Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 05:56 GMT+7

Bước chân người lính nơi cuối trời biên giới

Biên phòng - Chạy song song với đường tuần tra biên giới, quốc lộ 14C đi qua khu vực tiếp giáp của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông bốn mùa cứ “lẩn trốn” giữa đại ngàn mênh mông. Ngày Tết cổ truyền của dân tộc đã đến rất gần mà cảm giác trống vắng cứ bám lấy chúng tôi suốt chặng đường dài từ vùng đệm vào vùng lõi rồi lại ra vùng đệm của Vườn quốc gia Yok Đôn. Ở phía đất bạn Campuchia, không gian còn đậm đặc cô liêu hơn khi lọt thỏm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Sê Rê Pốk.

Nói theo cách dí dỏm, trong thế “bánh mỳ kẹp thịt”, giữa một bên là Vườn quốc gia Yok Đôn, còn bên kia là Khu bảo tồn thiên nhiên Sê Rê Pốk thì đứng ở đâu cũng thấy thăm thẳm nơi cuối trời biên giới. Mặc dù vậy, không gian cuối cùng cũng chỉ đánh lừa cảm giác, bởi khi chúng tôi có mặt tại các đồn Biên phòng và khu dân cư biên giới, mọi chuyện đã rất khác...

Quân dân xã biên giới Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông gói bánh chưng trong lễ hội bánh chưng xanh. Ảnh: Thái Kim Nga

Người lính với mùa Xuân biên giới

Thoạt đầu, khi gặp gỡ trò chuyện với lính Biên phòng quanh khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn thuộc địa bàn tiếp giáp giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, tôi vẫn tránh không nhắc đến hai từ "quê hương" vì sợ chạm vào nỗi nhớ của họ. Bất kỳ ai trong chúng ta đều thế, từ chàng binh nhì mới nhập ngũ hôm qua đến vị tướng đã dạn dày trận mạc, khi Tết đến, Xuân về lại thổn thức nỗi nhớ gia đình, quê hương. Song quả thực, với người lính bảo vệ biên giới từ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, Bo Heng, Yok Đôn (BĐBP Đắk Lắk) sang Đồn Biên phòng Nậm Na, Đắk Ken, Đắk Đam, Đắk M'bai (BĐBP Đắk Nông), tâm trạng ấy cũng đến nhưng lại nhẹ nhàng tựa như một nụ cười.

Tại sao lại như vậy? Thứ nhất, họ đã quá quen với dư vị mùa Xuân biên giới khi tình nguyện ở lại thực hiện nhiệm vụ. Tiếp đến là vòng tay của đồng bào, đồng chí, đồng đội trong “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Và cuối cùng là sự quan tâm, chăm lo sâu sắc của tuyến sau dành cho tuyến trước, của cấp trên dành cho cấp dưới khi Tết của lính Biên phòng không hề thiếu bất cứ thứ gì, kể cả nụ cười của trẻ thơ.

Chúng tôi thực sự bất ngờ khi trải nghiệm cung đường tuần tra rực sáng ánh đèn trong đêm cuối năm ở Đồn Biên phòng Bo Heng. Mặc dù đây là địa bàn không có cư dân sinh sống, nhưng toàn bộ 13,908km đường tuần tra biên giới đều đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời, tổng trị giá hơn 220 triệu đồng. Trong khuôn viên đơn vị, các công trình nước sạch sinh hoạt, nhà khách, nhà để xe, khu sinh hoạt văn hóa thể thao... được đầu tư xây dựng bài bản kiên cố, xen lẫn giữa vườn hoa cây cảnh trông chẳng khác gì công viên xanh nơi cuối trời biên giới.

Theo chia sẻ của Trung tá, Đồn trưởng Trần Văn Hưng, toàn bộ các công trình có tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng được đầu tư xây dựng từ mô hình kết nghĩa đỡ đầu giữa các địa phương, đơn vị với Đồn Biên phòng do Tỉnh ủy Đắk Lắk khởi xướng. Đây là chủ trương vô cùng sâu sắc và xuyên suốt trong gần 35 năm qua để chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống, điều kiện công tác của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, tạo nên những “pháo đài” kiên cố, vững chắc trên biên giới. Cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ, cùng với nguồn thu nhập từ tăng gia sản xuất, Tết năm nay, Đồn Biên phòng Bo Heng dự kiến chi thêm khoảng 200 triệu đồng để chăm lo Tết cho cán bộ, chiến sĩ.

“Cũng như năm ngoái, năm nay, đơn vị sẽ tổ chức những chuyến xe đưa đón gia đình người thân của cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn tỉnh lên đồn vui Xuân, đón Tết. Giữa biên giới xa xôi, đồn Biên phòng bỗng gần gũi, ấm áp hơn khi có bóng dáng người phụ nữ và tiếng cười của trẻ thơ...” - Đồn trưởng Trần Văn Hưng tâm sự.

Ở đồn Biên phòng mang khu vườn huyền thoại Yok Đôn, cán bộ, chiến sĩ cũng đang tất bật lo cho cái tết nơi cuối trời biên giới. Nhờ sự quan tâm chăm lo của các địa phương kết nghĩa đỡ đầu là huyện Lắk, Cư Kuin và Krông Ana, cơ sở vật chất phục vụ đời sống sinh hoạt công tác và tăng gia sản xuất của đơn vị đã được trang bị đầy đủ, chất lượng, đạt hiệu quả cao. Để chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền sắp tới, Đồn Biên phòng Yok Đôn đã tích trữ đầy đủ lượng thực phẩm tươi sống gồm các loại rau, củ, quả và đàn gia súc, gia cầm, vừa phục vụ tết trong đơn vị, vừa hỗ trợ cho một số gia đình khó khăn ở xã Krông Na, cách đó chừng... 60km theo đường chim bay.

“Mặc dù đơn vị không quản lý địa bàn, nhưng với tình cảm, trách nhiệm của mình, chúng tôi vẫn luôn hướng về bà con nhân dân, cùng với các đơn vị BĐBP Đắk Lắk tổ chức Ngày hội "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản" một cách vui vẻ, ấm áp nhất...” - Thượng tá Hoàng Kim Lương, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Yok Đôn chia sẻ với chúng tôi.

"Vui sao ngàn vạn bước chân"

Có thể nói, chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” giờ đây đã thực sự trở thành ngày hội lớn trên khắp các địa bàn biên giới và khu vực tiếp giáp giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông nằm trong vùng lõi và vùng đệm Vườn quốc gia Yok Đôn cũng không ngoại lệ. Ở đó, chúng ta không chỉ chứng kiến hàng ngàn, hàng vạn bước chân hối hả của người lính Biên phòng về với buôn làng, đắm say trong lời ca tiếng nhạc, câu cười của các chủ nhân đất rừng biên giới, mà còn nhìn thấy nét đẹp tình dân tộc qua sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để mùa Xuân biên giới không còn một ai bị bỏ lại phía sau.

Điểm cắt tóc miễn phí của Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, BĐBP Đắk Lắk phục vụ bà con nhân dân trên địa bàn xã biên giới Krông Na trong những ngày giáp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thái Kim Nga

Bên cạnh việc tổ chức chương trình riêng lẻ trên toàn tuyến biên giới, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là năm nay, những người lính Biên phòng Nam Tây Nguyên đã chọn hai địa phương nằm gần khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn là xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) và xã Đắk Wil, huyện Cư Jút (Đắk Nông) để tổ chức lễ hội “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” quy mô cấp tỉnh. Giữa đại ngàn mênh mông, quân dân biên giới vui Xuân, đón Tết trong niềm phấn khởi tự tin, tràn đầy sắc màu văn hóa các dân tộc. Từ tà áo dài thướt tha của cô gái miền xuôi, tấm thổ cẩm bền chắc của người miền ngược đến bộ trang phục sặc sỡ mà kín đáo của các dân tộc phía Bắc - tất cả tụ hội lại trong mùa Xuân biên giới bình an và hạnh phúc.

Sức lan tỏa của chương trình cũng là điều dễ nhận thấy khi quy mô của “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” ngày càng được mở rộng, với sự tham gia đồng hành của rất nhiều cơ quan đơn vị, tổ chức và cá nhân trong và ngoài khu vực Tây Nguyên. Điều này chứng tỏ phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày càng mang tính xã hội hóa, thấm sâu hơn vào hơi thở cuộc sống vùng biên.

Bộ đội về làng không chỉ lo cho bà con có được mùa Xuân vui vẻ, ấm áp, mà còn giúp người bệnh khỏe lại, nhà dột nát trở thành nơi ở khang trang, gia đình thiếu thốn có thêm nguồn sinh kế, trẻ em nghèo thêm cơ hội được cắp sách đến trường. Sau hàng ngàn, hàng vạn bước chân người chiến sĩ Biên phòng, sắc Xuân nơi cuối trời biên giới đã trở nên rạng rỡ, trẻ trung, sinh động hơn giữa đại ngàn Yok Đôn.

Cẩm Xuyên

Bình luận

ZALO