Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 02:13 GMT+7

Các trường hợp chưa xem xét kỷ luật, miễn trách nhiệm kỷ luật trong quân đội

Biên phòng - Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định xử lý kỷ luật trong QĐND Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 15/2/2024) đặt ra các trường hợp chưa xem xét kỷ luật, miễn trách nhiệm kỷ luật đối với người vi phạm. Cụ thể:

Khoản 1, Điều 6 Thông tư số 143/2023/TT-BQP quy định về các trường hợp chưa xem xét kỷ luật, bao gồm:

- Trong thời gian nghỉ theo chế độ quy định (trừ trường hợp nghỉ chuẩn bị hưu);

- Trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ sở quân y cấp trung đoàn trở lên hoặc bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyến huyện trở lên;

- Phụ nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ chế độ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản yêu cầu được xem xét xử lý kỷ luật;

- Đang trong thời gian chờ kết quả giải quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.

Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 143/2023/TT-BQP quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm kỷ luật, bao gồm:

- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội.

Tình trạng mất năng lực hành vi dân sự là tình trạng của người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình.

- Vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội trong trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, do điều kiện bất khả kháng.

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Điều kiện bất khả kháng là điều kiện mà trong đó do hoàn cảnh khách quan người có hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

- Vi phạm do chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy cấp trên hoặc phân công nhiệm vụ của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.

Thượng tá Trần Minh Nguyệt (Học viện Biên phòng)

Bình luận

ZALO