Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 10:09 GMT+7

Biên cương và trang sách

Biên phòng - Nơi vùng sâu biên giới, khi mà điều kiện vật chất, tinh thần, phương tiện đi lại còn gặp nhiều khó khăn, cùng với nhiều điểm tương đồng trong nghề nghiệp, tính cách, quan điểm về cuộc đời, về lối sống giản dị và đặc biệt là môi trường công tác nên dường như đã truyền thống, những người lính Biên phòng luôn gắn bó máu thịt với các thầy cô giáo cắm bản.

Ảnh: minh họa

Những người lính Biên phòng luôn sát cánh cùng các thầy, cô giáo trong việc dựng trường, cắm lớp. Trường hợp học sinh nào đó vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chật vật hay nhận thức của phụ huynh còn lạc hậu, các em phải bỏ học giữa chừng. Chính những người lính Biên phòng đã cùng các thầy, cô giáo đến từng nhà vận động, quyên góp tập sách, đỡ đần chén cơm, tấm áo để các em tiếp tục vui bước chân đến lớp. Hay khi vì điều kiện về thủ tục pháp lý không đảm bảo hoặc muôn vàn lý do nào khác, các em không đủ điều kiện nhập học trường chính quy thì chính những người lính Biên phòng đã mở những lớp học tình thương trao truyền con chữ. Và khi ấy, các thầy, cô giáo lại hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ BĐBP về kiến thức sư phạm, đồ dùng học tập để các thầy giáo "quân hàm xanh" đứng lớp.

Khi họ hỗ trợ, gắn bó bên nhau trong công tác chung, giữa khó khăn, vất vả, không ít những người lính Biên phòng và các cô giáo trẻ đã nảy sinh tình cảm. Và dẫu cách xa nhau hay rất nhiều thử thách, tình yêu của họ luôn đong đầy hạnh phúc. Theo thống kê sơ bộ, trong BĐBP Long An hiện nay, có khoảng 30% số cán bộ Biên phòng đã lập gia đình, có vợ là cô giáo. Và trong vô vàn câu chuyện tình đẹp như bản tình ca giữa người lính quân hàm xanh cùng cô giáo cắm bản thì câu chuyện tình của cô giáo trẻ Lê Thị Mỹ Phúc và chàng Thiếu úy Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây năm nào như một giai thoại đẹp về hành trình vượt khó.

Ngược trở lại chừng gần chục năm trước, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Long An, hệ trung cấp 12+2, cô giáo trẻ Mỹ Phúc, quê ở huyện Châu Thành được điều về Trường Tiểu học Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa nhận công tác. Ngôi trường lợp mái ngói cũ mèm xập xệ, giữa vùng đất giáp biên ngập phèn, chỉ có những cây tràm bông vàng sống nổi. Phòng ở tập thể của hai cô giáo trẻ được dựng lên bằng những cây rừng tự nhiên và mái lợp bằng cây cỏ bàng. Không điện, không đường, không nước sạch, phương tiện đi lại chỉ là chiếc xuồng ba lá, nếu các cô muốn đến nhà học trò, ra chợ Đoàn 4 hay đến trung tâm xã. Một đêm, khi những tiếng gió gào rít bên vách lá, một trong hai cô phát hiện bóng người lù lù đang lục lạo trong góc bếp. Hai chị em chỉ còn biết ôm chặt lấy nhau trong hoảng sợ. Tên trộm rồi cũng lặng lẽ bỏ đi, bởi chẳng có gì để lấy.

Chính trong những lần đi công tác địa bàn và phối hợp thực hiện nhiệm vụ, chàng Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây đã thầm thương trộm nhớ cô giáo trẻ Mỹ Phúc, song khi ấy, cô giáo Phúc còn đang ấp ủ giấc mơ được đi học lên đại học, chưa màng gì đến chuyện yêu đương. Nhưng rồi trong một lần tổ văn nghệ của đồn và nhà trường đi biểu diễn ở xã Bình Hòa Hưng, nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đang giữa mùa nước nổi, đỉnh lũ năm 2000, cánh đồng Mỏ Vẹt ngập tràn trong mênh mông biển nước. Chiếc xuồng ba lá của các cô giáo va vào khúc cây ngầm, lật nhào. Cô giáo Phúc lại không biết bơi, chới với. Đúng lúc ấy, chàng Thiếu úy trẻ đã nhảy ào xuống dòng sông, dang rộng đôi cánh tay dìu cô lên bờ. Để rồi từ ấy, tình yêu giữa hai người chớm nở...

Năm 2001, được sự cho phép của chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương, một đám hỏi nho nhỏ có sự chứng kiến của bạn bè, đồng đội và các thầy, cô giáo diễn ra ấm áp. Không lâu sau, hai người chính thức thành vợ, thành chồng.

Gần 10 năm tiếp theo đó, trong căn chòi dựng tạm dưới chân cầu Ma Ren, cô giáo Phúc ban ngày miệt mài bên các em học trò thương yêu, đêm đêm lại một mình vò võ chăm đứa con thơ, thấp thỏm chờ chồng, may mắn được đi công tác, tạt ngang qua nhà. Có nhiều khi, 9-10 giờ khuya, đợi cho thằng cu Bun, mới vừa chập chững biết đi, chìm vào giấc ngủ, và con nước ròng đã rút, chị Phúc mới dám dò dẫm ra sông giặt giũ quần áo. Thậm chí nhiều đêm, người vợ trẻ một mình ôm con trong sợ hãi, chẳng thể nào ngủ được, khi có ánh đèn soi đêm loang loáng bên hiên nhà. Cũng chính trong thời gian này, cả anh và chị đều cố gắng vươn lên trong công tác và học tập. Anh Thiếu úy ngày nào nay đã tốt nghiệp lớp chuyển cấp Đại học Biên phòng, còn chị Phúc cũng học liên thông lên đại học ngành sư phạm.

Sau hơn 15 năm công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, cuối năm 2010, cô giáo Lê Thị Mỹ Phúc đã được tổ chức luân chuyển về thành phố Tân An công tác hợp thức hóa gia đình, chăm sóc bố mẹ chồng đã già yếu. Từ đây, chị tiếp tục học lên cao học rồi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và được bổ nhiệm làm Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc thành phố Tân An. Anh cũng được tổ chức phân công giữ nhiều cương vị quan trọng.

Khi tôi ngồi nghe anh chị kể về quãng thời gian nửa cuộc đời vượt qua khó khăn, vất vả, lòng chợt bùi ngùi xúc động. Và tôi chợt nghĩ, mối tình của anh và chị là minh chứng rõ nét nhất cho sự gắn bó son sắt thủy chung giữa những người lính bảo vệ biên cương và những người “đưa đò” qua trang sách...

Nguyễn Hội

Bình luận

ZALO