Biên phòng - Ngày 7-10, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với Nguyễn Văn Hưng (con trai bà Tân Vlog) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc, sau khi đăng tải trên tài khoản Youtube Hưng Vlog video clip “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết”.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu, Hưng bị xử phạt. Trước đó, ngày 10-9, anh ta đã bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì đã đăng tải video clip với tựa đề “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết”.
Thực tế, sự nhảm nhí, câu view trong các video của Hưng Vlog đã tồn tại trong thời gian dài. Tuy nhiên, phải đến gần đây, YouTuber này mới bị cơ quan chức năng xử phạt vì lan truyền nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng do chế tài xử phạt quá nhẹ, nên không đủ sức răn đe, khó triệt tiêu video nhảm nhí, độc hại?
Sau khi các video sặc mùi bạo lực, giang hồ, tục tĩu, hoặc khoe khoang cuộc sống hào nhoáng của những “giang hồ mạng” như Khá “Bảnh”, Huấn “Hoa Hồng”, Quang “Rambo”, Phú “Lê”, Tuấn “Trọc”, Đường “Nhuệ”... bị các cơ quan chức năng xử lý, thời gian qua, người sử dụng mạng xã hội lại bị cuốn theo các clip tự sản xuất của các “ông, bà nông dân làm vlog” như Bà Tân Vlog.
Hàng loạt kênh Youtube “ăn theo” Bà Tân Vlog cũng thành công chóng vánh thu hút hàng triệu lượt người xem nhờ đánh trúng tâm lý tò mò, thích theo dõi những gì lạ, giật gân.
Sau hàng loạt lùm xùm, tranh cãi về nội dung, kênh Bà Tân Vlog hiện không được đón nhận như trước. Thế nhưng, các con bà Tân vẫn cố vớt vát lập nên các kênh Hưng Vlog, Hậu Vlog, Thanh Lương Vlog. Ngoài các nội dung troll (chơi khăm) bị đánh giá là nhảm nhí, vô bổ, thành viên gia đình này còn bị dư luận phản đối vì truyền bá mất vệ sinh an toàn thực phẩm khi thực hiện những video nấu ăn “không giống ai” nhằm câu view.
Thật đáng lo ngại là một bộ phận không nhỏ cư dân mạng, nhất là giới trẻ, tỏ ra háo hức chờ đón, tung hô những ấn phẩm phản văn hóa đó.
Các chuyên gia pháp luật cho rằng, không gian mạng là một hệ sinh thái mà người dùng có thể thoải mái sáng tạo và phát triển nội dung. Tuy nhiên, việc truyền tải, xây dựng nội dung phải phù hợp quy định pháp luật, không thể chỉ vì “câu view”, “câu like”, gây sốc mà hành động tùy tiện, gây phản cảm. Nhà nước cần phải mạnh tay hơn nữa đối với các chủ tài khoản mạng xã hội coi thường pháp luật, đưa các thông tin nhảm nhí lên mạng xã hội.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc giao Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, thậm chí nhân cách của trẻ em, kéo văn hóa nghe - nhìn của xã hội đi xuống.
Rõ ràng, trong khi chờ một biện pháp quyết liệt hơn từ phía những công ty công nghệ hay nhà quản lý mạng xã hội thì mỗi người dùng cần tự bảo vệ mình khỏi những nội dung độc hại, phản cảm từ không gian mạng. Cư dân mạng cần tỉnh táo, theo dõi một cách có chọn lọc những nội dung trên mạng xã hội để không bị cuốn theo hay vô tình tiếp tay cho điều xấu bằng lượt xem của mình. Khi phát hiện trên mạng xã hội có nội dung, thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì người dùng nên báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần có sự vào cuộc gắt gao và mạnh mẽ hơn nữa để có thể xử lý kịp thời những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật, giúp cho mạng xã hội, mạng internet trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng xã hội.
Hoàng Lâm