Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 01:23 GMT+7

Bình minh rộn ràng ở Cà Ná

Biên phòng - Bí thư Huyện ủy Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) Châu Thanh Hải cho biết, xã Cà Ná và xã Phước Diêm là 2 trong số 9 địa phương nằm trong Đề án “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ở cửa biển Cà Ná, khung cảnh tấp nập, rộn rã nhất là khi hoàng hôn buông xuống và bình minh chào đón một ngày mới. Sự bình yên đó còn đến ở tin tức những con tàu vươn khơi, không vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Bình minh ở cửa biển Cà Ná. Ảnh: Văn Chương

Núi Thương Diêm và núi Một đầy đá tảng lô nhô, dưới ánh mặt trời trông giống như sa mạc đá cằn cỗi. Nằm giữa thung lũng đó là cửa biển Cà Ná. Núi trơ trọi, nhưng biển thì được mệnh danh là vùng biển bạc. Đi dọc miền Trung, gặp chủ của các con tàu lớn và khi hỏi, so sánh về thu nhập với các ông chủ tàu ở Cà Ná thì nơi này thực sự khá ấn tượng. “Nếu tụi em có thu nhập hơn 50 triệu đồng thì ông chủ có được 1 tỷ đồng. Ở đây có chủ tàu mỗi năm kiếm cỡ 3 tỷ đồng” - một ngư dân đi bạn ở Cà Ná chia sẻ câu chuyện về làng chài tỷ phú.

Làng chài Cà Ná có lịch sử mới hơn 200 năm. Từ năm 1964, cư dân Cà Ná tăng lên nhanh chóng vì người dân miền biển ở các tỉnh dịch chuyển về rốn cá ở Cà Ná. Người ở khắp nơi đến đây định cư vì nghe tin biển Cà Ná cá kéo vô tận bờ. Ngư dân ở các nơi, mỗi đêm đánh một mẻ lưới, chở vô bờ một ghe cá. Nhưng ở Cà Ná có thời điểm, mỗi đêm ra biển chở cá vô bờ tới 3 lần. Cá vô bờ tấp nập, đánh bắt quá gần bờ, vì vậy, cá cơm ở Cà Ná luôn tươi rói, khi đổ vào thùng muối mắm đã cho ra sản phẩm nước mắm Cà Ná nức tiếng.

Chiều 29/10/2023, tiếng gió thổi hòa lẫn âm thanh ì ầm của đoàn tàu rời bến. Những chiếc tàu ra khơi và nối đuôi nhau. Giữa đoàn tàu lớn luôn xuất hiện những chiếc thúng máy. Tôi chưa thấy ở nơi nào thúng máy lại được nâng cấp giống như ở Cà Ná. Trên chiếc thúng có bộ đèn led gần 20 bóng, ca bin trú mưa, bạt che chắn, đèn tín hiệu an toàn. Ngư dân giàu có cuộc sống với con tàu lớn, còn ngư dân nghèo thì vẫn vui với chiếc thúng nhỏ.

Dưới ánh hoàng hôn rám nắng chiều rải trên mặt biển, lão ngư dân Nguyễn Sơn kể câu chuyện từng vào Cà Ná định cư từ năm 1964. Ông kể rằng, ngay cửa biển Cà Ná có rạn san hô trải dài như cánh rừng, vì vậy, các loại thủy hải sản có cơ may phát triển, sau rạn san hô là tới vùng đất bùn, rồi lại tới rạn san hô.

Rất nhiều tàu đánh cá của ngư dân địa phương hoạt động theo nhịp “chiều đi, sáng vô, chở đầy mực, cá”. Bên cạnh những chiếc tàu mở biển, đánh bắt gần bờ, hàng trăm tàu cá chuẩn bị cho chuyến khởi hành đi xa. Tàu mang số hiệu NT98028TS, do ngư dân Đỗ Phúc, ở xã Phước Diêm, ra khơi làm nghề câu. Thuyền trưởng chỉ vào hải đồ và cho biết, con tàu sẽ đi vắt về phía vùng biển Tây Nam, qua đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận, sau đó đi tới tận huyện Côn Đảo, ở khu vực tọa độ 9 độ 38 phút vĩ Bắc - 107 độ 46 phút kinh Đông. Hải trình của con tàu NT98028TS cũng là hướng đi của hàng trăm con tàu đang rộn ràng ở cửa biển Cà Ná. Từ cuối tháng 10 và bước sang tháng 11, vùng biển Cà Ná bắt đầu hiu hiu gió thổi, vì vậy, hàng ngàn chiếc tàu nối đuôi nhau di chuyển về phía Kiên Giang, Cà Mau.

Theo báo cáo của địa phương, tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực cửa biển Cà Ná chỉ còn dưới 3%, thu nhập bình quân đầu người gần 60 triệu đồng/năm. Tổng số tàu cá ở địa phương là 763 tàu, nhiều chủ tàu có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ngư dân Nguyễn Văn Hải tranh thủ đi mua thêm vài vật dụng để xuống tàu đi bạn, rời cửa biển Cà Ná. Nhìn vẻ mặt anh khi hỏi về thu nhập, tôi cảm nhận được cuộc sống của bà con ở cửa biển Cà Ná. Anh Hải cho biết, ở Cà Ná làm biển là hơn hẳn các tỉnh khác, có ngư dân đi bạn 10 tháng đã được chia phần khoảng 160 triệu đồng, riêng anh đã kiếm được 150 triệu đồng.

Đại úy Phan Minh Hiếu, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cà Ná, Đồn Biên phòng Cà Ná, BĐBP Ninh Thuận chia sẻ về đặc điểm cuộc sống đánh bắt của ngư dân ở cửa biển Cà Ná. Theo đó, hiện nay, ngành nghề mang lại thu nhập cao cho ngư dân làng chài là nghề đánh cá cơm. Loại cá này thường chỉ xuất hiện ở vùng biển gần bờ nên ngư dân không cần đi biển quá xa. Độ chịu chơi của ngư dân Cà Ná, nếu muốn biết thì cứ vào ca bin tàu. Có nhiều chiếc tàu có tổng trị giá khoảng trên 1 tỷ đồng, nhưng trên tàu lắp đặt máy dò cá Furuno có giá bằng 3-5 chiếc xe ô tô đời mới (từ 2 đến 4 tỷ đồng).

Cán bộ BĐBP và Kiểm ngư thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân ở Cà Ná chú trọng bảo vệ môi trường biển, không vi phạm về khai thác IUU. Ảnh: Văn Chương

Trên hệ thống định vị vệ tinh giám sát hành trình đặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Cà Ná, con tàu NT90999TS (do ông Nguyễn Huệ, quê ở xã Cà Ná làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng) đã xuất bến. Con tàu này đăng ký làm nghề câu. Sau khi xuất bến, tàu đi qua các đảo ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) như: An Bang, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin... Thì ra, ngư dân nếu có đời sống ổn định, ngư trường giàu các loại hải sản, được BĐBP và các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền về hoạt động bảo vệ môi trường biển thì việc tàu cá vi phạm vùng biển của nước khác sẽ không xảy ra.

Phần lớn các chủ tàu ở cửa biển Cà Ná đều có rất nhiều kinh nghiệm bám biển, nắm rõ các ngư trường, mùa nào thì các loại cá xuất hiện ở vùng biển thuộc khu vực quần đảo Trường Sa. Nhờ vậy, các tàu đánh bắt hiệu quả, bạn chài có thu nhập ổn định. Tới vùng biển Cà Ná mới thấy được có điểm khác biệt so với những nơi từng là ngư trường nổi tiếng như Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, đó là không xảy ra các vụ việc ẩu đả giữa ngư dân với chủ tàu.

Bởi tàu cá ở địa phương đánh bắt thành công, tàu đánh bắt xa bờ thì sau 20 ngày lại trở về bến. Còn tàu làm nghề giã cào ở Bà Rịa - Vũng Tàu thì lênh đênh trên biển từ 2 đến 4 tháng, các ngư dân đi bạn sau những ngày quá dài, mệt mỏi nên xảy ra xung đột giữa ngư dân và chủ tàu.

Tôi đến thăm ngư dân từng nổi tiếng nhất ở Cà Ná - ông Nguyễn Ngọc Hưng, sinh năm 1948. Ông Hưng sống trong ngôi nhà rất khang trang. Ngay trên bàn uống nước trà trong ngôi nhà, ông đặt một chiếc tàu mô hình bằng xốp, mô phỏng y hệt con tàu từng cùng ông gây dựng cơ nghiệp. Ông nghỉ làm biển, giao lại tàu cho con trai. Nhưng trong ký ức của ông, những đêm dài đánh cá ở cửa biển vẫn luôn hoài thao thức.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO