Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 07:23 GMT+7

Bến Tre sử dụng “đòn bẩy” kinh tế biển

Biên phòng - Nhìn vào bản đồ hành chính, tỉnh Bến Tre giống như “đảo” ở đất liền, bởi nhiều nhánh sông thuộc dòng Mekong bao bọc, tạo nên 4 cửa biển lớn. Tỉnh đẩy mạnh chương trình hướng Đông, sử dụng “đòn bẩy” kinh tế biển để tăng tốc phát triển. Phóng viên Báo Biên phòng có cuộc phỏng vấn ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.

Ông Tam cho biết: Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã xác định định hướng phát triển của Bến Tre là hướng Đông. Đây được xem là tư duy mang tính đột phá, dựa trên sự kế thừa những giá trị to lớn trong lịch sử. Đồng thời, nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của 3 huyện duyên hải: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.

Ông Trần Ngọc Tam. Ảnh: Hải Luận

Lấy điện gió làm hạt nhân phát triển kinh tế

- Vùng biển ven bờ tỉnh Bến Tre là bãi bồi kéo ra rất xa, vậy, chương trình hướng Đông phát triển những gì, thưa ông?

- Trước đây, gần như cả vùng biển ven bờ không làm được gì cả, người dân chỉ thả lưới bắt cá, kiếm cơm gạo đắp đổi qua ngày. Bây giờ, tỉnh chủ trương phát triển điện gió, đang triển khai 19 dự án, tổng công suất lắp đặt 270 MW. Trong đó, có 4 dự án điện gió đã phát điện hòa vào lưới điện quốc gia gần 100 MW. Hiện nay, mới chỉ làm điện gió từ bờ trở ra khoảng 5 hải lý. Theo các chuyên gia tính toán, ở Bến Tre có thể làm được điện ra khơi xa 30 hải lý, tiềm năng điện gió ở vùng biển Bến Tre rất lớn. Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lấy điện gió làm hạt nhân phát triển kinh tế biển.

Bến Tre đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất hydro xanh, công nghệ sản xuất của Đức. Tổng diện tích 22,7ha, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng. Về sản phẩm, giai đoạn 1, nhà máy sản xuất 24.000 tấn hydro/năm, 150.000 tấn ammonia/năm, 195.000 tấn khí oxy/năm. Giai đoạn 2, nhà máy sản xuất 60.000 tấn hydro/năm, 375.000 tấn ammonia/năm, 490.000 tấn khi oxy/năm. Khi nhà máy hydro xanh đi vào hoạt động, tỉnh sẽ lấy một phần sản lượng điện gió ở ngoài biển cấp cho nhà máy, không bán hết cho công ty điện lực, tạo ra giá thành những sản phẩm rẻ hơn, cạnh tranh tốt ở thị trường thế giới.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho tỉnh Bến Tre xây dựng cảng loại 2. Quy mô gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, đón được tàu tải trọng 5.000 tấn.

- Nếu chỉ điện gió thôi, thì chưa tương xứng với chương trình lớn hướng Đông của tỉnh. Quan điểm của ông như thế nào?

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã tạo ra bước chuyển mới. Tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của địa phương được phát huy, tài nguyên biển được khai thác, sử dụng hiệu quả.

Phát triển Bến Tre về hướng Đông cũng là để khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, kết nối giao thông thông suốt với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh trong vùng. Mở rộng không gian phát triển nhằm tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh đầu tư, phát triển các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, cảng biển - logistics; công nghiệp chế biến - chế tạo; phát triển các khu, cụm công nghiệp ven biển; hình thành các khu đô thị, dân cư ven biển; sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp, phát triển hơn 4.000ha nuôi tôm biển công nghệ cao; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương...

Bến Tre đứng đầu cả nước về sản xuất giống cây ăn trái, đã cung cấp nhiều tỉnh, thành. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất giống sầu riêng ở huyện Chợ Lách. Ảnh: Hải Luận

Tuyến đường vượt qua 4 cửa sông lớn

- Ông mới nói đến phát triển các khu, cụm công nghiệp vùng ven biển. Bến Tre có 4 cửa sông lớn và nhiều sông nhỏ chia cắt, cách trở, khó phát triển hệ thống giao thông liên hoàn để phục vụ kinh tế - xã hội của tỉnh. Vậy, tỉnh sẽ giải quyết vấn đề này ra sao, thưa ông?

- Tỉnh đang tập trung triển khai đầu tư, hoàn chỉnh các công trình: Đê bao ngăn mặn nối liền 3 huyện ven biển. Gấp rút hoàn thành cầu Rạch Miễu 2 và làm đường dẫn vào cầu Rạch Miễu 2. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tuyến đường bộ ven biển, kết nối giao thông từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Riêng tỉnh Bến Tre phải vượt qua 4 cửa sông lớn, chi phí sẽ rất cao.

Có đường ven biển, phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp, gắn với cảng, mở ra hướng phát triển du lịch, dịch vụ vùng biển và vùng miệt vườn sâu phía trong, tạo nên cung đường du lịch tuyệt vời ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước ta về liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long.

- Bến Tre thường xuyên bị nước mặn “tấn công” vào sâu các vùng chuyên sản xuất, nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa, trái cây. Công tác ứng phó và giảm tác động của biến đổi khí hậu như thế nào thưa ông?

- Tỉnh Bến Tre có lợi thế bờ biển dài 65km, người dân, doanh nghiệp nỗ lực phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Diện tích nuôi tôm ven biển có 41.200ha, trong đó, nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh, tôm công nghệ cao là 11.030ha. Tổng sản lượng trên 70.000 tấn/năm.

Những năm qua, được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre ngăn mặn, trữ nước ngọt. Thực hiện tuyến đê bao ven sông Hàm Luông từ cống Cái Mít đến cống Cầu Kinh thuộc huyện Giồng Trôm. Đồng thời, xây dựng hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre, sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 11 cống. Tỉnh đưa vào canh tác những loại giống cây trồng chịu hạn mặn, các mô hình canh tác phù hợp với điều kiện nguồn nước từng vùng, từng năm, kết hợp giữa trồng lúa và nuôi tôm. Trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước ngọt, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Vay tiền quốc tế làm nông nghiệp

Theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Bến Tre được thực hiện giai đoạn từ năm 2022-2026, tại 8 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và thành phố Bến Tre. Tổng vốn đầu tư là 27 triệu USD (tương đương 621 tỷ đồng), trong đó, vốn vay Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) là 17 triệu USD (tương đương 391 tỷ đồng), vốn viện trợ không hoàn lại là 4,5 triệu USD (tương đương 103,5 tỷ đồng) và vốn đối ứng là 126,5 tỷ đồng (tương đương 5,5 triệu USD).

Hải Luận (Thực hiện)

Bình luận

ZALO