Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:16 GMT+7

Cái khó trong phòng chống ma túy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ở nước ta với đặc thù địa hình rừng núi phức tạp, chia cắt, đường biên giới dài, trình độ dân trí không đồng đều… là những yếu tố tiềm ẩn để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động. Một số địa danh nổi tiếng là điểm nóng trên "bản đồ ma túy" ở phía Bắc thuộc các tỉnh Sơn La, Điện Biên… có thời kỳ từng là nơi người dân lương thiện không dám qua lại, cán bộ huyện, xã muốn vào bản cũng phải dè chừng chỉ vì tội phạm ma túy manh động. Chính vì vậy, nhiều năm nay, công cuộc phòng chống tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi luôn tiềm ẩn nhiều thách thức. 

usfz_18a-1.jpg
Đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy bị Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy BĐBP Thanh Hóa bắt giữ. Ảnh: Nguyễn Bích

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trên toàn quốc đã bắt giữ hơn 5.900 vụ án về ma túy, thu giữ hơn 314kg hê-rô-in, hơn 75.000 viên ma túy tổng hợp và bắt giữ nhiều đối tượng nguy hiểm, cầm đầu. Đáng ngại hơn là Việt Nam đã và đang trở thành địa bàn tiêu thụ và trung chuyển ma túy đi các nước thứ ba. Số ma túy được thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ ở Việt Nam khoảng 1/3, còn 2/3 được trung chuyển sang nước thứ ba mà chủ yếu là Trung Quốc. Mặc dù các ngành chức năng phát hiện, triệt phá nhiều diện tích trồng cây thuốc phiện, nhưng nguy cơ tái trồng vẫn tiềm ẩn, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Tội phạm ma túy trang bị vũ khí "nóng"; lựu đạn, công cụ hỗ trợ… và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng vây bắt.

Tại tỉnh Sơn La, trong 4 năm, từ 2011 đến hết tháng 3-2015, các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 3.243 vụ/4.672 đối tượng phạm tội về ma túy; tang vật thu giữ gồm 369kg hê-rô-in, trên 36kg nhựa thuốc phiện, trên 301.000 viên ma túy tổng hợp, 2,5kg ma túy đá, 41 ô tô, gần 1.300 xe máy, 32 khẩu súng quân dụng, 26 khẩu súng tự chế, gần 5 tỷ đồng và nhiều vật chứng khác có liên quan.

Mới đây nhất, ngày 3-5-2015, tại địa phận bản Khò Hồng, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, một nhóm 28 đối tượng có vũ trang vận chuyển trái phép ma túy số lượng lớn theo hướng từ phía biên giới Lào vào Việt Nam. Khi phát hiện, tổ công tác phối hợp nhiều lực lượng, các đối tượng đã dùng súng quân dụng bắn liên tiếp nhằm áp đảo lực lượng chức năng. Tổ công tác buộc phải nổ súng, tiêu diệt 1 đối tượng, các đối tượng còn lại bỏ chạy về phía bên kia biên giới. Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện, thu giữ 4 khẩu súng quân dụng, trong đó có 3 khẩu súng AK, 1 khẩu các-bin, 85 viên đạn, nhiều vỏ đạn, 10 ba lô đựng 160 bánh hê-rô-in cùng một số vật chứng liên quan khác.

Nằm ngay cạnh Sơn La là tỉnh Hòa Bình cũng nổi tiếng là trọng điểm ma túy với những Hang Kia, Pà Cò (thuộc huyện Mai Châu, giáp ranh với huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La); 6 tháng đầu năm 2015, các lực lượng phòng chống ma túy của tỉnh Hòa Bình đã đấu tranh bắt giữ 57 vụ với 70 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 23 bánh hê-rô-in; 10.000 viên ma túy tổng hợp; 68g ma túy đá; phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và Công an tỉnh Nam Định khám phá 5 vụ, bắt giữ 10 đối tượng, thu giữ 141 bánh hê-rô-in...

Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của Ủy ban Dân tộc cho thấy, các đối tượng phạm tội ma túy thường lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số vào các băng ổ nhóm, đường dây mua bán trái phép các chất ma túy, nhất là ma túy dạng đá.

Trong quá trình tìm hiểu, viết bài, tôi cũng được các chiến sĩ Biên phòng Sơn La cho biết về trường hợp một phụ nữ người dân tộc Thái mang theo hạt giống và cây thuốc phiện. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, người phụ nữ cho biết, có một người ở chợ cho tiền và nhờ mang hộ về trồng làm thuốc. Sau khi được giải thích rằng đó là cây thuốc phiện và tác hại của nó, chị mới hiểu ra và giao nộp cho lực lượng chức năng.

Có một thực tế đã và đang xảy ra ở Tây Bắc đó là, các đối tượng phạm tội về ma túy, các "ông trùm" thường thuê người dân tộc thiểu số ở hai bên biên giới có quan hệ anh em, họ hàng, dòng tộc với người Lào và thông thuộc địa hình rừng núi để vận chuyển ma túy vào các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa... Tội phạm ma túy dùng thủ đoạn thuê nhiều người, mỗi người mang một lượng nhỏ từ 1 đến 2 bánh hê-rô-in và vận chuyển theo đường mòn. Chúng hoạt động có tổ chức chặt chẽ, hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khép kín.

Trước đó, vào năm 2013, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức tiếp đón đoàn già làng, trưởng bản và người có uy tín của xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Trong buổi tiếp đoàn, các già làng, người có uy tín đã phản ánh thực trạng tội phạm ma túy hoành hành rất đáng báo động, bà con chỉ biết đóng chặt cửa ở trong nhà mà không dám ra đường. Sở dĩ tội phạm ma túy có thể hoành hành ngang nhiên như thế là do chúng lợi dụng, lôi kéo và câu kết với một số phần tử xấu trong thôn, bản để dễ bề hoạt động, đối phó với cơ quan chức năng.

Đề cập đến vấn đề đồng bào dân tộc thiểu số bị tội phạm ma túy lợi dụng, lôi kéo, Đại tá Tạ Đức Ninh, Trưởng phòng Thường trực Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy Bộ Công an cho hay: Các đối tượng phạm tội về ma túy hiểu rất rõ mối quan hệ ràng buộc trong họ hàng thân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số và sự thiếu hiểu biết của bà con về ma túy, tác hại của ma túy để lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc. Khi họ đã thành những mắt xích trong đường dây, tội phạm ma túy sẽ khống chế bằng nhiều biện pháp mạnh, thậm chí thủ tiêu nếu không hợp tác.

Như vậy, ma túy đang ngày càng len lỏi sâu vào đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây không còn là nguy cơ mà đã trở thành mối hiểm họa, khi mà tội phạm ma túy ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Cường Minh

Bình luận

ZALO