Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 05:37 GMT+7

Cần lắm những cán bộ như thế!

Biên phòng - Đó là lời khen trân trọng của anh Tống Văn Khi, Chủ tịch UBND xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên dành cho anh Pờ Go Loòng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện, người dân tộc Hà Nhì duy nhất trong hệ thống Tòa án Việt Nam. Được gặp anh trong buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật nơi cực Tây xa ngái, câu chuyện về vị Chánh án vùng cao này đã gieo cho tôi thêm rất nhiều suy ngẫm về các giá trị tử tế của cuộc sống, về phẩm cách người cán bộ vì dân...  

530x344_16-1.JPG
Ông Pờ Go Loòng. Ảnh: Trung Thành

Cách đây khoảng hơn chục năm về trước, khi huyện Mường Nhé mới được thành lập với 6 xã chia tách ra khỏi hai huyện Mường Tè và Mường Lay (cũ), anh Loòng là lớp cán bộ đầu tiên được cấp trên điều động về đây công tác. Nhắc lại những ngày đầu gian khó, anh Loòng bảo: "Lúc bấy giờ, khắp vùng biên viễn Mường Nhé còn khuất nẻo, hoang vu đến tột cùng. Đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông với truyền thống du canh, du cư, đốt rừng phát rẫy làm nương, đến khi nào đất đai bạc màu, cây lúa không còn trổ bông, trĩu hạt thì họ lại dắt díu, gồng gánh chuyển nhà đi nơi khác...".

Thời điểm ấy, anh Loòng đã "cơm đùm cơm nắm" cùng nhiều đoàn cán bộ ăn rừng ngủ thác giữa rừng xanh núi đỏ hàng tháng trời để "3 cùng" với đồng bào, nhằm vận động bà con về dựng làng, lập bản. "Để làm tốt được công tác vận động, trước hết phải gần dân, hiểu dân cái đã. Rồi phải nói được thứ ngôn ngữ của họ, phải thông hiểu về đời sống văn hóa, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt của mỗi dân tộc thì mới biết cách để ứng xử cho đúng. Mà muốn hiểu thì phải học!", anh Loòng quả quyết.

 Sách vở, tài liệu, internet không có, anh em trong đoàn đành dựng lều, dựng lán "cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất" với đồng bào để học, để nắm bắt được suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của họ, rồi từ đó mới đưa ra những phương cách trợ giúp, vận động sao cho phù hợp. Việc giao tiếp với đồng bào lúc đầu gặp muôn vàn khó khăn do bất đồng ngôn ngữ và những khác biệt về văn hóa, lối sống, suy nghĩ… Sau rồi, tình hình cũng khá dần lên. Bằng cách dùng tình cảm thực sự của mình đặt trong từng lời nói, việc làm, những cán bộ như anh Loòng đã dần "chinh phục" được đồng bào.

Khi đồng bào đã quen dần với việc an cư lạc nghiệp, thì điều quan trọng nhất là phải giúp họ "no cái bụng", rồi mới nói đến chuyện học chữ, sinh đẻ có kế hoạch, hay "xóa mù về pháp luật", bởi khi đói, con người ta chả nghĩ đến điều gì khác ngoài miếng ăn.

Việc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào, nói thì nghe có vẻ đơn giản, nhưng đến khi bắt tay vào làm, anh Loòng và mọi người trong đoàn mới thấy khó bội phần. Cái khó bắt đầu từ việc vận động đồng bào thay đổi thói quen, phương pháp cấy trồng. Nhưng với ý nghĩ "để dân đói là có tội với dân, vì họ đã tin mình về dựng làng, lập bản" nên anh Loòng lại cùng các đoàn cán bộ xuống tận thôn, bản vận động, tuyên truyền theo kiểu "mưa dầm thấm lâu".

Tuyên truyền mãi dần dần cũng có vài gia đình có vẻ xuôi lòng. Anh em liền xắn quần cùng họ be bờ, đắp ruộng, giữ nước, cấy cày. Chả mấy chốc, ruộng lúa nước thành hình hài, cây lúa phát triển, đâm bông, lòng dân thấy yên tâm mươi phần. Đến khi thấy lúa đã trổ bông, trĩu hạt, đồng bào mới bắt đầu tin.

Cái đói dần lui vào dĩ vãng, những người cán bộ như anh Loòng lại nghĩ ra việc khác để làm. Đó là dựng trường, mở lớp rồi kêu gọi đồng bào cho con em mình đi học. Ban đầu thì cán bộ trực tiếp lên lớp, sau mời được thầy về rồi thì cán bộ lại tiếp tục đi sang xã, bản khác. Cứ thế, con chữ theo chân cán bộ "bò" đi khắp thôn xa, bản vắng. Từ những lớp học ấy, đã có nhiều em đỗ đạt, học lên đến cao đẳng, rồi đại học, nay về phục vụ quê hương.

Trưởng bản Tá Miếu (xã Sín Thầu) Lỳ Ná Na, hồ hởi: "Mừng lắm cán bộ à. Cái chữ Bác Hồ đã đến với trẻ em người Hà Nhì, con bò của Nhà nước cũng ham ăn cỏ, chóng lớn lắm. Hơn 3 năm nay, toàn xã Sín Thầu này có một vụ vi phạm pháp luật nào đâu, tất cả là nhờ có những cán bộ như cán bộ Loòng cả đấy".

Nghe nói vậy, anh Loòng chỉ cười, bảo: "Mình cũng sinh ra trên núi cao, cũng đã từng phải sống mòn trong đói nghèo, lạc hậu, cũng đã từng trải qua cảm giác đói rạc, đói rày đến mức phải vơ vào mồm bất cứ cái gì có thể ăn được để sống làm người, may nhờ Đảng và Nhà nước cho ăn học đàng hoàng, có được cái chữ, cái văn minh thời cuộc thì nhất định phải đem nó ra để phụng sự cho Tổ quốc, cho quê hương mình chứ?!".

Sau nhiều tháng, nhiều năm lăn lộn, gắn bó, sẻ chia, gần gũi với đồng bào như thế nên giờ anh Loòng chả khác gì một "già làng" thứ thiệt ở mảnh đất cực Tây của Tổ quốc này. Dù công to, việc nhỏ, cái gì không biết, nhiều khi dân bản lại kéo lên tìm hỏi "cán bộ Loòng" cho thông tỏ. Nếu không ít nhiều hi sinh bản thân, tạm gác sang một bên những "tham, sân, si" để hòa mình cùng đồng bào như anh, thì làm sao có thể nói cho dân nghe, làm cho dân tin được?!

Ngót nghét 30 năm công tác trong hệ thống Tòa án, điều anh Loòng cảm thấy trăn trở và đau xót nhất chính là sự thiếu hiểu biết pháp luật của đồng bào. Nhiều khi họ phạm tội vì những lý do rất nhỏ nhặt. Vợ giận chồng mải rượu, vặt nắm lá ngón về sắc lên cho chồng uống để trả thù. Hoặc có anh chàng nghi hàng xóm nhà mình là ma chai bỏ bùa làm cho gà, lợn ốm đau, chết yểu. Mối hoài nghi ấy ngày càng lớn, cho đến một đêm mưa gió, anh ta đã vác súng kíp dí thẳng vào đầu hàng xóm rồi bóp cò...

Đó là chưa kể đến chuyện người Mông ở Mường Nhé vẫn còn lén lút trồng và sử dụng cây thuốc phiện, anh Loòng phải cùng với lực lượng chức năng băng rừng, lội suối hàng tuần liền đi tìm phá những nương thuốc phiện, Phá xong, anh em lại ngược dốc, vượt đèo quay về bản, vào từng gia đình, gặp từng "con nghiện" vận động họ đi cai, đoạn tuyệt với "ả phù dung". Sau đó, Tòa án huyện tiếp tục đưa các vụ án ma túy về xét xử lưu động tại các "điểm nóng" để giáo dục, răn đe. Quyết liệt, bài bản như thế nên số lượng người nghiện và tình trạng tái diễn trồng cây thuốc phiện trên địa bàn ngày càng giảm.

Hiện giờ, mặc dù đã ngoại ngũ tuần, nhưng niềm đam mê với công việc, nỗi trăn trở với đồng bào trong anh Loòng chả thuyên giảm là bao. Anh bảo: "Mình làm được cái gì cho bà con, dù nhỏ bé hay lớn lao cho nơi này, mình đều thấy mãn nguyện". Còn nhớ, vụ một số đồng bào người Mông ở Huổi Khon nghe theo lời của kẻ xấu đứng lên tụ tập, chống chính quyền vào năm 2011, suốt nhiều ngày sau đó, anh Loòng cùng các cán bộ từ Trung ương đến địa phương kiên trì vào từng gia đình, gặp từng đối tượng để làm công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục.

Với những hiểu biết và kinh nghiệm được đúc rút qua nhiều năm làm công tác dân vận, vị Chánh án người Hà Nhì đã góp phần không nhỏ trong việc vỗ yên lòng dân, khiến họ không còn bị lung lạc bởi những luận điệu sai trái của kẻ xấu. Từ nhiều năm nay, Huổi Khon đã trở lại yên bình như vốn có.     

Anh Tống Văn Khi, Chủ tịch UBND xã Nậm Vì, bảo: "Anh Loòng không chỉ là một cán bộ Tòa án mẫu mực, mà còn là chỗ dựa tin cậy của đồng bào trên nhiều phương diện cuộc sống. Kể từ khi người cán bộ Tòa án huyện về đây tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho đồng bào thông qua các buổi nói chuyện và xét xử các phiên xét xử lưu động thì tỷ lệ người trong xã vi phạm ngày càng giảm. Giờ đồng bào đã không còn nghe theo lời kẻ xấu xúi giục làm việc sai quấy nữa mà chuyên tâm vào việc ruộng nương, phát triển kinh tế nhằm xóa đói, giảm nghèo”.
Nguyễn Trung Thành

Bình luận

ZALO