Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:08 GMT+7

Cần điều chỉnh tích cực

Biên phòng - Chất lượng đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) đang là đề tài nóng khi chất lượng đào tạo sát hạch lái xe lại chưa theo kịp với nhu cầu đã dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. 

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 8 tháng của năm 2020, toàn quốc xảy ra 5.153 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 4.244 người, bị thương 2.730 người. Trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu vẫn do người điều khiển phương tiện thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ; kỹ năng nhận diện tình huống, xử lý tình huống kém.

Các chuyên gia chỉ ra một thực tế hết sức đáng lo ngại là công tác đào tạo, sát hạch lái xe ở nhiều nơi còn qua loa, chiếu lệ, nhiều cơ sở đào tạo “cấp tốc”, dạy hời hợt, chỉ chạy theo lợi nhuận mà chưa coi trọng việc trang bị kiến thức, trau dồi văn hóa, đạo đức, nghề nghiệp cho người lái xe. Đến khi xảy ra tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Điều đó cho thấy, việc nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch GPLX đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông.

Chỉ ra những sơ hở, bất cập từ việc cấp, quản lý GPLX và việc quản lý GPLX chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông, Bộ Công an mới đây đã đại diện Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tách thành 2 luật riêng biệt là Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ phân định cụ thể hơn trách nhiệm của các bên, trong đó, ngành công an sẽ chịu trách nhiệm về lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông, quản lý người lái và phương tiện; còn ngành giao thông tập trung về đầu tư, phát triển hạ tầng, xây dựng cầu đường.

Tuy nhiên, vấn đề cơ quan lập pháp và dư luận đặc biệt quan tâm, còn có ý kiến khác nhau là quy định Bộ Công an hay Bộ Giao thông Vận tải sẽ quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.

Việc chuyển sang Bộ Công an quản lý được kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập trong thời gian qua như: Người chưa đủ tuổi hoặc quá tuổi, người nghiện ma túy, người không đảm bảo sức khỏe, năng lực nhưng vẫn được cấp, đổi GPLX, hay việc một số trung tâm đào tạo lái xe không có giáo viên đạt chuẩn; cơ sở vật chất, phương tiện học lái không đảm bảo vẫn tổ chức chiêu sinh...

Nhưng việc chia tách không tránh khỏi những hệ lụy. Hiện, cả nước có 328 cơ sở đào tạo lái ô tô và 121 trung tâm sát hạch lái xe. 2 năm trở lại đây, ngành giao thông đã tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, trong đó có việc biên soạn bộ giáo trình đào tạo lái xe sát hơn với thực tiễn, nội dung và số giờ học lái xe cung cấp đầy đủ kiến thức về pháp luật và kỹ năng cho người học. Dữ liệu quản lý người lái và phương tiện cũng đang được xây dựng theo hướng liên thông giữa các bộ, ngành liên quan để thuận tiện cho công tác xử lý vi phạm.

Nguồn lực mà các đơn vị trên bỏ ra đầu tư không nhỏ, nếu chuyển quản lý sang ngành công an thì việc khai thác các trung tâm này sẽ ra sao để không lãng phí nguồn lực xã hội, không tạo thêm áp lực cho ngành khi phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến bộ máy, nhân lực, kinh phí.

Rõ ràng, câu chuyện Bộ Công an hay Bộ Giao thông Vận tải sẽ chịu trách nhiệm trong việc quản lý đào tạo, sát hạch GPLX cũng không nằm ngoài mục tiêu hạn chế được tai nạn giao thông.

Dù ngành nào chủ trì cũng phải hướng tới những thay đổi tích cực, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và xu thế hội nhập quốc tế; các cơ sở đào tạo phải nâng tầm chất lượng, loại bỏ được những tiêu cực, gian lận trong sát hạch; chi phí và mô hình đào tạo hợp lý hơn, thuận lợi hơn cho người dân.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO