Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 05:15 GMT+7

Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số: Tạo nhiều chuyển biến quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh

Biên phòng - Thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số (CĐS) của Chính phủ; sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, thời gian qua, BĐBP các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch cải cách TTHC gắn với CĐS. Những đột phá này đã tạo nhiều chuyển biến quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển.

Đoàn công tác Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số tại Trung tâm điều hành cảng Tân Cảng-Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đăng Bảy

Nhiều lợi ích thiết thực từ cải cách thủ tục hành chính

Theo đó, từ năm 2021, BĐBP đã thực hiện cải cách 21 TTHC, trong đó, có 18 thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tại 37 cửa khẩu cảng và 50 cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính tuyến đất liền. Thủ tục biên phòng điện tử đã được 429 đại lý, doanh nghiệp đăng ký tham gia. Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đã phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính hoàn thành triển khai hạ tầng, phần mềm kết nối thủ tục biên phòng điện tử tuyến biên giới đất liền theo Cơ chế một cửa quốc gia.

Theo đó, đã triển khai thí điểm 6 thủ tục biên phòng điện tử trực tuyến trên biên giới đất liền cho 5 cửa khẩu quốc tế là Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình) và Mộc Bài (Tây Ninh). Tại các khu vực cửa khẩu, cảng biển, các đơn vị cũng đã triển khai tự động hóa TTHC gắn với hệ thống camera và kiểm soát xuất, nhập cảnh và giám sát an ninh, trật tự khu vực cửa khẩu, cảng biển gắn với hệ thống camera.

Việc triển khai thực hiện biên phòng điện tử đã góp phần cắt giảm toàn bộ thời gian chờ hoàn thành thủ tục của phương tiện. Các thủ tục biên phòng được hoàn thành trước khi tàu đến cảng. Người làm thủ tục biên phòng chỉ cần có máy tính kết nối Internet thì có thể làm thủ tục ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Từ đó, đã giúp tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, chờ kết quả của người làm thủ tục, tránh việc tiếp xúc trực tiếp giữa người làm thủ tục và cán bộ Biên phòng. Cùng với đó là giúp tiết kiệm chi phí neo đậu, bến bãi, hao mòn máy móc, phương tiện, giải phóng tàu nhanh, giúp cho các doanh nghiệp khai thác tối đa công năng của cầu, bến cảng. Việc làm này đã được các cơ quan, doanh nghiệp, nhất là các chủ tàu, chủ hàng ủng hộ và đánh giá cao.

Cùng với đó, thực hiện thủ tục biên phòng điện tử đã giúp cho công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ xin cấp thị thực và giấy phép đi bờ cho thuyền viên nước ngoài được ứng dụng theo phương thức điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử biên phòng kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Đĩnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng thành phố Hồ Chí Minh: Quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng thuận tiện, công khai, minh bạch, hiệu quả, cho phép người làm thủ tục xin cấp thị thực được sử dụng bản fax, bản chụp công văn xét duyệt nhân sự của Cục Quản lý xuất, nhập cảnh, Bộ Công an trong trường hợp không kịp thời gian nộp bản chính. Do vậy, việc giải quyết thủ tục được thực hiện ngay sau khi Biên phòng cửa khẩu cảng tiếp nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Là đơn vị đầu tiên được Ủy ban chuyển đổi số quốc gia giao thực hiện thí điểm nền tảng cửa khẩu số từ tháng 2/2022, đến nay, 100% doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số với gần 300 nghìn phương tiện và hơn 1.400 doanh nghiệp đăng ký tài khoản qua nền tảng cửa khẩu số do BĐBP Lạng Sơn quản lý.

Nhiều đổi mới, cải cách quyết liệt trong cấp thị thực và các loại giấy phép

Đó là đánh giá của Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và CĐS Bộ Quốc phòng tại buổi kiểm tra công tác cải cách TTHC gắn với CĐS tại BĐBP thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/6/2023 vừa qua.

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng tại Lễ đón tàu quân sự ITS MOROSINI, Quốc tịch Italia cập cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9/5/2023. Ảnh: Lương Kiểm

Theo đó, sau khi kiểm tra tại Bộ Chỉ huy và các đơn vị cơ sở, Thượng tướng Lê Huy Vịnh ghi nhận và biểu dương những kết quả mà BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong cải cách TTHC gắn với CĐS. Nổi bật là, đã làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phối hợp với các lực lượng, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu cảng, doanh nghiệp cảng trong công tác thủ tục, kiểm tra giám sát, bảo đảm an ninh trật tự, cấp thị thực và các loại giấy phép tại cửa khẩu cảng, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các tàu thuyền, thuyền viên, hành khách, nhất là các tàu quân sự nước ngoài, tàu khách du lịch quốc tế đến, rời cửa khẩu cảng. “BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đổi mới, cải cách quyết liệt trong công tác cấp thị thực và các loại giấy phép” - Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu.

Theo Đại tá Trần Thanh Đức, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Hồ Chí Minh, khu vực cửa khẩu cảng thành phố Hồ Chí Minh có 116 cầu cảng/58 bến cảng, 82 phao neo đậu tàu. Hàng ngày, số lượng phương tiện, hàng hóa và thủy thủ, thuyền viên, người lao động ra vào khu vực cửa khẩu rất lớn. Nhưng do làm tốt công tác cải cách TTHC gắn với CĐS nên thủ tục nhập, xuất cảnh cho tàu thuyền được BĐBP thành phố Hồ Chí Minh chuyển từ hình thức trực tiếp tại tàu sang cơ chế “một cửa liên thông” tại trụ sở Cảng vụ hàng hải (trừ các tàu phải thực hiện thủ tục trực tiếp tại tàu theo quy định của pháp luật).

Các loại giấy tờ mà người làm thủ tục phải nộp khi làm thủ tục cho tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng đã giảm từ 9 xuống còn 5 loại. Trong đó, chỉ có 2 loại giấy tờ bắt buộc, còn 3 loại giấy tờ chỉ phải nộp nếu có. Thủ tục biên phòng cho một chuyến tàu từ 60 - 90 phút được rút xuống còn khoảng 10 - 15 phút.

Thực hiện Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển, từ ngày 1/7/2018 đến nay, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện 12 thủ tục biên phòng điện tử đối với tàu thuyền đến, rời cảng. Thủ tục biên phòng điện tử được thực hiện 24/7 (kể cả ngày lễ, Tết) đã đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Theo đó, việc khai báo, nhận kết quả được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia; hồ sơ giấy tờ phải nộp được loại bỏ hoàn toàn.

Đối với tàu thuyền chở hàng hóa và tàu chở khách du lịch quốc tế đến cảng, thủ tục biên phòng điện tử được hoàn thành trước khi tàu đến, rời cảng. Thời gian làm thủ tục cho một chuyến tàu giảm xuống còn 0 giờ, do thủ tục biên phòng điện tử đã được hoàn thành trước khi tàu cập cảng. Việc kiểm soát đối với hành khách trên tàu khách du lịch quốc tế đến cảng đã giảm từ 1 - 2 phút xuống còn khoảng 10 - 12 giây/hành khách. Đến nay, 100% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, không để tồn đọng; không có người dân, doanh nghiệp khiếu nại, tố cáo đối với công tác giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị...

Yến Ngọc

Bình luận

ZALO