Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 04:56 GMT+7

Biên giới Tây Ninh, Bình Phước luôn trong trái tim tôi

Biên phòng - Đã gần 50 năm kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Thầy thuốc Ưu tú (TTƯT), Dược sĩ Chuyên khoa II Trần Tựu, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dược Việt Nam mới có dịp quay lại vùng đất Lò Gò - Xa Mát - Lộc Ninh năm xưa ông đã cống hiển tuổi thanh xuân cho cách mạng. Nơi đây, từ năm 1971, chàng dược sĩ trẻ Trần Tựu sinh trưởng tại miền quê Hà Nam, sau khi tốt nghiệp Dược sĩ cao cấp đã viết đơn tình nguyện đi B, dù gia đình đã có anh trai đang chiến đấu trong chiến trường. Sau hai tháng ròng rã vượt Trường Sơn vào tuyến lửa, ông đã có mặt tại chiến khu R, lập tức triển khai công tác và chiến đấu, đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ và nhân dân vùng kháng chiến.

TTƯT, Dược sĩ Chuyên khoa II Trần Tựu trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát về những ngày công tác, chiến đấu tại vùng giải phóng Lộc Ninh - Xa Mát. Ảnh: Tuệ Lâm

Trên đường ra cửa khẩu quốc tế Xa Mát (Tây Ninh), TTƯT Trần Tựu ngỡ ngàng trước sự phát triển vượt bậc của một vùng biên khu giàu truyền thống cách mạng. Bởi trong ký ức của ông, 50 năm trước đây, những con đường thẳng tắp chỉ là lối mòn sỏi đá, những khu nhà khang trang vốn là rừng, là xóm ấp đơn sơ. Đứng trước cửa khẩu quốc tế Xa Mát, ông vẫn nhớ trước đây, nơi này chỉ có một ống lồ ô làm thành barie chắn ngang, báo hiệu biên giới. Mỗi khi địch ruồng bố, tấn công chiến khu, các cơ quan dân chính lại sơ tán sang biên kia biên giới Campuchia, song, cho dù hoàn cảnh ác liệt như thế nào, bản thân ông cùng nhiều cán bộ, nhân viên của Ban y tế thường bị sốt rét, nhưng cứ dứt cơn sốt là mọi người lại lao vào công tác, bào chế thuốc và dịch truyền.

Cùng với cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát, TTƯT Trần Tựu đã đến dâng hương tại Khu di tích An ninh vũ trang miền Nam, Khu di tích Ban Dân y, Trung ương Cục miền Nam. Đứng trước những hiện vật gợi lên một thời hào hùng, TTƯT Trần Tựu xúc động chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ của đơn vị những ký ức đầy tự hào về những chiến sĩ áo trắng làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Những chiếc máy tán thuốc, dao thái thuốc nam, những bộ dao phẫu thuật, lọ đựng thuốc, thước dây, đèn pin, hộp thiếc, ống chích, kim tiêm, kéo, ben, băng gạc... đều nhắc nhớ đến một thời tuổi trẻ sôi trào tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc. Ông cũng luôn nhớ về những chiến sĩ An ninh vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Trung ương Cục cùng cán bộ, nhân dân trong chiến khu trong những năm kháng chiến.

Năm 1972, khi Trần Tựu đang công tác tại Trung ương Cục, cũng là lúc chiến dịch Nguyễn Huệ được khai hỏa. Sau 7 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, ta đã giành thắng lợi giòn giã trên các hướng tiêu diệt cụm cứ điểm tiền tiêu Xa Mát, đánh thiệt hại nặng Chiến đoàn 49 địch, làm chủ từ Bắc Thiện Ngôn đến biên giới. Tới 21 giờ, ngày 7/4/1972, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ cụm cứ điểm chi khu Lộc Ninh. Và ngay sau đó, dược sĩ cao cấp Trần Tựu cùng một số dược sĩ trung cấp, dược tá khác được đưa về Lộc Ninh tiếp quản bệnh viện Lộc Tấn, nhanh chóng thu dọn chiến trường, tiếp nhận các y cụ còn sót lại và triển khai công tác đảm bảo thuốc men cho bệnh viện hoạt động bình thường dưới sự điều hành của chính quyền cách mạng. Năm 1973, ông đảm nhận vai trò Trưởng khoa Dược tại Bệnh viện Ban đón tiếp, là cơ sở an dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho hàng chục nghìn đồng bào, đồng chí được trao trả theo Hiệp định Paris đặt tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

TTƯT Trần Tựu kể lại: “Khi đó, tôi được giao nhiệm vụ đến sân bay Thiện Ngôn (cách căn cứ Trung ương Cục khoảng 5km) để đón đồng bào. Khi đó,Thiện Ngôn là sân bay dã chiến nằm trong vùng giải phóng tỉnh Tây Ninh, cách chỗ chúng tôi khá xa. Tôi được cùng chị Ba Thi, sau này được tuyên dương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới ra sân bay để chuẩn bị sẵn sàng đón cán bộ và nhân dân. Đặc biệt là có 1 tổ hậu cần, 1 tổ y tế được Ban đón tiếp dựng sẵn, chúng tôi lập tức chuẩn bị sẵn thuốc men, trang thiết bị y tế để chăm sóc, chữa bệnh cho những người bị giặc bắt tù đày lâu năm, bị tra tấn mà sức khỏe suy yếu. Đang là mùa mưa, không khí rất mát mẻ, song chúng tôi vẫn phải dè chừng biệt kích ở những cánh rừng, dù các đồng chí cán bộ quân đội canh phòng nghiêm ngặt. Theo thỏa thuận đợt đầu, ta trao trả đối phương 80 tù binh, còn phía bên kia trao trả ta hơn 100 chiến sĩ. Song phía họ đã cố tình chậm trễ, bắt phía ta phải chờ đợi gần 2 giờ đồng hồ. Những tấm băng rôn, khẩu hiệu nổi bật dòng chữ: “Nhiệt liệt chào đón những chiến sĩ chiến thắng trở về từ nhà tù đế quốc” hay “Kính chào các anh, những người chiến thắng”. Sau khi đón được bà con, chúng tôi đưa về Bệnh viện Ban đón tiếp đóng tại Lộc Ninh, tiến hành chăm sóc sức khỏe cho mọi người”.

Đến thăm Bệnh viện Lộc Tấn, hay còn được gọi là Bệnh viện Ban đón tiếp ngày xưa, TTƯT Trần Tựu thoăn thoắt đi từ cổng bệnh viện vào đến khu thăm khám, đi dọc hành lang vắng, rồi xuyên qua khu vườn rộng để đưa chúng tôi đến với khoa Dược, nơi ông đã làm việc vô cùng tận tụy suốt gần ba năm để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cách mạng, bộ đội và nhân dân được đưa đến đây điều trị. Điều chúng tôi vô cùng xúc động là ở tuổi 75, lại xa cách đã gần 50 năm, bệnh viện cũng từng được chỉnh trang, sửa chữa nhiều lần nhưng ông nhận ra từng vị trí, từng góc nhỏ. Đâu là nơi cất trữ thuốc, đâu là nơi chưng cất dịch truyền, chỗ nào từng xay, cắt thuốc nam, vị trí nào để thương binh điều trị hồi phục vận động..., ông cứ vanh vách hướng dẫn cho chúng tôi như thể vừa mới hôm qua.

Rồi bất giác, TTƯT Trần Tựu đọc cho chúng tôi nghe 4 câu thơ ông vừa cảm xúc viết nên lời: “Kỷ niệm năm xưa ùa về trong nắng gió/ Lộc Ninh ơi nơi ta gửi một thời tuổi trẻ/ Đường đến chiến khu ánh hỏa châu chớp xé/ Màu áo trắng hiền hòa như hoa giữa rừng xanh”. Ký ức tươi ròng và tình cảm sâu nặng của ông dành cho nơi đây đã khiến cho chúng tôi cảm nhận được sâu sắc về những ngày tháng gian lao mà anh dũng đó của những chiến sĩ áo trắng nơi chiến khu. Suốt từ năm 1973 đến tháng 3/1975, tại đây, ông phụ trách một nhóm dược sĩ, dược tá tổ chức pha chế, sản xuất tại chỗ các loại dịch truyền, một số loại thuốc tiêm để cung cấp cho bệnh viện và 12 trạm y tế. Suốt những năm gian khổ đó, dù trong khoa chỉ có 14 người, đa số là nhân viên nữ, nhiều loại thuốc phải tự bào chế, chưng cất, song khoa Dược đã luôn nỗ lực vượt khó để tạo nên một phòng pha chế dã chiến. Nhiên liệu dùng cho cất nước, hấp thuốc, xử lý chai, lọ, bao bì đóng dịch truyền và các loại thuốc tiêm... đều do mọi người tranh thủ ngày thứ 7 đi kiếm củi trong rừng sâu. Trong suốt chừng ấy năm, thuốc và dịch truyền của đội ngũ cán bộ khoa Dược không hề xảy ra bất cứ sự cố nào.

Và những chiến sĩ áo trắng ấy đã sát cánh bên nhau, quyết tâm nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại dịch chuyền mặn, ngọn, pha chế các loại thuốc tiêm, vitamin và một số loại thuốc cảm cúm, thuốc trị đường ruột và vaccine ngừa tả... cung ứng đầy đủ nguồn thuốc và dịch truyền phục vụ nhiệm vụ chung. Nhiều sáng kiến “có một không hai” ngày đó, TTƯT Trần Tựu đề xuất áp dụng như sử dụng các tấm dù pháo sáng làm vật liệu lọc thuốc, sử dụng các loại chai Penicillin đem rửa sạch, hấp tiệt trùng để đóng các loại thuốc tiêm, vitamin... TTƯT Trần Tựu rơi nước mắt khi nhắc đến những người đồng chí đã kiên gan, bền chí cùng mình khi đó: “Tôi vô cùng cảm xúc khi được quay về thăm lại chốn xưa, bởi suốt bao năm qua, trong lòng tôi chưa khi nào nguôi quên tình nghĩa của nhân dân Lộc Tấn. Nơi đây, bà con nhân dân đã cưu mang, đùm bọc những cán bộ cách mạng như chúng tôi, lo cho chúng tôi từ nắm rau, thùng nước, giúp chúng tôi lúc sơ tán... Tôi cũng rất biết ơn các đồng sự ngày ấy, họ thực sự là những người anh hùng, làm việc quần quật ngày đêm, chỉ ăn có rau rừng, cơm độn và muối quẹt mà làm được bao việc lớn”.

Nghe tâm sự của một người dược sĩ cách mạng, chị Thu Phương, trưởng nhóm thiện nguyện “Ngọn lửa nhỏ” hết sức xúc động. Chị chia sẻ, bản thân chị sống tại Lộc Ninh đã mấy chục năm, gia đình cũng có đất rẫy gần Bệnh viện Lộc Tấn nên ngày ngày lại qua, nhưng chỉ biết đó là một khu bệnh viện do chính quyền Pháp xây dựng đã gần 100 năm cho công nhân cao su trước đây, sau này được trưng dụng làm bệnh viện cho nhân dân trong vùng, song nhiều năm nay đã chuyển đi và công trình đang xuống cấp. Nay, qua câu chuyện của TTƯT Trần Tựu, chị mới biết đó là một di tích rất đáng quý, một niềm tự hào của Lộc Ninh anh hùng.

“Tôi thực sự biết ơn những cống hiến, hi sinh của thế hệ cha anh nơi mảnh đất chiến khu này. Dù Lộc Ninh đã và đang trở thành một thành phố vùng biên phát triển với cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tấp nập, nhưng những trầm tích của chiến tranh, của tình người và phẩm cách yêu nước thương nòi, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh sẽ là một giá trị phi vật thể mà thế hệ trẻ Lộc Ninh chúng tôi nguyện giữ gìn, vun đắp” - chị Thu Phương chia sẻ.

Đặng Giang

Bình luận

ZALO