Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 01:18 GMT+7

Bộ tộc Bajuni và cuộc sống trên quần đảo Lamu

Biên phòng - Bajuni là bộ tộc cư trú trên quần đảo Lamu và khu vực biển xung quanh thành phố cảng Kismayo và Mombasa, Kenya. Theo số liệu hiện nay, trên quần đảo Lamu có hơn 100.000 người Bajuni sinh sống. Bộ tộc Bajuni có nguồn gốc từ Arab và châu Phi nhiều thế kỷ trước, vì vậy, niềm tin văn hóa và tôn giáo của người Bajuni đều ảnh hưởng từ văn hóa Arab.

Phụ nữ và trẻ em Bajuni. Ảnh: Kenyanlist

Do nơi sinh sống gần Ấn Độ Dương nên nền kinh tế của bộ tộc Bajuni phụ thuộc chủ yếu vào biển. Đàn ông Bajuni thường tham gia buôn bán hải sản, đánh cá, đóng tàu và làm lưới đánh cá. Một số tham gia làm truyền trưởng, thủy thủ trên các tàu đánh cá quốc tế; một số khác làm nghề nông nghiệp. Phụ nữ Bajuni thường đan giỏ truyền thống. Trong một chuyến đánh cá, người Bajuni thu hoạch được hàng chục loại hải sản như cá mập, cá đuối, tôm hùm và một số loại rùa. Số hải sản thu hoạch được, ngoài buôn bán ở chợ, người Bajuni còn đem sấy khô và xuất khẩu sang các vùng lân cận.

Hầu hết người Bajuni theo Hồi giáo và cầu nguyện hằng ngày. Trong quá trình đọc cầu nguyện hằng ngày, người Bajuni tắm rửa ít nhất 5 lần. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Bajuni đã được nghe giảng về những giáo lý cơ bản của đạo Hồi. Trẻ em Bajuni trong độ tuổi 6 hoặc 7 sẽ đi học tại trường học Hồi giáo. Trong nhà trường, trẻ em Bajuni học cách đọc kinh Koran, các giáo lý Hồi giáo và cầu nguyện hằng ngày. Khi gặp người lớn, trẻ em Bajuni thường chào hỏi và hôn lên bàn tay phải của người lớn.

Đàn ông Bajuni đóng vai trò là trụ cột gia đình và thường hay họp mặt tại nhà thờ Hồi giáo. Phụ nữ Bajuni đảm nhiệm việc nhà và nấu ăn. Phụ nữ Bajuni chỉ ra khỏi nhà vào buổi chiều khi hoàn thành việc nhà. Phụ nữ Bajuni học nấu ăn từ khoảng 10 tuổi và không được phép nói chuyện với đàn ông ngoài gia đình. Thực phẩm chính của người Bajuni là dừa, cá và gạo. Trong các bữa sáng truyền thống, phụ nữ Bajuni thường nướng một loại bánh mì dẹt tên gọi “chapati” trên chảo đất sét có tên gọi “nyaya”.

Khi ở những nơi công cộng, phụ nữ Bajuni phải mặc trang phục trùm kín màu đen. Trước đây, phụ nữ Bajuni thường đeo khuyên mũi vàng; ngày nay, việc xỏ khuyên không bắt buộc đối với phụ nữ của bộ tộc. Đám cưới của người Bajuni thường kéo dài 3 ngày với âm nhạc và khiêu vũ. Theo truyền thống, trong đám cưới, cô dâu Bajuni mặc bộ đồ trùm kín từ đầu đến chân, đàn ông Bajuni mặc bộ đồ dài may bằng vải tên gọi “kikoy”, đi dép cao su.

Âm nhạc và thơ truyền thống của người Bajuni là sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại. Âm nhạc đương đại của bộ tộc Bajuni có sự pha trộn giữa hơi hướng nhạc Ấn Độ và Arab; trong khi âm nhạc truyền thống được biểu diễn cùng các nhạc cụ bộ gõ và kèn. Một trong những loại nhạc cụ nổi bật của bộ tộc là kèn “siwa”. Kèn “siwa” được chế tạo bằng sừng động vật và gỗ cây. Kèn “siwa” được uốn cong bằng dụng cụ đục và được sử dụng trong nhiều nghi lễ truyền thống. Một loại nhạc cụ khác thường được người Bajuni sử dụng đó là chuông có tên gọi “ituasi”. Chuông “ituasi” được làm từ sừng bò và đúc kim loại. Chuông được dùng để gõ nhịp trong các điệu múa truyền thống.

Mặc dù hầu hết tập tục văn hóa của người Bajuni vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay, nhưng một số tập tục đã bị mai một do ảnh hưởng của những thay đổi trong xã hội. Hiện nay, Bảo tàng quốc gia Kenya đã có nhiều biện pháp tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng bộ tộc tại nước này, trong đó có di sản và văn hóa của người Bajuni. Hằng năm, bộ tộc Bajuni cũng tổ chức hai lễ hội lớn vào đầu năm và giữa năm, đồng thời thường xuyên giao lưu giới thiệu nền văn hóa với các cộng đồng sinh sống vùng ven biển quần đảo Lamu. Một số hoạt động chủ yếu trong các lễ hội là đua lạc đà, vẽ họa tiết trên tay, đua thuyền...

Thu Minh

Bình luận

ZALO