Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 11:38 GMT+7

Cần những giải pháp mạnh mẽ

Biên phòng - Trong 6 tháng đầu năm có hơn 113.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường. Nhưng ở chiều ngược lại cũng ghi nhận khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 16.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 2.000 doanh nghiệp gia tăng vào thị trường mỗi tháng là tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp vô vàn khó khăn. Đặc biệt, số doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng và đăng ký thành lập mới từ đầu năm khá cao với lượng dự án tăng tới hơn 70% và lượng vốn đăng ký tăng hơn 30%.

Mặc dù vậy, khó khăn với các doanh nghiệp đang hiện hữu, thậm chí nhiều doanh nghiệp đuối sức, khó có thể chống chọi trước bối cảnh tổng cầu thị trường thế giới sụt giảm mạnh, kéo dài. Việc doanh nghiệp thiếu hoặc không có đơn hàng sản xuất đã kéo theo tình trạng người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập đang là vấn đề đáng lo ngại đối với an sinh xã hội.

Báo cáo từ các địa phương, trong quí 2/2023, 241.500 lao động bị nghỉ giãn việc, 217.800 lao động bị mất việc, tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ... Mặt khác, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng gây ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế quan ngại, Việt Nam là một nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Trong bối cảnh sức mua tại những thị trường lớn như EU, Mỹ sụt giảm do lạm phát, các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng vì thế mà giảm mạnh và tồn kho tăng. Nhiều doanh nghiệp đang phải loay hoay tìm giải pháp để bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, không chỉ cho thị trường quốc tế mà cả thị trường trong nước.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm. Nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, đến ngày 15/6/2023 chỉ tăng 3,36% so với năm 2022, chưa bằng 1/4 mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm. Doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn. Cụ thể, số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2017.

Các chuyên gia chỉ ra, tín dụng tăng trưởng chậm bởi tác động từ giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho nhiều..., dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.

Mặt khác, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án kinh doanh khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Trong khi nguồn vốn thị trường như: trái phiếu, chứng khoán và thị trường bất động sản chậm khôi phục.

Điều tra xu hướng kinh doanh cho thấy, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh trong quý 3. Chỉ có 34,3% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng trong quý 3; 32,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên trong thời gian tới.

Trước thực tế trên, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để hạn chế tối đa số doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần tái cơ cấu, đặc biệt là tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới. Đồng thời, cần vận dụng kinh tế số để tìm hiểu về nhu cầu của thị trường và liên kết với các đối tác mới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tạm ngừng sản xuất, nên liên kết lại với nhau để tái đăng ký, khởi đầu lại.

Trong bối cảnh doanh nghiệp tại chỗ không mở rộng đầu tư, tức là vốn đầu tư không tăng lên, kỳ vọng các doanh nghiệp mới thành lập sẽ là một trong những điểm sáng để hoạt động sản xuất, kinh doanh sắp xếp lại sao cho linh hoạt, chủ động và hiệu quả hơn.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO