Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 07:38 GMT+7

Các doanh nghiệp phía Nam muốn tiếp cận các nguồn vốn để khôi phục sản xuất

Biên phòng - Trong bối cảnh kinh tế phục hồi nhanh, rất nhiều doanh nghiệp (DN) tại các tỉnh phía Nam đang cần thêm vốn để khôi phục sản xuất, tiếp tục triển khai dự án, mở rộng hoạt động kinh doanh… Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn vay cũng không hề dễ dàng khi các ngân hàng đang hết hạn mức tăng trưởng tín dụng để giải ngân.

Du khách đăng kí mua tour du lịch tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Loay hoay huy động vốn

Ngành du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh, tuy nhiên, khi trở lại trạng thái bình thường mới, các DN cũng rất cần tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi để khôi phục trở lại, dù họ vẫn gặp khó khi tiếp cận nguồn này. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Viettourist cho biết, do không có tài sản thế chấp, nên nhiều DN du lịch phải vay tín chấp với lãi suất khoảng 13-14%/tháng để khôi phục hoạt động. Với mức lãi suất cao sẽ khiến DN du lịch không có lãi trong bối cảnh hiện nay.

“Nếu được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước, chúng tôi sẽ giảm bớt áp lực tài chính về nguồn vốn tín dụng và việc khôi phục lại hoạt động cũng nhanh hơn. Theo đó, giá tour cũng sẽ giảm hơn khi đến với khách hàng. Tuy nhiên, khi cần khôi phục hoạt động, một số DN lữ hành vẫn phải chấp nhận vay tín chấp. Đối với các DN du lịch, việc vay tín chấp thường ít DN quan tâm vì lãi suất cao. Ví dụ như công ty tôi chủ yếu huy động vốn từ cổ đông, khách hàng mua tour trả trước hoặc vay vốn từ cổ đông” - ông Hải nói.

Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố (TP) Hồ Chí Minh cho biết, các DN đầu tư vào nhà ở xã hội cũng nằm trong danh sách những lĩnh vực được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế, các chính sách hiện tại chủ yếu tập trung hỗ trợ cho người mua, thuê và thuê mua nhà ở xã hội, trong khi không hỗ trợ chủ đầu tư dự án thì làm sao có nguồn cung cho thị trường và người mua với giá ưu đãi.

“Đa số các DN nhỏ và vừa đều có nhu cầu vốn rất lớn, nhưng không thể phát hành trái phiếu, chưa niêm yết trên sàn chứng khoán để huy động vốn, nên chỉ còn kênh huy động vốn là ngân hàng. Có điều, khi các DN này liên hệ với ngân hàng thương mại, thì họ nói phải chờ vì không còn hạn mức để giải ngân, trong khi DN vẫn phải hoạt động hằng ngày và rất cần vốn để mở rộng hoạt động” - ông Nghĩa băn khoăn.

Đối với các DN lương thực, thực phẩm, thì họ lại cần vốn để trữ hàng hóa trong bối cảnh các mặt hàng đang tăng giá. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù là DN được ưu đãi về lãi suất, tuy nhiên, DN lương thực, thực phẩm vẫn không bù đắp được hết khó khăn, bởi chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng sốc vì xăng dầu tăng giá như vừa qua.

“Theo khảo sát, hiện, DN không chỉ thiếu vốn mà là khát vốn để tiếp tục mua nguyên liệu đầu vào nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng tới giá cả, kiểm soát lạm phát. Do đó, chúng tôi kiến nghị các ngân hàng thương mại có chính sách đánh giá lại giá trị tài sản thế chấp để nâng hạn mức giải ngân, giúp DN có thêm nguồn vốn đặc biệt với những đơn vị làm ăn tốt” - bà Kim Chi nói.

Cần huy động vốn đa dạng

Để DN nhỏ và vừa tiếp cận được những nguồn vốn ưu đãi nhiều hơn, theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh, DN nào cũng muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp nhất. Hiện nay, kênh cung cấp vốn cho DN với lãi suất ưu đãi 2% đang được Ngân hàng Nhà nước triển khai là khá tốt cho DN trong giai đoạn phục hồi, tuy nhiên, làm sao để DN tiếp cận được nguồn vốn này ngay từ khâu làm hồ sơ thì lại cần sự hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý. Ví dụ, các cơ quan quản lý có thể hướng dẫn cho DN cách làm đơn vay vốn, cách hoàn thiện các hồ sơ cần thiết, bởi không phải DN nào cũng nắm rõ các thông tin và thủ tục hành chính để được vay các nguồn vốn ưu đãi.

Các DN cần tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau để khôi phục sản xuất trong giai đoạn bình thường mới. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, một trong những kênh có thể hỗ trợ DN tiếp cận vốn hiệu quả là chương trình kết nối ngân hàng và DN của TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là “đặc sản” của TP Hồ Chí Minh và được triển khai rất tốt thời gian qua. Vừa qua, những DN đang làm ăn tốt nhưng bị ảnh hưởng dịch, nay trong giai đoạn phục hồi đang “bung” trở lại cũng được tiếp sức qua chương trình kết nối ngân hàng và DN tại TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, chương trình kết nối ngân hàng và DN ở TP Hồ Chí Minh đã giải ngân được khoảng 93.000 tỉ đồng, cho thấy sự hiệu quả và tầm quan trọng của chương trình là nắn dòng vốn vào đúng khu vực sản xuất - kinh doanh, vào các DN đang cần vốn để phục hồi sản xuất.

“Tuy nhiên, việc kết nối này còn hơi chậm so với tốc độ khôi phục và mở rộng sản xuất của DN, vì vậy, chương trình kết nối này cần khôi phục và đẩy nhanh tốc độ hơn. Đối với các nhà quản lý, cần khảo sát lại nhu cầu cần vốn của từng DN, từ đó, để có những hỗ trợ đa đạng, linh hoạt tùy theo nhu cầu của những DN đang khát vốn đến đâu mà hỗ trợ kịp thời” - Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, mỗi năm, nền kinh tế tăng trưởng tín dụng 14-15%, là con số cao nhất khu vực, điều này chứng tỏ nguồn vốn không khó tiếp cận. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, làm sao để DN có thể chủ động hơn trong việc tìm kiếm nhiều nguồn vốn khác nhau ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ví dụ, DN có thể tìm kiếm nhiều nguồn tài trợ vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế, xã hội giai đoạn 2022-2023 của Nhà nước với quy mô gần 350.000 tỉ đồng ở các lĩnh vực. Một số DN ở những lĩnh vực, ngành nghề khó khăn, khó đáp ứng điều kiện tín dụng ngân hàng có thể tính đến giải pháp thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng.

“DN cũng có thể nghiên cứu mô hình đầu tư, huy động vốn mới từ vốn cộng đồng, từ công ty tài chính công nghệ (fintech) trong bối cảnh công nghệ số thay đổi nhanh chóng. Tham gia các chương trình tài chính xanh hoặc cơ hội huy động vốn từ nước ngoài như phát hành trái phiếu, vay vốn trong bối cảnh uy tín, vị thế của Việt Nam đang lên, xếp hạng tín nhiệm triển vọng tích cực...” - Tiến sĩ Cấn Văn Lực gợi mở.

Nguyễn Hoàng

Bình luận

ZALO