Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 10:46 GMT+7

Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công:

Biểu tượng cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất của nhân dân Việt Nam

Biên phòng - Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của Việt Nam, bảo vệ độc lập, chống ngoại xâm luôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu quan trọng nhất. Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành lý tưởng phấn đấu, khát vọng của tất thảy người dân Việt Nam trong mọi thời đại. Độc lập, tự do, thống nhất đã trở thành những hằng số vĩnh cửu của dân tộc Việt Nam.

Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật, giành lại quyền độc lập cho dân tộc. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Tuyên ngôn độc lập đã kết thúc bằng lời tuyên bố trịnh trọng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[1]. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất non sông.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự kiện: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[2].

Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác - Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tổng Bí thư Trường Chinh, một trong những nhà lãnh đạo tiền bối của cách mạng Việt Nam nhận xét: “Một trong những ưu điểm lớn đưa đến thắng lợi của cách mạng là sự chuẩn bị chu đáo. Thắng lợi của cách mạng không tự nó đến. Phải dày công chuẩn bị, chủ động tạo ra những tình thế cách mạng và kịp thời nắm bắt thời cơ để giành thắng lợi”[3].

Đông đảo nhân dân tập trung tại vườn hoa Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thực tế lịch sử cho thấy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của ba thời kỳ vận động cách mạng rộng lớn do Đảng ta lãnh đạo. Thứ nhất là cuộc vận động cách mạng dân chủ tư sản trong hai năm 1930-1931 mà đỉnh cao nhất là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đảng đã nêu cao những khẩu hiệu: Đánh đuổi đế quốc, đánh đổ phong kiến, dân tộc độc lập, người cày có ruộng, thành lập chính quyền công nông. Thứ hai là cuộc vận động dân chủ sâu rộng từ năm 1936 đến năm 1939, cuộc vận động chính trị này đã tập hợp được hàng triệu quần chúng đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa và bọn vua quan phản động, đòi tự do dân chủ, đòi cải thiện dân sinh và bảo vệ hòa bình thế giới. Thứ ba là cuộc vận động giải phóng dân tộc của Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế, của Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc từ cuối năm 1939 đến năm 1945[4].

Trong ba cuộc vận động đó thì cuộc vận động thứ ba là quan trọng nhất vì gắn với cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, có những sự biến quan trọng, tạo nên những tình thế cách mạng có lợi cho cuộc khởi nghĩa. Khi thời cơ đến, Đảng đã kịp thời phát động quần chúng nhân dân đứng lên giành chính quyền với quyết tâm: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[5].

Từ những giá trị và tầm vóc to lớn đó, Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khẳng định là một trong những “chiến công hiển hách và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại của dân tộc Việt Nam”[6] trong thế kỷ XX. Thành quả vĩ đại và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trở thành động lực và sức mạnh to lớn để nhân dân ta tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Giáo sư David Marr, nhà nghiên cứu sử học người Mỹ đánh giá: “Mặc dầu nhỏ hơn về mặt quy mô, cuộc cách mạng của Việt Nam cần được đặt ngang hàng với những cuộc cách mạng Pháp, Nga, Trung Quốc về các mục tiêu và sự so sánh phê phán. Nó là một minh chứng hàng đầu của một sự nổi dậy cách mạng triệt để trong một khung cảnh thuộc địa... 1945 là năm đầu của một vở kịch hùng tráng, quanh co mở rộng ra trên 30 năm với những ảnh hưởng còn đến cả ngày nay trong xã hội Việt Nam”.

Nguyên Vũ

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.3.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.159.

[3] Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1975.

[4] Lê Duẩn: Về Cách mạng Tháng Tám. In trong: Cách mạng Tháng Tám - Một sự kiện vĩ đại của thế kỷ XX, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.16-17.

[5] Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1994, tr.196.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.6.

Bình luận

ZALO