Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 10:37 GMT+7

Cải cách mang tính lịch sử

Biên phòng - Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội quyết nghị từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở; bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.

Bộ Nội vụ cho biết, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng.

Theo các đại biểu Quốc hội, qua 4 lần cải cách tiền lương, chính sách tiền lương mới lần này mang tính lịch sử, rất tiến bộ, công bằng, hợp lý và tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương mới là bảo đảm mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng đồng thời với lộ trình thực hiện cải cách tiền lương.

Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp và tiền thưởng, đưa mức lương trung bình của công chức, viên chức tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương hiện nay là 7,5 triệu đồng/tháng. Từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương mới tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.

Với những cải cách mang tính đồng bộ, toàn diện, căn bản, nhiều chuyên gia khẳng định, chính sách tiền lương mới sẽ cải thiện căn bản đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước; hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư. Đồng thời, tạo động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Trước những ý kiến băn khoăn về nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, Chính phủ đã bố trí đủ 562 nghìn tỷ đồng từ nguồn tích lũy của ngân sách Trung ương và địa phương để triển khai đồng bộ 6 nội dung của chế độ tiền lương mới. Mặt khác, qua 5 năm thực hiện các nghị quyết của Trung ương, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Cụ thể, ở Trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 cục và 145 vụ, ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; các địa phương đã giảm 7 sở, 6 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; tổng biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giảm 11,67%...

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ thừa nhận, quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị - giải pháp căn bản để thực hiện cải cách tiền lương làm cơ sở xây dựng bảng lương mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện (2/15 bộ chưa hoàn thành Danh mục vị trí việc làm trong các lĩnh vực chuyên ngành). Bên cạnh đó, việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với người giữ chức vụ lãnh đạo cũng phức tạp do ở nhiều bậc lương cũ, ngạch, chức danh nghề nghiệp khác nhau xếp vào một mức lương chức vụ mới cần có điều chỉnh phù hợp...

Rõ ràng, việc cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 là phù hợp, chín muồi. Song, nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị là duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm, đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách, tiết kiệm chi phí để có nguồn lực tài chính bền vững cho chính sách cải cách tiền lương sau giai đoạn 2024 - 2026.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO