Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 01:24 GMT+7

Biển Đông dưới thời Vua Minh Mạng

Biên phòng - Minh Mạng là vị Hoàng đế có công mở rộng lãnh thổ của nước ta (bấy giờ có tên là Đại Nam). Ông ở ngôi 21 năm (1820-1840). Về cơ bản, biên giới được xác lập gần trùng với hiện nay. Biển Đông khi đó cũng có đường bờ biển gần như hiện tại. Ông có nhiều cuộc cải cách kinh tế, xã hội giúp cho Đại Nam bấy giờ là một cường quốc trong vùng, cũng là đất nước có đội thủy binh, thuyền chiến và thuyền buôn hùng mạnh, kiểm soát hoàn toàn Biển Đông và giao thương với nhiều vùng biển nước ngoài.

Lăng Minh Mạng. Ảnh: Trịnh Sinh

Ông cho lập đồn ải ở những nơi hiểm yếu trong nước, còn ngoài biển thì lập pháo đài (các đồn Biên phòng ven biển. Một trong những đồn Biên phòng này là Điện Hải ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2017). Ông rất chú trọng đến thủy quân, các vùng hải đảo đều được đánh mốc giúp cho sự lưu thông dễ dàng. Thủy binh có 15 vệ, được chia làm 3 doanh, do quan Đô thống cai quản; mỗi doanh được quan Chưởng vệ cai quản.

Một đội thuyền chiến trong giai đoạn này có khoảng 800 chiếc, chưa kể các thuyền vận tải. Có thuyền chiến được thiết kế theo mẫu chiến thuyền châu Âu, mỗi chiếc được trang bị 36 khẩu pháo. Có 200 pháo thuyền trang bị từ 16 đến 22 khẩu pháo. 100 chiếc đại chiến thuyền với 50-70 mái chèo trang bị pháo và cự thách pháo. Còn lại khoảng 500 chiến thuyền với 40 mái chèo và trang bị một khẩu pháo thần công. Thủy quân được tổ chức theo “Doanh” như bộ binh. Dưới đó có một số “Vệ” (Cơ), dưới nữa là các “Đội” thuyền.

Hoàng đế Minh Mạng đã cho đóng nhiều loại tàu thuyền đi dọc biển và cả xuyên đại dương. Những chiếc thuyền hiện đại nhất mà triều Nguyễn có, được tuyển chọn để khắc trên 7 chiếc Cửu Đỉnh. Đó là: Thuyền lớn nhất là Đa Sách Thuyền, vì thuyền có nhiều cánh buồm và cột buồm. Có thể gọi Đa Sách Thuyền là tàu biển cũng được. Thuyền loại này dùng đi biển, sông lớn và vượt cả đại dương, đi được xa lâu ngày.

Thuyền lớn được khắc trên Cửu Đỉnh: Đa Sách Thuyền. Ảnh: Trịnh Sinh

Lâu Thuyền là thuyền khá to, có lầu lớn trên thuyền, đẹp. Lâu thuyền dùng cho Hoàng đế và Hoàng tộc đi trên sông Hương hay đi ven biển để thăm thú và duyệt binh.

Ô Thuyền là loại thuyền chuyên đi biển, sơn màu đen cả thân và cánh buồm, thuyền có 12 tay chèo. Với khả năng di động nhanh, thuyền được trang bị cho hải quân tuần tiễu vùng ven biển.

Mông Đồng Thuyền là thuyền có nhiều tay chèo, đây là phương tiện thủy chiến lợi hại trang bị cho hải quân để đi sông lớn và ven biển.

Hải Đạo Thuyền là loại thuyền chuyên chiến đấu trên biển, được sản xuất khá nhiều do kích thước gọn, nhẹ khả năng cơ động, linh hoạt cao trong các trận hải chiến.

Ngoài 5 loại thuyền trên, còn có Đỉnh Thuyền chuyên dành cho các lễ hội và Lê Thuyền là thuyền dành cho việc hộ giá Hoàng đế mỗi khi đi trên sông biển.

Hoàng đế Minh Mạng khẳng định chủ quyền của nước ta ở các quần đảo bằng cách sai các đội Thủy quân và Vệ giám thành đi vẽ bản đồ Hoàng Sa. Đại Nam thực lục còn ghi: Vào năm 1834, vua sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ.

Không chỉ sai người đi vẽ bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa, Hoàng đế Minh Mạng còn cho vẽ các đảo và bờ biển khá chi tiết nằm trong tấm bản đồ toàn quốc có tên là “Đại Nam nhất thống toàn đồ”.

Qua kho châu bản thời Minh Mạng, chúng ta biết được đích thân Hoàng đế Minh Mạng đã chỉ đạo trực tiếp các chuyến đi Hoàng Sa, Trường Sa. Chuyến đi có mục đích rõ ràng: kiểm tra, kiểm soát, khai thác hải sản, hóa vật, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, dựng miếu thờ, dựng bia chủ quyền, trồng cây để thuyền bè qua lại dễ nhận biết... Sau mỗi chuyến đi, thuyền lại chạy thẳng ra Huế để báo cáo tình hình và nộp sản vật. Thư tịch chép lại các cuộc cứu hộ tàu nước ngoài ở vùng quần đảo Hoàng Sa, như vào năm 1830, cứu người trong tàu St. Michel bị đắm; năm 1936, thuyền buôn nước Anh bị mắc cạn và đắm, cứu được 90 người... Dưới thời Minh Mạng, có khoảng 10 con tàu đắm của Trung Quốc, Anh, Pháp, Thái Lan... được cứu hộ. Nhà Nguyễn đã cấp tiền, gạo và cử người đưa tiễn họ về nước.

Trước làn sóng phương Tây dồn dập đổ đến phương Đông, Hoàng đế Gia Long và Hoàng đế Minh Mạng có ý thức về tầm quan trọng của Biển Đông, coi đấy là một cánh cửa mở rộng với bên ngoài. Nhà Nguyễn đẩy mạnh đóng tàu và hoạt động mậu dịch hàng hải của triều đình. Hoàng đế Minh Mạng đã ban bố quy chế “tuần dương chương trình”, “tuần thuyền quy thức”, “tuần dương xử phận lệ”... nhằm mục đích chống cướp biển, phòng thủ biển, giữ gìn an ninh cho tàu thuyền hoạt động ở Biển Đông.

Thời Minh Mạng là thời đỉnh cao của hoạt động biển của nhà Nguyễn. Ông quan tâm đặc biệt đến việc đóng tàu biển và kỹ thuật hàng hải. Ông đã ra chỉ dụ “việc lớn của thủy quân là tàu thuyền, trong đó việc chỉ hướng, trắc thủy và đo giờ là những nhân tố đặc biệt quan trọng cho việc hàng hải”.

Nhân đỉnh, mang Thụy hiệu của Hoàng đế Minh Mạng được bày ở Hoàng thành, Huế. Ảnh: Trịnh Sinh

Các chiến thuyền nhà Nguyễn còn vượt biển đi đến các đại dương xa xôi, thuyền lớn đã chở các vị quan chức đi giao lưu, học hỏi, giao thương với các nước khác. Thống kê cho thấy, trong thời gian từ năm 1778 đến năm 1847 (tức từ thời các chúa Nguyễn đến thời Minh Mạng) có nhiều chuyến xuất ngoại đi xa của thuyền nước ta: 11 chuyến đi Batavia, 2 chuyến đi Semarang, 6 chuyến đi Singapore, 2 chuyến đi Penang, 1 chuyến đi Malacca, 1 chuyến đi Johore, 2 chuyến đi Luzon. Đặc biệt có 2 chuyến đi Tiểu Tây Dương (tức vùng biển Ấn Độ Dương). Đó là chuyến đi đến trấn Minh Ca thuộc nước Hồng Mao, khi đó là thuộc địa của nước Anh (tức thành phố Calcutta, thủ phủ của bang Tây Bengal của Ấn Độ). Vậy là những chiến thuyền lớn của nhà Nguyễn đã vượt biển khơi đến được các nước Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines và Ấn Độ. Đủ biết hải quân nước ta thời Nguyễn đã tung hoành khắp nơi ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Ngoài một số tàu thuyền được đóng bằng gỗ tốt, ông còn cho đóng các tàu bọc đồng để đi biển dài ngày và chắc chắn như các tàu: Phấn Bằng, Thụy Long, Định Dương, Bình Ba...

Hoàng đế Minh Mạng cũng là người sớm nhận thấy vai trò của 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để cử các đội thủy binh đi tuần tiễu, cắm mốc chủ quyền. Vì thế mà biển đảo thời Minh Mạng không bị xâm phạm, các chiến thuyền và thủy quân thực sự đáng gờm dưới mắt của các nước phương Tây.

Lần nào đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), tôi cũng đến thắp hương cho những “ngôi mộ gió” là những ngôi mộ tượng trưng, không có hài cốt. Chủ nhân của những mộ này đã nằm dưới đáy Biển Đông, họ là những chiến binh đi bảo vệ chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa theo lệnh của vị Hoàng đế Minh Mạng, nhờ thế mà Biển Đông còn, đất nước này còn mãi...

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh

Bình luận

ZALO