k’lông pút. Trong gia đình của ông, từ người vợ là bà Y Nia đến 2 người con của ông là A Phòng và Y Đoan đều chơi được nhiều nhạc cụ. Những người đến thăm ông đều lâng lâng cảm xúc khi nghe ông chơi các nhạc cụ.

Bức tường phía bên phải bảo tàng có 3 chiếc chiêng rất đẹp được giới thiệu là của gia đình ông A Lok ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Đây là địa phương mà nghệ nhân A Lok cùng nhiều cụ già đã dày công truyền lại văn hóa cồng chiêng cho con cháu. Từ 10 năm trước, các cụ già đã mở lớp dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ nên đội cồng chiêng đến nay đã phát triển được hơn 40 người. Chương trình dạy cồng chiêng thường được tổ chức vào ngày các em học sinh nghỉ học. Ông A Lok cho biết: “Người dân làng làm rất tốt công tác giữ gìn không gian văn hóa cồng chiêng, vì vậy, nhiều người biết sử dụng; hiện nay, ở làng có 22 bộ cồng chiêng và đội cồng chiêng thường tham gia vào các hoạt động lễ hội”.

Nghệ nhân A Kuưng (40 tuổi) ở thôn Kon Mơ Nay Kơ Tu 1, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, từ lúc nhỏ, anh luôn tròn xoe mắt, tâm trí dồn hết vào từng nhịp chiêng, từng bàn tay, từng bước chân của người biểu diễn. Đến năm 16 tuổi, anh đã đánh thuần thục nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc Ba Na, hồn phiêu diêu trong tiếng chiêng và nhớ đến những lời sử thi Đam San viết: “Con hoẵng, con thỏ, con hươu quên ăn cỏ/Chúng quá vui sướng khi nghe tiếng chiêng của chàng Dăm Tiông... Con chuột, con nhím quên cả việc đào hang/Đàn rắn đen, rắn xám bò ra khỏi hang khi nghe tiếng chiêng”.

Nghệ nhân A Kuưng tâm sự, mỗi khi nghe tiếng chiêng là thấy lòng mình lâng lâng cảm xúc, mỗi bài chiêng khi đánh trong mỗi dịp lễ hội đều chứa đựng thông điệp và thể hiện qua tiết tấu nhanh chậm khác nhau, vì vậy, người đánh chiêng phải quan sát các thành viên trong đội để đánh được nhịp nhàng. A Kuưng còn cho biết, anh có thể nghe và phân biệt nhiều loại giai điệu, thang âm cổ của dân tộc mình, từ đó giúp cho việc chỉnh, sửa chiêng khi âm bị lệch.

Nghệ nhân A Pheh, quê ở làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum cũng là người được treo ảnh trong bảo tàng. Trong ngôi nhà của nghệ nhân A Pheh có một không gian để đặt 30 chiếc chiêng. Để tiếng chiêng sau này vang lên mãi mãi ở buôn làng, trở thành linh hồn trong đời sống của đồng bào, ông đã mở 3 lớp đánh chiêng, mỗi lớp 15 người, bao gồm lớp người lớn tuổi, thanh niên và thanh nữ.

Bảo tàng Kon Tum không chỉ vinh danh các nghệ nhân cồng chiêng ở địa phương, mà còn giới thiệu cồng chiêng và nghệ nhân ở các tỉnh lân cận. Bộ cồng chiêng của ông Phạm Văn Xa, dân tộc H’rê, ở tỉnh Quảng Ngãi cũng được trưng bày và giới thiệu. Chiêng của người H’rê có âm thanh khác với người Tây Nguyên, bởi mặt chiêng tương đối bằng phẳng, không có phần lồi lõm. Theo quan niệm của người Hrê, chiêng là vật thiêng, vì vậy, người đánh chiêng trong lễ hội phải là người tốt, làm ăn thuận lợi, không bị đau ốm... để tiếng chiêng mang điều lành đến với bản làng.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO