Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:34 GMT+7

BĐBP luôn giữ vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Biên phòng - Trong Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc 20-10-2020, dự kiến sẽ thông qua Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Để nhân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của BĐBP quy định trong Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XIV về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc tham gia thảo luận về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quốc hội

- Dự kiến trong Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, đồng chí đánh giá thế nào về Dự án Luật này, đặc biệt là quan điểm “xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách”?

- Xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Đồng thời, thể chế cụ thể quan điểm “xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách” được khẳng định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”.

Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy dân làm gốc, dựa vào dân, gắn kết dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; sức mạnh về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với nền an ninh nhân dân; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm nền tảng củng cố, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân ổn định trong thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, liên hoàn, có chiều sâu, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia. Để phát huy vai trò nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, theo đó, Luật Biên phòng Việt Nam quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.

- Trải qua hơn 61 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng trong nước và lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng duy trì luật pháp về biên giới quốc gia, các điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu; đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò chủ trì duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới của BĐBP, ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

- Việc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cấp ủy chính quyền địa phương khu vực biên giới giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới là hết sức cần thiết để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Tại khoản 2, Điều 12, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định BĐBP có chức năng “chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Theo tôi, cũng có cơ sở để nghiên cứu đưa vào dự thảo.

Thứ nhất, các Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết số 11-NQ/TW; Thông báo số 165-TB/TW; Nghị quyết số 33-NQ/TW) và văn bản pháp luật hiện hành (Luật Biên giới quốc gia; Luật An ninh quốc gia; Luật Quốc phòng; Pháp lệnh BĐBP) đều xác định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các cơ quan và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Theo tôi được biết, hiện nay có 10 văn bản dưới luật (9 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ), đặc biệt Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm “Chỉ đạo BĐBP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an tham mưu cho Bộ Quốc phòng đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, biển, đảo”; đồng thời quy định các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an có trách nhiệm “Phối hợp với BĐBP nắm tình hình... và đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới đất liền, biên giới biển và hải đảo theo quy định của pháp luật”. Đây cũng là cơ sở thực tiễn cần được tổng kết và phát huy hiệu quả tốt hơn trong giai đoạn tới.

Thứ hai, trải qua hơn 61 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, BĐBP luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; tình hình an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển luôn giữ vững và ổn định, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, chính quyền và nhân dân ghi nhận.

Bên cạnh đó, BĐBP luôn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu và đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về an ninh quốc gia, ma túy, mua bán người... góp phần quan trọng ổn định tình hình ở khu vực biên giới, vùng biển, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thứ ba, quá trình xây dựng Luật cần quán triệt và thể chế nguyên tắc “Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, cơ quan phối hợp để làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới.

- Cũng trong Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam có quy định: “BĐBP có quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. Theo đồng chí quy định này có chồng chéo với quyền hạn của các lực lượng khác không?

- Tại khoản 3, Điều 14, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định: “BĐBP có quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” là không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng khác, bởi vì:

Theo tôi, trước hết, phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về kiểm soát xuất nhập cảnh là gì? Đó là hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm chứng người và giấy tờ xuất nhập cảnh của đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người ra hoặc vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. Công tác quản lý kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu là một hình thức bảo vệ Tổ quốc, gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập.

Qua nghiên cứu, tôi thấy các văn bản hiện hành (Nghị quyết số 11-NQ/TW; Thông báo số 165-TB/TW; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng...) đều quy định BĐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện thủ tục biên phòng và kiểm tra phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để bảo đảm an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đồng thời, hiện có 7 văn bản dưới luật (5 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) đều quy định: “BĐBP có nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển” và 1 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam - Lào quy định: “BĐBP chủ trì phối hợp với các cơ quan... tại cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát, giám sát xuất cảnh, nhập cảnh đối với người, phương tiện; phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập”.

Thực tiễn cũng cho thấy BĐBP đang trực tiếp kiểm soát xuất, nhập cảnh tại 117 cửa khẩu biên giới đất liền, 37 cửa khẩu cảng. BĐBP luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại cửa khẩu như: Hải quan, Kiểm dịch, Cảng vụ... Qua đó, so sánh nhiệm vụ, quyền hạn về mục đích kiểm tra, kiểm soát giữa BĐBP với Hải quan là không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động. Có thể nhận thấy Hải quan kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, phương tiện vận tải về thủ tục theo tờ khai hải quan, còn BĐBP kiểm tra, kiểm soát đảm bảo về mặt an ninh đối với hàng hóa, phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Vấn đề cần quan tâm trong việc luật hóa thẩm quyền của BĐBP đối với “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu” chỉ là phương thức bảo đảm để thực hiện chức năng tố tụng, đó là phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; đồng thời, quy định như dự thảo Luật là quy định pháp lý để xử lý hành vi buôn lậu hoặc vận chuyển vũ khí, ma túy... qua biên giới. Xét về góc độ khác, tôi nhận thấy việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật không đồng nghĩa với việc thu thuế ở cửa khẩu, mà việc thu thuế ở cửa khẩu vẫn do lực lượng Hải quan thực hiện.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hương Mai (Thực hiện)

Bình luận

ZALO