Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 11:26 GMT+7

“Bóc” hết những tồn tại để sớm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu

Biên phòng - “Gỡ cảnh báo “thẻ vàng” theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành khai thác thủy sản nước ta là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong bối cảnh nguồn lực của đất nước có hạn, với quyết tâm chính trị cao, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tôi tin rằng, chúng ta sẽ sớm gỡ “thẻ vàng” trong năm 2023” - ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở đầu cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Biên phòng.

Ông Tiến nói tiếp: “Ngày 23/10/2017, EC đã đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam. Sau hơn 5 năm nỗ lực, trải qua mấy lần thanh tra, EC đã khẳng định, quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam đang đi đúng hướng, cải thiện tích cực, nhưng vẫn chưa đạt được những yêu cầu đề ra”.

Đã nỗ lực nhưng vẫn còn tồn tại

- Dù rất quyết tâm trong phòng, chống khai thác IUU nhưng ngành thủy sản vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” của EC? Đâu là những nguyên nhân còn tồn tại, thưa ông?

- Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 13/2/2023 về ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 4. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai cao điểm hành động chống khai thác IUU nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Đến thời điểm này, soát xét lại từng việc cụ thể, thì còn nhiều vấn đề.

Thứ nhất, chúng ta đã có 95% tàu đánh cá xa bờ lắp thiết bị giám sát hành trình, còn lại 5% chưa lắp thiết bị hành trình, số tàu này có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Thứ hai, khi tàu cá ra biển, đội ngũ làm việc ở một số cảng cá vẫn chưa trực 24/24 giờ để biết được hình trình những con tàu đang đi đâu, về đâu và diễn biến như thế nào, có nguy cơ vi phạm không? Tình trạng mất kết nối giữa thiết bị giám sát hành trình trên tàu đánh cá với máy chủ quản lý của ngành thủy sản vẫn còn diễn ra.

Mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá là điểm “nóng” nhất, cần làm rõ nguyên nhân, phải làm rõ trách nhiệm của cả nhà cung cấp thiết bị, chủ tàu và thuyền trưởng. Theo quy định, sau 6 giờ bị mất kết nối, thuyền trưởng phải chủ động gọi về đất liền thông báo lý do mất kết nối. Nếu để sau 6 giờ, thuyền trưởng không gọi về đất liền thông báo sẽ bị xử phạt hành chính đối với hành vi bị mất kết nối có chủ đích.

Thứ ba, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản vẫn chưa làm tốt, các tàu đánh cá chưa ghi nhật ký khai thác theo từng loài, sản lượng đánh bắt ngay từ ngoài biển. Nhiều thuyền trưởng chủ yếu ghi “hồi ký”, ghi thiếu chính xác về kinh độ, vĩ độ, gắn với nghề, với ngư trường đánh bắt. Các tàu chỉ ghi chung chung, chứ không ghi rõ từng ô mục, hải sản đưa về nhà máy chế biến cũng làm khó cho doanh nghiệp lập hồ sơ.

Vừa rồi, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh... vẫn còn phát hiện những vi phạm. Trước đó, đoàn kiểm tra của EC đi kiểm tra đã chỉ ra những lỗi này rồi, mà chúng ta chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ. Tới đây phải khắc phục triệt để, xử phạt hành chính đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm.

Quyết liệt trong thời gian ngắn

- Điều kiện kinh tế của nước ta còn khó khăn nên chưa đầu tư xây dựng được những cảng cá hiện đại như khuyến cáo của EC. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Một trong những nguyên nhân chưa gỡ được “thẻ vàng”, đó là hạ tầng cơ sở thủy sản của chúng ta còn yếu, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trong quy hoạch phát triển có 125 cảng cá, nhưng đến giờ này, chúng ta mới có 83 cảng cá, đa số chưa đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn như khuyến cáo của EC. Chúng ta đang tích cực khắc phục.

Công tác quản lý, giám sát đội tàu vẫn còn nhiều địa phương làm chưa tốt. Chẳng hạn, chúng ta còn số lượng tàu dài dưới 15m, không xếp vào diện tàu đánh cá xa bờ nên chưa yêu cầu bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đây là nhóm tàu có nguy cơ vi phạm các khuyến cáo của EC.

Mặt khác, vẫn còn tồn tại các cảng cá gia đình, BĐBP không đủ quân số để kiểm tra, kiểm soát hết được. Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng thêm cảng cá, nâng lên số lượng 172 cảng và 146 khu neo đậu tránh trú bão. Qua đó, vừa quản lý tốt đội tàu đánh cá, vừa phục vụ cho chiến lược nuôi biển, tạo nên bước ngoặt lớn của ngành thủy sản.

- Đối với số tàu đánh cá vi phạm các quy định thì xử lý như thế nào, thưa ông?

- EC đã khuyến cáo 14 hành vi liên quan đến “thẻ vàng”, chứ không chỉ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, do đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm, nhất là tàu đánh bắt sai tuyến, sai ngư trường và những nghề mang tính chất hủy diệt. Mấy lần trước, thanh tra của EU đến kiểm tra Trung tâm quản lý nghề cá tại Cục Thủy sản, phát hiện 813 vụ vi phạm vùng ngư trường đánh bắt. Chẳng hạn, tàu dưới 15m chỉ được phép đánh bắt ở vùng lộng, nhưng tiến ra đánh bắt vùng xa bờ, hoặc tàu xa bờ vào đánh bắt ở vùng lộng và gần bờ.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động sửa đổi một số quy định trong hoạt động thủy sản để phù hợp với tình hình mới, tăng xử phạt vi phạm hành chính công khai, minh bạch, dân chủ và thực hiện nghiêm quản lý tàu cá.

- Theo ông, giải pháp trong thời gian tới như thế nào để sớm gỡ “thẻ vàng” của EC?

- Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nghiêm, tập trung giải quyết dứt điểm các vi phạm gỡ “thẻ vàng” của EC. Đối với những cảng cá làm còn yếu kém thì rút ra khỏi danh sách được đón tàu cá đánh bắt xa bờ theo quy định. Tăng cường xử phạt vi phạm hành chính vì chúng ta đã giải thích, tuyên truyền nhiều rồi, chỉ làm mạnh tay mới đi vào nền nếp.

Tới đây Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp sơ kết giai đoạn triển khai thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xem còn những gì tồn tại phải “bóc” ra hết. Chỉ còn thời gian ngắn nữa phải quyết tâm thực hiện quyết liệt, đến tháng 10/2023, đoàn thanh tra của EU vào kiểm tra tiếp, chúng ta sẽ có những kết quả tốt hơn để gỡ “thẻ vàng”.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Thời gian vừa qua, lực lượng của Bộ Quốc phòng nói chung, BĐBP nói riêng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, tập trung cao điểm thực thi pháp luật, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các cửa biển, cảng cá, bãi ngang, để kịp thời ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm. Lực lượng Cảnh sát Biển, Hải quân cũng tăng cường lực lượng giám sát ở ngoài vùng biển xa để chống khai thác IUU” – ông Phùng Đức Tiến thông tin.

HẢI LUẬN (thực hiện)

Ông Phùng Đức Tiến. Ảnh: HẢI LUẬN

Cán bộ Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, BĐBP Phú Yên tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác IUU. Ảnh: HẢI LUẬN

Bình luận

ZALO