Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 09/07/2024 03:51 GMT+7

Bất cập trong tạo nguồn giáo viên

Biên phòng - Kỳ tuyển sinh đại học năm 2023 đã kết thúc và được xã hội nhìn nhận đã khắc phục phần nào những hạn chế của công tác tuyển sinh ở các năm trước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh phần nào giúp các trường hạn chế lượng sinh viên ảo và tính minh bạch đã được cải thiện.

Khả năng sẽ có rất nhiều giáo viên giỏi trong 4 năm tới cho ngành giáo dục. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh đại học năm nay vẫn còn những vấn đề rất đáng quan ngại. Đó là việc một số trường nhanh tay tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ từ sớm, dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của những thí sinh có kết quả học lực tốt nhưng “chậm chân” hơn do dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, có quá nhiều phương thức xét tuyển sẽ gây mất công bằng cho thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, đa phần chỉ kỳ vọng vào xét tuyển theo điểm thi THPT vì không có điều kiện tham gia các kỳ thi năng lực, tư duy, IELTS...

Mặt khác, những trường, những ngành học thuộc “top dưới” lâm vào tình trạng thiếu đầu vào chất lượng cao. Dẫn đến nghịch lý: Trong khi nguồn “cung” của một số ngành học thừa và khó kiểm soát, thì nhiều ngành phải làm mọi cách để tuyển sinh được càng nhiều càng tốt, thậm chí tuyển sinh kiểu “vơ bèo vạt tép”, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao của quốc gia.

Từ năm 2018, Bộ GD-ĐT giữ quyền quyết định điểm sàn ngành sư phạm nhằm chấm dứt tình trạng điểm đầu vào ngành sư phạm chạm đáy. Cùng đó, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (gọi tắt là Nghị định 116) áp dụng từ tuyển sinh năm học 2021-2022 trở thành đòn bẩy để ngành sư phạm thu hút nhiều người giỏi, phục vụ các mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.

Tuy nhiên, các giải pháp này chưa thể giúp ngành sư phạm thoát khỏi nghịch lý thừa - thiếu cục bộ. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, các địa phương phải tuyển bổ sung 27.850 biên chế giáo viên trong năm học 2022-2023, nhưng mới tuyển được 15.540 người. Số giáo viên các địa phương chưa tuyển được trong năm học này là hơn 12.300 người.

Năm học này, một tin vui khi điểm sàn ngành sư phạm từ 23 đến 23,5 điểm, ngang bằng với điểm sàn của ngành y khoa. Điều này đồng nghĩa với khả năng sẽ có rất nhiều giáo viên giỏi trong 4 năm tới cho ngành giáo dục.

Nhưng trước kỳ thi tuyển sinh, chỉ tiêu vào các ngành sư phạm của nhiều trường đại học, cao đẳng lại giảm so dự kiến, có ngành không được tuyển sinh, dù cả nước thiếu hàng chục ngàn giáo viên. Đơn cử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển hơn 3.000 sinh viên khối ngành đào tạo giáo viên song được Bộ GD-ĐT giao khoảng 2.400; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 giảm 1.750 chỉ tiêu so với dự kiến.Thậm chí, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) đề nghị thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sang các cơ sở giáo dục đại học khác do chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2023 theo Nghị định 116.

Nguyên nhân được nhiều trường đưa ra là do những vướng mắc ở Nghị định 116. Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu cho các trường dựa trên việc đặt hàng đào tạo giáo viên của các địa phương, song lại có tình trạng nhiều địa phương dù thiếu giáo viên vẫn không đặt hàng với bộ.

Sinh viên sư phạm do địa phương đặt hàng đào tạo sẽ được hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt (3,63 triệu đồng/người/tháng), sau khi tốt nghiệp phải công tác trong ngành giáo dục, nếu không thì phải bồi hoàn kinh phí. Do chưa có cơ chế ràng buộc giữa các sinh viên với địa phương chi tiền hỗ trợ, nên xảy ra tình trạng địa phương bỏ tiền ra cho đi học nhưng nhiều sinh viên không về phục vụ ngành giáo dục địa phương mà đến các thành phố lớn làm việc, khiến khu vực miền núi, vùng khó khăn không có nguồn tuyển.

Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần sớm điều chỉnh Nghị định 116 cho phù hợp với thực tế. Các địa phương cần mạnh dạn đặt hàng và có chính sách đãi ngộ tốt để thực sự thu hút sinh viên sư phạm về công tác. Nếu mức lương đảm bảo chất lượng cuộc sống thì chắc hẳn sẽ không còn tái diễn tình trạng sinh viên sư phạm bỏ ngành hoặc sang các địa phương khác để làm việc.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO