Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 07:48 GMT+7

BĐBP khẳng định, phát huy vai trò chủ trì, phối hợp với các lực lượng duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu trong tình hình mới

Biên phòng - Trải qua 64 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân vũ trang trước đây, nay là BĐBP luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) ở khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đồng Tháp tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Văn Hiếu

Việc Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để BĐBP thực thi nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho BĐBP và các lực lượng khác trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Theo Khoản 2, Điều 13 của Luật Biên phòng Việt Nam về “Vị trí, chức năng của BĐBP”, quy định: “BĐBP có chức năng... chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Triển khai thực hiện chức năng trên, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết thi hành (Nghị định số 106/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ; Thông tư số 02/2022/TT-BQP ngày 07/01/2022 của Bộ Quốc phòng...). Kết quả triển khai ở thực tiễn thời gian qua cho thấy, các đơn vị BĐBP đã tích cực, chủ động tham mưu cho các Tỉnh ủy, Thành ủy; UBND tỉnh, thành phố và các cơ quan hữu quan triển khai thực thi có hiệu quả các nhiệm vụ Biên phòng theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản quy định chi tiết.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, BĐBP đã chủ trì, phối hợp bắt giữ, xử lý: 386 vụ/555 đối tượng phạm tội về ma túy (chủ trì 267 vụ/360 đối tượng, phối hợp 119 vụ/360 đối tượng); 509 vụ/533 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại (chủ trì 443 vụ/446 đối tượng, phối hợp 66 vụ/87 đối tượng); 21 vụ/31 đối tượng mua bán người; 729 vụ/3.425 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép...; thu giữ gần 350kg ma túy các loại; tạm giữ hàng hóa trị giá khoảng 55,545 tỷ đồng; giải cứu, tiếp nhập 36 nạn nhân...

Thời gian tới, các thế lực thù địch, phản động và một số nước có tham vọng về lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo vẫn tiếp tục chống phá ta về mọi mặt; kinh tế - xã hội ở KVBG còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông và việc quản lý, bảo vệ vùng biển phía Tây Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; chủ quyền biên giới, an ninh hàng hải, an ninh hàng không và phát triển kinh tế biển của Việt Nam có nguy cơ bị đe dọa.

Nhận diện những tồn tại, hạn chế gắn với bối cảnh tình hình trên; để phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; chủ trì, phối hợp với các lực lượng duy trì an ninh, trật tự ở KVBG, cửa khẩu, các đơn vị BĐBP cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về chức năng chủ trì, phối hợp với các lực lượng duy trì an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu của BĐBP. Cụ thể: việc “chủ trì” được thực hiện đối với các sự kiện, vụ án, vụ việc xảy ra ở địa bàn được phân công phụ trách thuộc thẩm quyền của BĐBP; việc “phối hợp” được thực hiện đối với các sự kiện, vụ án, vụ việc xảy ra ở địa bàn được phân công phụ trách nhưng không thuộc thẩm quyền của BĐBP hoặc theo chỉ đạo của cấp trên, đề nghị của các chủ thể khác...

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Đoàn Thanh niên địa phương tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam cho ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Minh Nhân

Hai là, phát huy vai trò của BĐBP trong giải quyết, xử lý các vụ việc xảy ra ở KVBG, cửa khẩu. Khi xảy ra các vụ việc ở KVBG, cửa khẩu thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP phải chủ động xử lý, giải quyết kịp thời, chặt chẽ, bảo đảm các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ và đối ngoại; tổ chức lực lượng thực hiện hết thẩm quyền, trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Không để tình trạng khi xảy ra các sự kiện, vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu thuộc địa bàn đơn vị được phân công quản lý mà bị động, không nắm, báo cáo cấp trên kịp thời hoặc không phối hợp với các chủ thể khác xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn khi được yêu cầu phối hợp.

Ba là, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong duy trì an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết và các văn bản pháp luật có liên quan khẳng định việc BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng duy trì an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu.

Bốn là, chủ động, tích cực tham gia góp ý kiến có hiệu quả vào các văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm nội bộ, các văn bản khác có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP do các bộ, ngành, địa phương chủ trì soạn thảo. Việc làm này góp phần quan trọng nâng cao tính hiệu quả trong triển khai, thi hành Luật Biên phòng Việt Nam ở các đơn vị cơ sở.

Khi tiếp nhận các văn bản đề nghị đóng góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm nội bộ, nhất là các văn bản có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP do các bộ, ngành, địa phương chủ trì soạn thảo và chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, Thành ủy; UBND tỉnh, thành phố ban hành; các đơn vị BĐBP cần chủ động phân công những đồng chí có năng lực, trình độ, kinh nghiệm hiểu biết lĩnh vực tham gia đóng góp ý kiến.

Các ý kiến tham gia cần được thống nhất trong cấp ủy, chỉ huy; nếu có nội dung không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP theo quy định của pháp luật, các đơn vị BĐBP cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương hoặc trao đổi, đề nghị với các lực lượng có liên quan thực hiện đúng quy định của Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đồng thời, báo cáo cấp trên để nắm và chỉ đạo thực hiện.

Tiến sĩ Trần Văn Hiếu

Bình luận

ZALO